Trung Quốc: chính sách kinh tế có thể vãn hồi?

Trung Quốc: chính sách kinh tế có thể vãn hồi?

Thứ sáu, 08/09/2023

Kỳ vọng đối với tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc cần được điều chỉnh và tác động lan tỏa của Trung Quốc cần được cập nhật và đánh giá lại.

Các báo cáo triển vọng kinh tế và cả trong phát biểu của người đứng đầu nhiều định chế tài chính uy tín hồi đầu năm 2023 đã đưa ra những dự báo đầy lạc quan về viễn cảnh kinh tế Trung Quốc sẽ bùng nổ theo kiểu “tăng trưởng phục thù” sau khi tuyên bố dỡ bỏ chính sách zero Covid. Ước tính của Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) còn cho rằng Trung Quốc sẽ đóng góp khoảng 30% vào phục hồi tăng trưởng toàn cầu. Tuy nhiên, sau khi Chính phủ Trung Quốc đưa ra mục tiêu tăng trưởng khiêm tốn “xung quanh 5%” trên nền tảng tăng trưởng năm ngoái rất thấp (chỉ đạt 3%) thì những lo ngại bắt đầu xuất hiện. Còn trong nội bộ Trung Quốc, các cuộc họp ở cấp cao nhất liên tiếp diễn ra để tập trung tháo gỡ khó khăn cho nền kinh tế. Nhưng liệu tác dụng của chúng đến đâu?

Từ những cuộc họp điều hành chính sách cấp cao

Chỉ sau hai tháng thành lập (tháng 5-2023), Ủy ban Kinh tế Tài chính trung ương (CFEC) đã họp hai phiên liên tiếp đều do Chủ nhiệm – Tổng bí thư Tập Cận Bình chủ trì. Tại phiên họp đầu tiên, hai nhiệm vụ trung tâm được đề ra là (i) tập trung xây dựng hệ thống ngành hiện đại lấy các ngành sản xuất làm trụ cột, nhằm giành được sự chủ động chiến lược về phát triển và cạnh tranh quốc tế, và (ii) dựa vào chất lượng con người để làm bệ đỡ cho hiện đại hóa kiểu mới của Trung Quốc. Điều đáng chú ý là trong cuộc họp này, CFEC dường như đã nêu bật phương hướng và cách thức tiếp cận nền kinh tế của lãnh đạo nhiệm kỳ mới – coi kinh tế là điều kiện để đảm bảo an ninh và coi an ninh là cơ sở của phát triển kinh tế. Nói cách khác, phát triển kinh tế sẽ nằm trong khung khổ phục vụ các mục tiêu chính trị mà Đảng đề xuất và ưu tiên.

Tinh thần này tiếp tục được quán triệt tại cuộc họp tháng 7-2023 của Ủy ban đi sâu cải cách toàn diện trung ương (CCDRC). Vào ngày 11-7, Tổng Bí thư Tập Cận Bình đã chủ trì cuộc họp của CCDRC với trọng tâm hàng đầu là thảo luận về văn bản “Ý kiến về việc xây dựng một hệ thống kinh tế mở cấp độ cao hơn mới nhằm thúc đẩy việc xây dựng mô hình phát triển mới”. Mặc dù thông tin chi tiết không được tiết lộ, nhưng ông Tập Cận Bình cho biết ông muốn “chủ động nâng mức độ mở cửa của Trung Quốc lên một tầm cao mới” và “đẩy mạnh cải cách thể chế” trong hợp tác nước ngoài về thương mại, đầu tư, tài chính và đổi mới. Tuy nhiên, những nỗ lực kích thích trao đổi kinh tế không phải là để làm xói mòn hay suy yếu sự chỉ đạo của Đảng hay phương hại an ninh quốc gia.

Trong khi các chính sách cải cách tập trung vào phía cung đã dừng lại để nhường chỗ cho các chính sách hướng đến phúc lợi nhiều hơn thì điều đó cũng làm giảm niềm tin của cả giới kinh doanh lẫn người tiêu dùng.

Thông cáo của hội nghị CCDRC chỉ ra rằng mở cửa kinh tế nên “xoay quanh phục vụ việc xây dựng mô hình phát triển mới.” Cụm từ này đề cập đến chiến lược “hai vòng tuần hoàn” của Bắc Kinh nhằm phát triển thị trường nội địa, đồng thời khiến thế giới phụ thuộc nhiều hơn vào chuỗi cung ứng của nước này.

Các biện pháp mở cửa mới có thể sẽ nhắm mục tiêu vào các công ty công nghệ cao và các chủ thể tài chính mà Đảng tin rằng có thể giúp các ngành công nghiệp trong nước trở thành cường quốc toàn cầu, với điều kiện các hoạt động này không làm thay đổi các định hướng chính trị, chủ nghĩa trọng thương và chương trình nghị sự kinh tế của ông Tập Cận Bình. Điều này ngụ ý rằng, về phương hướng lớn, các chính sách kinh tế sẽ tiến hành với sự cho phép và dẫn đường của chính trị, các biện pháp kiểm sát khó có thể trở thành dĩ vãng, ngay cả khi chúng có thể được nới lỏng phần nào trong những tháng tới.

Cuộc họp Bộ Chính trị tháng 7-2023 cũng nói nhiều về nỗ lực tăng tiêu dùng trong nước, nhất là trong ngắn hạn. Điều này xảy ra vào thời điểm mà quá trình phục hồi sau đại dịch Covid-19 đã chậm lại với tác động của việc mở cửa trở lại mờ dần. Đặc biệt, phục hồi tiêu dùng đang bị tụt lại phía sau. Mức tăng doanh số bán lẻ quí 2 đã chậm lại so với quí 1 trong khi thị trường bất động sản tiếp tục lao dốc với doanh số bán bất động sản từ quí 1-2023 đến quí 2-2023 giảm 5,9% so với mức giảm 0,9% từ quí 4-2022 đến quí 1-2023. Trong tháng 7, đầu tư bất động sản cũng giảm gần 8%.

Các biện pháp kích cầu như thị trường nhà ở, các kế hoạch nới lỏng và giải quyết nợ của chính quyền địa phương đã được công bố, kèm theo cam kết thực hiện các biện pháp tài khóa ngược chu kỳ. Các biện pháp này sau đó đã được làm rõ hơn bằng một văn bản của Quốc vụ viện vào ngày 31-7 về việc thúc đẩy tiêu dùng. Văn bản này hướng đến việc bỏ các hạn chế mới đối với việc mua ô tô, mua nhà cho mục đích cư trú và mua sắm đồ gia dụng, điện tử.

Sau cuộc họp của Bộ Chính trị nói trên, có hàng loạt tín hiệu tháo gỡ khó khăn cho lĩnh vực bất động sản. Chính phủ Trung Quốc nhiều khả năng sẽ tập trung vào nhu cầu hơn là giải quyết các vấn đề phía nguồn cung. Cụ thể, Chính phủ đang xem xét việc giảm cả lãi suất vay mua nhà và tỷ lệ tiền mặt trả trước – căn thứ nhất có thể chỉ phải trả 20% thay vì 24% tổng giá trị căn nhà, trong khi căn thứ hai có thể giảm từ mức 80% giá trị đóng trước về mức 30% theo lộ trình.

Cục Quản lý thuế nhà nước Trung Quốc đã công bố “hướng dẫn” về việc miễn hoặc giảm các loại thuế liên quan đến nhà ở. Bên cạnh đó, các cơ quan quản lý tài chính đã khuyến khích các ngân hàng thương mại lớn đàm phán gia hạn nợ để hỗ trợ tài chính cho các công ty bất động sản, từ đó đảm bảo tiến độ bàn giao các dự án nhà ở đang được xây dựng.

Đến triển vọng kinh tế

Mặc dù có hàng loạt chính sách điều chỉnh và dẫn dắt nền kinh tế vượt qua khó khăn, nhưng nền kinh tế Trung Quốc vẫn cần thời gian hấp thụ các chính sách này. Số liệu kinh tế, vì vậy, vẫn còn nhiều u ám.

Nửa đầu năm nay, GDP Trung Quốc tăng trưởng 5,5%. Trong đó, quí 2 chỉ tăng 0,8% so với quí 1. Tỷ lệ thất nghiệp toàn phần của khu vực thành thị ở Trung Quốc giữ ở mức 5,2% trong tháng 6, nhưng tỷ lệ thất nghiệp ở lao động trẻ tiếp tục tăng lên mức cao kỷ lục 21,3%. Xuất khẩu của nước này trong tháng 7 giảm 14,5% so với cùng kỳ năm ngoái. Xuất khẩu sang Mỹ – thị trường lớn nhất của hàng hóa Trung Quốc – giảm 23,1%. Xuất khẩu sang Liên minh châu Âu giảm 20,6%, sang khối ASEAN giảm 17%.

Bên cạnh đó, lo ngại lớn nhất đến từ việc nền kinh tế thứ hai thế giới có thể đối diện với giảm phát sau khi thị trường bất động sản đổ vỡ. Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) của Trung Quốc ở mức âm lần đầu tiên (-0,3%) nhưng từ tháng 3 đến nay chỉ số này đã tăng trưởng liên tục dưới 1% so với cùng kỳ năm ngoái.

Nếu tính so với tháng trước thì CPI của Trung Quốc đã ở mức âm liên tục từ tháng 2 và ngoại trừ dịp Tết, tất cả các tháng của nửa cuối năm 2022 đều ở mức 0 hoặc âm. Nguyên nhân của tình trạng này là do (i) giá thực phẩm giảm sâu, chủ yếu là giá thịt heo; (ii) lạm phát lõi cũng giảm liên tục, trong khi EU có lạm phát lõi gần 5%, Mỹ gần 7% thì của Trung Quốc chỉ ở mức quanh 0,5%; (iii) tiêu dùng chưa phục hồi do tác động của phong tỏa kéo dài và niềm tin vào nền kinh tế.

Bên cạnh đó, chỉ số giá xuất xưởng công nghiệp (PPI) cũng có tháng thứ 10 liên tiếp ở dưới mức 0, một phần quan trọng vì sự suy giảm của lĩnh vực bất động sản đã ảnh hưởng đến hàng loạt ngành thượng du (sắt thép, xi măng) lẫn các ngành hạ du (sản xuất kính, sản xuất đồ gia dụng). Điều này cũng phù hợp với tình hình sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp công nghiệp khi mà lợi nhuận nửa đầu năm sụt giảm 13,6% và là lần sụt giảm dưới 0 tháng thứ 12 liên tiếp.

Triển vọng bấp bênh

Các chính sách hỗ trợ hoặc kích thích của Chính phủ Trung Quốc vẫn chưa phát huy tác dụng như mong đợi. Một phần vì thời gian triển khai chưa dài, phần khác là vì vấn đề của Trung Quốc mang tính cấu trúc chứ không phải mang tính chu kỳ. Trong khi các chính sách cải cách tập trung vào phía cung (supply-side reform) đã dừng lại để nhường chỗ cho các chính sách hướng đến phúc lợi nhiều hơn thì điều đó cũng làm giảm niềm tin của cả giới kinh doanh lẫn người tiêu dùng.

Một nền tảng của tăng trưởng kinh tế là tâm lý ưa thích rủi ro của cả doanh nghiệp và người dân nay đều bị suy giảm sau những thay đổi bước ngoặt về điều hành vĩ mô năm ngoái. Trong khi đó, các chính sách quan trọng cho lĩnh vực bất động sản chưa có nhiều tiến triển bởi “ba lằn ranh đỏ” vẫn hiện diện ở đó. Trong bối cảnh đó, kỳ vọng đối với tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc cần được điều chỉnh và tác động lan tỏa của Trung Quốc cần được cập nhật và đánh giá lại.

Theo TS. Phạm Sỹ Thành (Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Chiến lược Trung Quốc(CESS)) - Báo Kinh tế Sài Gòn

Bài viết mới nhất

Zalo
Hotline
+84982663849