Nghề dạy học..."lạ" lắm!

Nghề dạy học..."lạ" lắm!

Thứ tư, 26/07/2023

1. Hôm rồi tôi đi khám bệnh. Ở ô cửa làm thủ tục của bệnh viện, đọc qua hồ sơ, cô nhân viên hỏi: “Thầy còn dạy thêm ở nhà không?”. “Còn, cô ạ!”, tôi cười trả lời. Đến khâu xét nghiệm máu, cô y sĩ hỏi: “Thầy C. dạy môn vật lý phải không? Nhà thầy vẫn còn ở đường X. chứ?”. Tôi thầm nghĩ, chắc cũng là học trò cũ học thêm với mình trước đây rồi.

38 năm tôi dạy học, trong đó có 24 năm làm phó hiệu trưởng rồi hiệu trưởng. Nhưng “lạ” lắm, mỗi dịp gặp học trò cũ, các em thường chỉ nhắc đến thầy ngày đó trên bục giảng từng nêu vấn đề để vào bài học như thế nào, lối viết bảng của thầy ra làm sao..., chứ chuyện thầy trong vị trí ban giám hiệu thì không mấy em ôn lại dấu xưa. Tôi nhiều lần nói với đồng nghiệp, nghề giáo đong đầy nhất vẫn là gắn bó với lớp học, bục giảng, phấn trắng, bên cạnh học trò, nhất là trong môn học mà mình giảng dạy. Chứ làm quản lý trường học là một “nghiệp” khác, tương tác với học trò thì có đó, nhưng việc đã đến hiệu trưởng xử lý thì thường là đối với những “ngựa chứng trong sân trường”.

2. Ngày 14-7 vừa rồi, Tòa án Nhân dân thành phố Hà Nội mở phiên xét xử sơ thẩm vụ án lộ đề thi • môn sinh học trong kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2021. Hai bị cáo trong vụ án đều là cựu giảng viên khoa sinh học thuộc trường Đại học Sư phạm Hà Nội, được phân công tham gia xây dựng ngân hàng câu hỏi thi và hội đồng ra đề thi. Hai người bị cho là sắp xếp câu hỏi vào vị trí được rút ra làm nguồn đề thi chính thức, định hướng chọn các tổ hợp câu hỏi do mình biên soạn, đưa tài liệu về nhà biên soạn, “luôn thể” dùng tài liệu đó ôn thi cho số học sinh có họ hàng, thân quen.

Án phạt của tòa tuyên cho hai người này chỉ là một khía cạnh. Bởi nghề dạy học “lạ” lắm! Khi thầy cô định hướng ôn luyện cho học sinh đi thi với cái tâm trong sáng và mån may “trúng đề” thì cả thầy lẫn trò cùng vui “to” - niềm vui tích cực của những nỗ lực và bằng danh dự và lòng tự trọng, mà trước tiên là vai trò dẫn dắt, định hướng của thầy cô. Dù vậy, điểm thi cao hay sự đỗ đạt là những mục tiêu trước mắt. Chính điểm số về lâu dài mà cuộc sống ghi cho từng người học mới nói lên tất cả. Những khuất tất lúc dạy học của thầy cô (nếu có) chứa đầy khả năng dẫn đường cho học sinh làm theo, lây lan, và biến tướng phức tạp hơn trong đời sống xã hội.

Bởi vậy, những nhận định của học trò về thầy cô đã từng dạy dỗ họ có thể làm cho nhà giáo bật khóc vì hạnh phúc, cũng có thể là vết cắt đau hơn cả bản án của tòa án. Những “giá như”, những “lỡ” quên, lỡ hám danh lợi, vật chất, chức quyền... có thể làm đứt gãy thiên chức của nhà giáo. Nghề dạy học “lạ” lắm!

3. Mấy ngày qua, dư luận xôn xao vụ giải thưởng Genius Olympiad năm 2023. Một học sinh lên • tiếng tố cáo bài dự thi của em đã bị một bạn khác lấy dự thi và cuối cùng đoạt giải. Điều đáng nói là cả hai học sinh này cùng được thầy N.M.T. (giáo viên tại một trường THPT ở TPHCM) hướng dẫn, đồng hành. Sự say mê, tâm huyết, niềm vui khi học trò đoạt giải đã được thầy N.M.T. nhấn mạnh khi chia sẻ với báo chí. Thế nhưng thầy đã phải nhanh chóng “chân thành xin lỗi”, rằng “hình ảnh người thầy của tôi không còn nữa” (Tuổi Trẻ ngày 13-7) khi ban tổ chức cuộc thi chính thức kết luận bài đoạt giải giống bài dự thi ban đầu đến 86%.

Thời nào cũng thế, càng gay go hơn ở thời đại 4.0, sao có thể đổi trắng thay đen cho được! Lẽ ra, qua lăng kính người hướng đạo là giáo viên đồng hành, những ấp ủ non nớt, mới mẻ của tuổi ô mai phải được phát triển trên nền tảng trung thực, giúp học trò nên người tử tế trên hành trình hướng đến chân, thiện, mỹ. Đó là nhiệm vụ của giáo dục! Tuyệt nhiên không phải là, không hề là việc lấy ý tưởng của em này gán cho em khác. Như vậy, thành tích từ cuộc thi nếu có chỉ là phù du khi đức tính trung thực bị đánh mất.

4. Áp thấp nhiệt đới có thể mạnh lên thành bão ở biển Đông nên Tây Nguyên mưa dầm dề. Thời tiết nếu được dự báo chính xác sẽ giúp người dân phòng tránh thiên tại hiệu quả. Ngày nay, dự báo những khả năng xảy ra trong tác nghiệp của nghề dạy học có thể giúp hạn chế rất nhiều những chuyện buồn ở các cơ sở giáo dục như trong thời gian qua. Phẩm cách nhà giáo là kết quả của đào tạo, của tự rèn luyện, của sự vận hành ở môi trường giáo dục đề cao giá trị của kỷ cương, tình thương, trách nhiệm.

Biết là thế, nhưng mấy chục năm rồi, nhà giáo chúng tôi vẫn đau đáu: bao giờ nghề dạy học từ “lạ” thành... quen - sự quen thuộc trong nghề của những tâm hồn cao thượng?

Theo Nguyễn Hoàng Chương - Báo Kinh tế Sài Gòn

Bài viết mới nhất

Zalo
Hotline
+84982663849