Trời nóng, ảnh hưởng thế nào đến kinh tế

Trời nóng, ảnh hưởng thế nào đến kinh tế

Thứ sáu, 11/08/2023

Nhiều nơi trên thế giới, kể cả Việt Nam trong những tháng trước, đã hay đang trải qua những đợt nắng nóng, khi nhiệt độ bình quân vượt mọi kỷ lục lâu nay. Trời nóng gây khó khăn trong sinh hoạt của người dân nhưng đồng thời còn có những tác động lâu dài lên nền kinh tế.

Tác động đầu tiên, dễ thấy nhất là năng suất lao động sẽ giảm sút khi nhiệt độ tăng cao. Khi trời nóng, con người thường hoạt động chậm lại, các chức năng nhận thức bị suy giảm, nguy cơ xảy ra tai nạn lao động tăng lên. Một nghiên cứu của Tổ chức Lao động quốc tế dự báo đến năm 2030, mỗi năm thế giới sẽ mất đi một mức tương đương 2% tổng số giờ làm việc của mọi người do trời nóng quá hay do công nhân phải làm chậm lại để thích nghi với thời tiết nóng bức. Hiện nay chừng 200 triệu người ở các thành phố trên khắp thế giới có nguy cơ phải chịu các đợt nóng gay gắt và con số này sẽ tăng gấp 8 lần đến năm 2050, theo tờ Financial Times.

Ngành trồng bắp ở Mỹ đang thiệt hại chừng 720 triệu đô la Mỹ doanh thu mỗi năm do các đợt nóng.

Tuy nhiên, cho đến nay có rất ít nước đặt ra những quy định nóng đến mức nào thì phải ngưng làm việc. Chẳng hạn ở Anh, do thời tiết nóng không phải là mối đe dọa trong quá khứ nên nước này chỉ có những khuyến cáo công nhân nên ngưng làm việc nếu nhiệt độ giảm đến mức nào đó, tức chỉ đề cập lúc trời lạnh chứ chưa có lúc trời nóng.

Điều đáng nói là nhiệt độ nóng gay gắt sẽ tác động mạnh nhất lên người nghèo hay người không có khả năng ứng phó và suy giảm năng suất lao động lại xảy ra với các nghề có mức lương thấp hơn mức bình quân.

Công nhân làm việc ngoài trời, đặc biệt là trong lĩnh vực nông nghiệp và xây dựng, chịu rủi ro thương tật nhiều hơn do phơi ngoài trời nắng. Nhưng ngay cả công nhân làm việc trong nhà cũng gặp rủi ro khi các đợt nóng xuất hiện thường xuyên hơn, như 66 triệu công nhân may mặc trên thế giới, nhiều người phải làm trong các nhà xưởng nóng bức, không có hệ thống điều hòa không khí. Đa số công nhân ngành này là ở các nước phía Nam, nơi khí hậu nóng bức xảy ra thường xuyên hơn, nguy hiểm hơn.

Ngoài tác động lên sức khỏe của công nhân, các đợt nóng bức đòi hỏi các ngành nghề phải xem lại cách thức hoạt động. Chẳng hạn, ngành xây dựng ngoài việc bảo vệ công nhân còn phải lo chuyện cái nóng ảnh hưởng như thế nào lên vật liệu xây dựng. Thép có thể cong vênh khi trời quá nóng; kiểm soát việc đổ bê tông cũng khó hơn vì nhanh khô hơn nên dễ bị nứt, ảnh hưởng lên độ bền bê tông. Những yếu tố như thế sẽ đẩy chi phí tăng cao, tranh mua nguyên vật liệu, làm chậm tiến độ thi công, kể cả rủi ro bị phạt tiến độ.

Ngành chế tạo cũng phải tính đến chuyện thay đổi để thích ứng với thời tiết nóng hơn vì nhà xưởng và kho hàng được thiết kế cho thời tiết bình thường chứ không tính đến cái nóng gay gắt như vừa qua. Dưới nhiệt độ cao, thiết bị máy móc có thể không hoạt động ở mức tối ưu nên cần điều chỉnh. Phần lớn các quy trình chế tạo đều đòi hỏi sử dụng một lượng nước lớn để làm mát; trời nóng có thể hạn chế lượng nước khả dụng cho nhà máy.

Trong lịch sử các nhà máy thường đặt gần sông ngòi để tận dụng nguồn nước nhưng mức nước thấp kỷ lục vừa qua tại châu Âu đã ảnh hưởng đến nhiều nhà máy. Cơ sở hạ tầng cũng chịu nhiều sức ép hơn mỗi khi xảy ra thời tiết cực đoan; sức nóng ảnh hưởng từ đường sắt đến bến cảng, sân bay.

Trong nông nghiệp, nhiệt độ tăng cao làm năng suất cây trồng giảm sút. Một nghiên cứu của Arsht-Rock cho thấy ngành trồng bắp ở Mỹ đang thiệt hại chừng 720 triệu đô la Mỹ doanh thu mỗi năm do các đợt nóng; dự báo mức thiệt hại này sẽ tăng lên 1,7 tỉ đô la vào năm 2030.

Ngành du lịch phải chú ý đến các đợt nóng để, nếu cần thiết, đóng cửa các điểm du lịch ngoài trời, tránh để du khách ngất xỉu vì sức nóng. Thất thu trong ngành du lịch khi xảy ra các đợt nóng kéo dài là chuyện khó lòng tránh khỏi.

Con người đang tìm cách thích ứng với các đợt nóng kéo dài và thường xuyên xảy ra hơn trước. Hy Lạp đặt ra chức vụ người phụ trách vấn đề nắng nóng từ năm 2021 trong khi Tây Ban Nha tuyên bố họ sẽ ra lệnh cấm lao động ngoài trời mỗi khi xảy ra đợt nắng gay gắt. Doanh nghiệp thì tính đến các phương pháp giảm thiểu tác hại của nắng nóng như phun sương lên môi trường làm việc. Có doanh nghiệp đổi giờ làm để tránh cái nóng giữa trưa, tận dụng ban đêm hay sáng sớm.

Càng xảy ra các đợt nóng cực đoan, người ta càng chú ý đến các vật liệu giảm nóng gián tiếp. Thực tế hiện nay vật liệu xây dựng góp phần tăng sức nóng, như nhựa đường hay bê tông tiếp nhận và giữ lại sức nóng mặt trời, trong khi nhà xưởng trong các khu công nghiệp thường vắng bóng cây xanh nên càng chịu nóng thêm.

Do vậy người ta đang chú ý đến các phương thức như sơn chống nắng cho mái nhà xưởng, làm mái che hay trồng thêm cây xanh. Không biết khi trời còn nóng hơn, như các nhà khoa học dự báo, sẽ còn cần các biện pháp thích ứng nào nữa mà doanh nghiệp phải tính đến để duy trì sản xuất, kinh doanh.

Theo Nguyễn Vũ - Báo Kinh tế Sài Gòn

Bài viết mới nhất

Zalo
Hotline
+84982663849