Vẫn nhờ tới tình mẹ cha (*)

Vẫn nhờ tới tình mẹ cha (*)

Thứ tư, 26/04/2023

Trước lúc đi xa, tôi xin chữ của một người bạn viết thư pháp để mang theo bên mình. Sẽ là một bức thư pháp tiếng Việt được tôi trưng bày trên đất Úet Tôi nhân tin tới người viết chữ rõ ràng nội dung câu chữ cần viết và háo hức. mong đợi tới ngày được nhận chữ. Tôi đã phải đọc đi đọc lại để xác nhận một điều, rằng người viết vì chủ quan nên đã vô tình thay đổi một từ trong câu chữ tôi mong muốn để thành ra câu: "Dù xa vô bờ, vẫn nhớ tới tình mẹ cha".

Bạn có đoán được từ nào đã bị thay đổi không? Đó là từ “nhờ” đã bị thay bằng từ “nhớ”!

Thiệt tình là tôi hoàn toàn không đồng ý với phiên bản thư pháp đó, vì nó vừa không đúng nguyên tác, vừa không trúng tâm tình mà tôi gửi gắm vào đó và muốn mang theo: "Dù xa vô bờ, vẫn nhờ tới tình mẹ cha". Đó là một câu hát tôi thuộc lòng từ thời niên thiếu. Lớn lên, rời xa mái nhà, tôi càng thấy thấm thía thế nào là “nhờ tới tình me cha".

Trong cuộc đời mỗi người, ta sẽ cần nhờ cha mẹ hy sinh những nhọc lao để đưa ta đến trường học rồi tới trường đời, nhờ cha mẹ kiên nhẫn dạy ta từng đức tính làm người, bảo ban ta về những điều ngay, lẽ phải trong đời.

Có đôi khi trái gió trở trời, đứa con đau ốm là tôi nằm rưng rức một mình, gạt dòng nước mắt tủi thân nóng hổi để gọi điện thoại hỏi thăm mẹ cách đánh cảm bằng trứng sao cho đúng, nên ăn những gì cho mau lại sức... Lại có bữa, con gọi cho cha hỏi cách ngâm ớt, tỏi sao cho thấm vị như cha đã làm; hay cách cha ủ một ấm trà ngon. Mà đâu chỉ mình tôi, người anh trai lập gia thất nơi xa cũng gọi điện thoại xin cha mẹ hỗ trợ thêm chút vốn liếng để làm ăn, hay đứa cháu cưng cũng gọi khoe với ông bà thành tích học tập để được khen thưởng...

Không chỉ vậy, có lần, con phải cậy đến mẹ chỉ cho cách cư xử sao cho lịch thiệp, tinh tế trước một người phụ nữ khí chất, để cho họ thấy rằng mình cũng hiểu tâm ý của họ. Hay có lần, con nhờ cha “mách” cho con về nghĩa khí của người quân tử, cách sống sao cho hòa hợp với anh em. Con sẵn lòng chìa tay giúp đỡ bằng khả năng của mình tới những mảnh đời mưu sinh lam lũ ngoài đường phố vì con nhớ ngày trước mẹ từng bảo con đong những chén gạo đầy đem biếu người hành khất. Con có thể hy sinh thời gian rảnh rỗi để dạy bơi cho một đứa em vì kỹ năng này cha từng ân cần dạy cho con trước đó. Không ai khác, chính cha mẹ là tấm gương làm người biết chung sống cho con nhìn vào.

Còn biết bao điều không thể nói hết mà ta vẫn “nhờ” tới cha mẹ bấy lâu nay đó thôi. Và cũng chỉ có cha mẹ mới là người hằng dõi theo ta, dù ta có đi bao xa và bao lâu. Để rồi bất cứ khi nào hay bất kỳ ở đâu, cho dẫu bao sự kết nối khác có thể tốt hơn hoặc tối tệ đithì chỉ riêng kết nối với cha mẹ vẫn luôn hi hiểu và bền chặt.

Những đứa con cho dù đã nên người thế nào thì cũng theo cách nào đó, vẫn luôn cây nhờ tới đấng sinh thành, từ vật chất đến tinh thầnnhư thế đó. Khi ra ngoài đời ta mới biết không ai dễ cho không ai cái gì mà không có điều kiện hay sự tương tác qua lại. Bởi đó là “nhờ vả”, tức làm phiền đến người khác, dựa vào sự giúp đỡ của họ. Riêng “nhờ tình mẹ cha"ta chỉ cần một điều kiện duy nhấtta là con của cha mẹ.

Có một đêm, tôi nhận được tin nhắn viết sai cú pháp loạn xạ, nhưng tôi vẫn có thể “dịch” hiểu về những dòng bộc bạch, những điều suy tư của cha mẹ, dù có những điều cha mẹ không tiên nói thành lời. Đột nhiên, tôi không khỏi trăn trở về những khoảng cách địa lý lẫn những tâm tư chưa thể giãi bày hay chưa kịp báo đáp công ơn cha mẹ.

Trước lúc đi sang xứ người làm việc, tôi nhất định đề nghị người viết phải viết cho đúng câu chữ tôi muốn mang theo. Đó vốn là nguyên tác được trích từ lời ca giản dị mà có sức chạm vào mỗi người con như tôi:“Ai qua là bao chốn xa, thấy đâu vui cho bằng mái nhà /Mai con lớn lên rồi, ra đi tung cánh trong đời/Dù xa vô bờ, vẫn nhờ tới tình mẹ cha".

Với tôi, từ “nhờ” mang sức gợi nhắc nhiều hơn là một nỗi nhớ không dưng. Đôi khi, chợt nhớ thôi chưa đủ, ta còn hàm ơn tình mẹ cha suốt một kiếp người, dù không cha mẹ nào phải nhắc nhở con cháu họ phải như thế, mà đó là ý thức thế hệ, khi người trước làm gương sống cho người sau bằng cách hàm ơn - thảo hiếu.

(*) Lời trong bài hát "Cầu cho cha mẹ 2" của nhạc sĩ Phanxicô

Theo Trần Duy Thanh - Báo Kinh tế Sài Gòn

Bài viết mới nhất

Zalo
Hotline
+84982663849