Bài học mạng 5G

Bài học mạng 5G

Thứ ba, 26/03/2024

Nước ta có một điều may mắn: triển khai mạng 5G chậm hơn so với các nước khác. Gọi là may mắn vì cho đến nay ở các nước đã triển khai mạng 5G nổi lên nhiều bài học đáng chú ý. Về phía người tiêu dùng, đại đa số thất vọng về khả năng thực tế của mạng 5G, không như những lời ca tụng có cánh trước đó.

Với mạng 5G xây dựng trên cơ sở hạ tầng dùng chung với mạng 4G, tốc độ thật không nhanh như quảng cáo, nhiều nơi chỉ hơn mạng 4G đôi chút; độ bao phủ lại kém hơn. Những ứng dụng dựa trên độ trễ thấp của mạng 5G được quảng bá mạnh như dùng trong ô tô tự lái, robot phẫu thuật từ xa, Internet vạn vật khi mọi thứ quanh ta đều được kết nối, nhà máy được điều khiển tự động, thành phố thông minh… chỉ có trên lý thuyết.

Về phía các nhà mạng, chi phí đầu tư cho mạng 5G rất lớn, hiện đang đẩy nhiều hãng viễn thông ở nhiều nước vào chỗ khó khăn tài chính. Như hãng Verizon ở Mỹ bỏ ra đến 45,5 tỉ đô la đấu thầu các băng tần mới để triển khai mạng 5G, chưa biết đến bao giờ mới thu hồi được vốn. Khách hàng tiêu dùng cá nhân tỏ ra không mặn mà lắm với mạng 5G vì họ không thấy các lợi ích thiết thực. Khách hàng là doanh nghiệp, chẳng hạn các nhà máy muốn kết nối mọi thiết bị hiện có vào một mạng lưới 5G để vận hành theo cách tự động, lại gặp nhiều khó khăn khách quan. Một cánh tay robot tự động sản xuất vào thập niên 1990 thì làm sao có chỗ để lắp thẻ SIM nhằm kết nối?

Kinh nghiệm của các nước cũng cho thấy ứng dụng nổi trội của mạng 5G tại nước họ là giúp các hộ gia đình kết nối Internet thông qua mạng di động như một chọn lựa khác bên cạnh kết nối bằng cáp quang. Thế nhưng mạng 5G xây dựng trên hạ tầng mạng 4G thì tốc độ chậm; mạng 5G độc lập (stand-alone), xây mới từ đầu có tốc độ cao lại tốn kém vì cần nhiều trạm phát sóng hơn. Kết nối Internet thông qua mạng di động là một thị trường lớn ở nước ta vì không phải hộ gia đình nào cũng có kết nối bằng cáp quang. Nhưng với nhu cầu hiện nay như liên lạc qua các ứng dụng như Viber, Zalo… hay dùng để vào các mạng xã hội, mua sắm trực tuyến, tải nhạc, xem phim… thì mạng 4G dư sức đáp ứng.

Như vậy, bài học đầu tiên trong triển khai mạng 5G là đừng thổi phồng khả năng thật sự của nó, nhất là khi chỉ mới có thể xây dựng mạng 5G dùng chung với hạ tầng cũ. Một khi người tiêu dùng thất vọng họ sẽ quay lưng. Sự cải thiện của mạng 5G so với trước là một sự cải thiện dần, theo kiểu tuần tự chứ không phải là một sự đột phá nên việc quảng bá cần tỉnh táo và khách quan. Ngay cả tại Hàn Quốc, nước đầu tiên triển khai mạng 5G, người tiêu dùng cũng thất vọng vì tốc độ không cải thiện bao nhiêu trong khi phí cao hơn, tầm phủ sóng thấp hơn.

Trong bối cảnh hiện nay, có lẽ không nên rót quá nhiều tiền vào cuộc chạy đua triển khai mạng 5G như các nước từng trải qua vào những năm đầu thập niên 2020. Để thu hồi vốn bỏ ra, các nhà mạng sẽ phải thu tiền nhiều hơn từ khách hàng trong khi nhu cầu sử dụng của họ hầu như không thay đổi so với trước, tạo nên một sự lãng phí cho nền kinh tế nói chung. Mở rộng tầm bao phủ của mạng 4G trong khi chờ công nghệ có những bước đột phá khác như mạng 5G-Advanced, chỉ triển khai mạng 5G stand-alone ở một số khu vực có thể tận dụng thế mạnh của mạng này sẽ là bước đi thận trọng, đúng đắn.

Q.House tổng hợp

Bài viết mới nhất

Zalo
Hotline
+84982663849