Không có tiêu chuẩn về sắc đẹp

Không có tiêu chuẩn về sắc đẹp

Thứ bảy, 17/09/2022

Mạng xã hội phát triển trở thành kênh liên lạc của rất nhiều người và cũng là nơi thể hiện “cái tôi” mạnh mẽ nhất. 

-9236-1662972876.jpg

Thí sinh lọt vào vòng chung kết cuộc thi Hoa hậu Vương quốc Anh hoàn toàn không trang điểm

 

Bên cạnh số ít xây dựng hình ảnh cá nhân qua mạng xã hội bằng việc chia sẻ kiến thức, đa số chỉ trưng bày hình ảnh cá nhân đã được chỉnh sửa qua app, lung linh mờ ảo. 

Trong danh sách bạn bè ít ỏi trên mạng xã hội, có khi tôi không nhận ra bạn của mình vì hình ảnh trưng bày trên trang cá nhân hoàn toàn khác với họ ở ngoài đời. Tất nhiên, họ đẹp hơn, trẻ hơn, nhưng không phải họ mà tôi biết. Việc sử dụng app chỉnh sửa hình ảnh đã trở nên phổ biến và xu hướng này đang bị lạm dụng quá mức, vì ai cũng mong muốn khoe sự đẹp đẽ và đời sống hiện có.  

Nhìn rộng ra xã hội, tôi cũng không phân biệt được hoa hậu nào với hoa hậu nào, ngoại trừ cô HHen Niê với gương mặt còn giữ được nét riêng của sắc tộc Êđê, chỉ vì họ chỉnh sửa (theo app hoặc đã phẫu thuật thẩm mỹ) giống nhau quá, hệt như gương mặt mẫu mà các viện thẩm mỹ cổ súy với làn da trắng, mắt to, mũi cao, cằm nhọn và làn môi cong.

Tương tự là nhiều diễn viên, ca sĩ, người mẫu, cả nam và nữ hiện nay tôi nhìn đều giông giống nhau, với gương mặt ngây thơ, thánh thiện, không còn thể hiện mã gen của dòng họ. 

Nguy hại nhất là sự cổ súy vẻ đẹp “nhân tạo” này trên nhiều trang mạng khoác danh “báo” đã khiến nhiều cô gái trẻ (không phải giới showbiz) lầm tưởng phải chỉnh sửa gương mặt hay cơ thể thì mới có thể “đổi đời”, “đổi vận mệnh”, để được giàu có như những người nổi tiếng. 

Bây giờ, các cô gái trẻ xung quanh nhà tôi đều chỉnh sửa gương mặt, làm ít thì nâng mũi, làm nhiều thì nâng ngực... Đến ngân hàng quen gần nhà, tôi gặp các cô giao dịch viên đều có mũi cao như “tây” và mắt to như nai, nhìn giống như nhau mà buồn. Tôi nhớ hình ảnh một cô gái mặc bộ đồ ngủ trông xanh rớt và yếu ớt đến tiệm thuốc tây hỏi mua thuốc kháng sinh mà tôi tình cờ gặp. Sau khi cô bé đi, tôi hỏi cô bán thuốc: “Cô gái này bị gì vậy?”. “Cô ấy vừa nâng ngực, bị đau nên ra mua thêm thuốc về uống”. 

Một người bạn của tôi ở ngoại ô kể, mấy nhân viên của bạn thậm chí vay nợ để sửa mũi, nâng ngực, dù chứng kiến có người bị biến chứng vẹo mũi hoặc ngực sưng tấy sau phẫu thuật. Chị dâu một người bạn khác vốn rất đẹp khi ngoài 40 tuổi tự dưng nghiện phẫu thuật thẩm mỹ, mới đầu chỉ nâng cung mày, căng mắt to, sau đó căng cả da mặt, khiến mỗi khi cười cứ như bị ai đó kéo căng miệng, còn đôi mắt thì dường như bất động. Sau đó, người chị dâu còn thuyết phục cô em chồng đi chỉnh sửa giống mình, không chỉ thuyết phục một lần mà nhiều lần, dù thừa nhận căng da mặt rất đau đớn.  Có vẻ như bà chị muốn người khác cũng phải có trải nghiệm giống mình.

Đọc bảng giá phẫu thuật trên trang web của một bệnh viện phẫu thuật thẩm mỹ, tôi thấy có đến 25 kiểu chỉnh sửa gương mặt, rẻ nhất là độn cằm V-line 15 triệu đồng và đắt nhất là tạo gương mặt V-line 100 triệu đồng. Trong số này, có cả kiểu “sửa lại gò má đã phẫu thuật” giá 80 triệu đồng, chứng tỏ việc chỉnh sửa gương mặt không phải làm một lần là xong.

Trong khi bị “bủa vây” bởi những gương mặt không còn là chính họ nữa, đầu tháng 9 vừa qua, tôi thích thú khi đọc được thông tin một thí sinh lọt vào vòng chung kết Hoa hậu Vương quốc Anh đã để mặt mộc - hoàn toàn không trang điểm - khi đi thi. CNN ngày 26/8 viết: “Thí sinh lọt vào vòng chung kết cuộc thi Hoa hậu nước Anh trở thành người đầu tiên không trang điểm: Melisa Raouf - một sinh viên đại học 20 tuổi đến từ phía Nam London, đã vượt qua vòng bán kết của cuộc thi Hoa hậu nước Anh vào ngày 22/8 khi hoàn toàn không trang điểm. Bây giờ, Raouf sẽ tiếp tục bước vào vòng chung kết giành vương miện hoa hậu diễn ra vào tháng 10 này”.

Theo CNN, trong một cuộc phỏng vấn với tờ báo Independent của Anh, cô Melisa Raouf nói: "Nếu một người hài lòng với làn da của mình thì không nên trang điểm. Những khiếm khuyết làm nên con người chúng ta và đó là điều làm nên nét độc đáo của mỗi cá nhân". Raouf cho biết, mặc dù bắt đầu trang điểm từ khi còn trẻ nhưng cô quyết định từ bỏ thói quen này để tham gia cuộc thi. Cô thổ lộ: "Tôi chưa bao giờ cảm thấy mình đáp ứng các tiêu chuẩn sắc đẹp. Gần đây, tôi đã chấp nhận rằng mình đẹp với làn da tự nhiên và đó là lý do tại sao tôi quyết định bước vào cuộc thi với việc không trang điểm".

-2517-1662972877.jpg

Dịch vụ vẽ chân dung bằng chì ở quảng trường Công Xã Paris trước Bưu điện TP.HCM ngày 4/9/2022 có lẽ là cách mô tả chân dung cổ điển nhất

 

Điều bất ngờ là không chỉ Raouf nhận ra vẻ đẹp tự nhiên mới có giá trị, mà ngay bà Angie Beasley - Giám đốc cuộc thi Hoa hậu Vương quốc Anh đã cầu chúc Raouf may mắn trong vòng thi chung kết. Bà nói với CNN: "Chúng tôi đã giới thiệu vòng thi Top Model gương mặt mộc hồi năm 2019, vì hầu hết thí sinh đều gửi những hình ảnh đã được chỉnh sửa kỹ càng với nhiều lớp trang điểm và chúng tôi muốn nhìn thấy gương mặt thật của các cô đằng sau lớp trang điểm ấy". Có vẻ như sau khi chứng kiến quá nhiều gương mặt bị chỉnh sửa, ngay cả Ban giám khảo Hoa hậu Vương quốc Anh cũng chán ngán và có xu hướng khao khát nhìn thấy vẻ đẹp tự nhiên.

May mắn thay, từ lâu tôi đã nhận biết cái đẹp thật ra không có tiêu chuẩn nào cả, cái đẹp nằm trong mắt người đối diện. Vì trong thực tế, khi yêu thương ai, ta luôn thấy người đó đẹp, bất chấp những thứ được gọi là “tiêu chuẩn” về cái đẹp do cá nhân hay tổ chức nào đó đặt ra. 

Theo Thanh Thủy (DNSG)

Bài viết mới nhất

Zalo
Hotline
+84982663849