Chiến lược phát triển nông nghiệp ở Singapore sau Covid-19

Chiến lược phát triển nông nghiệp ở Singapore sau Covid-19

Thứ hai, 05/12/2022

Khi nghe nói Singapore xây dựng chiến lược phát triển nông nghiệp đa phần mọi người đều ngạc nhiên, nhưng đó là sự thật. Người viết vừa trở về từ Singapore để tìm hiểu chiến lược xanh hóa, trong đó có phát triển nông nghiệp, và tận mắt thấy những gì họ đang làm.

Năm 1965 khi tách ra từ Malaysia để trở thành quốc gia độc lập, Singapore chỉ là một hòn đảo nghèo nàn, đất đai nhỏ chỉ có hơn 600 ki lô mét vuông (phần đất tăng lên hơn 120 ki lô mét vuông là kết quả của quá trình 50 năm lấn biển). Ông Lý Quang Diệu đã xác định dứt khoát Singapore không phát triển công nghiệp, nông nghiệp mà chỉ phát triển dịch vụ, trong đó tập trung cho dịch vụ tài chính, dịch vụ hàng hải – chủ yếu là vận tải biển, dịch vụ du lịch, dịch vụ y tế, giáo dục, giải trí chất lượng cao, làm sao cho cả thế giới đến đây tiêu tiền cho các loại dịch vụ.

Khoảng 20 năm trở lại đây, hàng triệu người Việt Nam đến Singapore để học tập, du lịch, chữa bệnh và mua sắm.

Năm năm trước, Singapore nhập 100% nước sạch từ Malaysia (nay Singapore tự túc được 60% nước sạch), 100% lương thực, thực phẩm nhập từ nước ngoài, nhiều nhất là từ châu Âu, Bắc Mỹ, Nhật Bản, Trung Quốc. Họ nhập từ quả trứng cho đến bông hoa, từ thịt bò cho đến pho mát. Gần 50 năm qua, Singapore chưa bao giờ thiếu lương thực, thực phẩm, hàng hóa luôn đầy ắp trên kệ các cửa hàng. Dòng chảy hàng hóa phục vụ cho hơn 6 triệu dân Singapore và gần 20 triệu khách du lịch/năm chưa bao ngừng nghỉ, cho nên chính phủ chưa bao giờ có kế hoạch tích trữ hàng hóa, và người dân cũng chưa bao giờ có chuyện mua hàng hóa tích trữ theo kiểu “tích cốc, phòng cơ”…

Đại dịch Covid-19 kéo dài 2 năm đã làm cho chính phủ và người dân Singapore nhận ra một điều vô cùng hệ trọng rằng phải thay đổi tư duy và hành động càng nhanh càng tốt. Trong đại dịch, với lệnh phong tỏa biên giới trên không và trên bộ, đồng thời kiểm soát ngặt nghèo lương thực thực phẩm từ bên ngoài vào, Singapore xảy ra tình trạng khang hiếm lương thực, thực phầm, có những lúc người dân không có gì để mua, chuỗi cung ứng lương thực, thực phẩm từ bên ngoài vào bị đứt gãy. Tiếp ngay sau đó, cuộc chiến tranh Nga – Ukraine cũng làm cho nguồn cung ứng lương thực, thực phẩm sụt giảm nghiêm trọng. Lương thực, thực phẩm khan hiếm, và đẩy giá lên cao gấp 1,2-2 lần.

Liệu những sự cố về dịch bệnh, chiến tranh như thế có còn xảy ra nữa không? Không ai nói trước được điều gì. Khả năng xảy ra như thế rất cao, bởi thế giới bước vào thời kỳ bất ổn mới với quy mô sâu rộng hơn. Cuộc đại khủng hoảng kép vừa qua cho thấy một sự thật, những nước nào sống bằng dịch vụ, thương mại và nhập khẩu như Singapore, Các tiểu vương quốc Ả rập Thống Nhất (UAE), đều gặp khó khăn, còn những nước vẫn còn nông nghiệp như Việt Nam, Thái Lan, Malaysia thì phục hồi nhanh hơn và hệ quả thiệt hại kinh tế ít hơn. Chính vì điều đó, Singapore, Dubai cũng như các thành phố khác của UAE, đặt ra mục tiêu phải phát triển nông nghiệp để đảm bảo an ninh lương thực trong thời gian ngắn hạn đủ để xã hội không rơi vào khủng hoảng…

Chiến lược phát triển nông nghiệp của Singapore là hướng tới đảm bảo được 10% lương thực, thực phẩm cho đến năm 2025 và 30% cho đến năm 2030. Để làm được điều này chính phủ Singapore đang tiến hành ba việc lớn:

Thứ nhất, thành lập các trung tâm nghiên cứu nông nghiệp tại hai đại học lớn nhất là Đại học Quốc gia Singapore (NUS) và Đại học Nanyang (NTU). Nhiệm vụ của các trung tâm này là tìm kiếm và tạo ra các giống cây trồng, vật nuôi phù hợp với điều kiện của Singapore dựa trên các thành tựu mới nhất nghiên cứu về gen, công nghệ sinh học, hóa học và trí tuệ nhân tạo. Các giống cây trồng có năng suất cao, thời gian sinh trưởng ngắn nhưng phải an toàn và có chất lượng cao.

Thứ hai, phát triển nông nghiệp không đất hay ít đất trong đô thị, gọi là nông nghiệp đô thị. Người Singapore đã tân dụng mọi địa hình để hình thành ba hình thức trồng rau xanh, cây trái.

Loại thứ nhất là ít đất, tức là trồng trên nóc nhà, sân thượng; ở khoảng trống giữa các tòa nhà hay những khoảng đất trống trước nay trồng cây xanh, ở các vườn thực vật và một góc các cánh rừng tự nhiên. Một trong số các “sân thượng xanh” lớn nhất của Singapore là của Công ty Edible Garden City. Công ty hiện nay đang điều hành khoảng 80 địa điểm trồng trọt trên tầng mái của các tòa nhà. Ngoài ra công ty này cũng tạo ra nhiều khu vườn thực phẩm ở nhũng nơi “khác thường hơn” như tại khu vực từng là nhà tù, trong các xe container chở hàng và trên ban công của các căn hộ cao tầng.

Loại thứ hai là trang trại thẳng đứng. Hiện nay ở Singapore đã có 15 trang trại thẳng đứng hay là nhà máy trồng rau xanh (Sky Greens Farm). Mỗi trang trại có diện tích khá nhỏ chỉ từ 1-1,5 héc ta bao gồm các đơn nguyên cao 6-12 tầng, hoạt động hoàn toàn tự động hóa theo một chu trình khép kín trong nhà kính. Đây là phương pháp trồng cây thủy canh chuyên dụng không cần đất do người Nhật Bản phát triển. Tất cả khâu chăm sóc như tưới nước, duy trì nhiệt độ, độ ẩm, ánh sáng, chất bổ dưỡng cho cây đều được tự động hóa và được giám sát bằng hàng tram cảm biến đa dụng và hệ thống camera có độ phân giải cao giúp cho công nhân nông nghiệp làm chủ quá trình tăng trưởng của cây trồng một cách khoa học và chính xác. Nhà máy không dung thuốc trừ sâu và hóa chất độc hại. Mỗi nhà máy là một tổ hợp hoạt động tích hợp của công nghệ thông tin, trí tuệ nhân tạo và tự động hóa cho nên công nhân rất ít. Mô hình này cho sản lượng cao gấp 10-12 lần so với canh tác truyền thống và giá thành thấp hơn nên được xã hội đón nhận.

Loại thứ ba, chính phủ khuyến khích mô hình rau xanh gia đình (homefarm), tức là gia đình tự trồng rau xanh ở nơi có thể tận dụng như sân thượng, mái đón, ban công, garage. Những gia đình đăng ký sẽ được chính phủ hỗ trợ vốn, giống và cử cán bộ kỹ thuật đến hướng dẫn, sản phẩm đầu ra của mỗi homefarm như thế được bao tiêu khi khi thu hoạch nếu đáp ứng đủ các tiêu chí kỹ thuật.

Thứ ba, Singapore thuê đất ở những nước có thổ nhưỡng tốt, khí hậu phù hợp đề trồng rau trái. Chính phủ hỗ trợ các công ty của Singapore xuất khẩu các giải pháp kỹ thuật, đưa các chuyên gia kỹ thuật nông nghiệp sang nước đó, thuê nhân công địa phương canh tác, khi thu hoạch thì chuyển sản phẩm về Singapore tiêu thụ. Đây là giải pháp mà chính phủ Singapore tính đến lâu dài, bởi chí có thuê những diện tích lớn, trồng trọt với quy mô lớn thì mới tăng khả năng tự túc lương thực, thực phẩm lên 50%. Hiện nay các trang trại của Singapore đã xuất hiện ở Úc, Thái Lan, Trung Quốc.

Bài học xây dựng chiến lược phát triển nông nghiệp của Singapore khiến chúng ta phải suy nghĩ thật thấu đáo cho nông nghiệp Việt Nam, nhất là loại hình “Nông nghiệp – Đô thị”. TPHCM có nhất thiết để tất cả các huyện nông nghiệp phải tiến thẳng lên thành phố, xóa bỏ dần nông nghiệp, chuyển đổi đất sang cho công nghiệp? Khi đất bị bê tông hóa rồi, việc hoàn thổ nông nghiệp  là điều không thể.

Theo Ts. Nguyễn Minh Hòa (KTSG)

Bài viết mới nhất

Zalo
Hotline
+84982663849