Sáp nhập huyện, xã - "bài học Gò Công"

Sáp nhập huyện, xã - "bài học Gò Công"

Thứ hai, 17/06/2024

Sau khi Gò Công chuyển đổi từ “thị xã” lên “thành phố”, trong gần một tháng người dân địa phương này không thể đăng ký xe. Lý do là hệ thống của ngành cảnh sát giao thông chưa cập nhật thay đổi về địa danh này trên cả phôi giấy và phần mềm quản lý đăng ký xe. Đây là điều cần tránh lặp lại trong đợt sáp nhập đại trà đơn vị hành chính sắp tiến hành trong vài tháng tới.

Từ đầu tháng 5 vừa qua, nhiều người dân ở thành phố Gò Công, tỉnh Tiền Giang không thể đăng ký xe sau khi sáp nhập chuyển đổi từ thị xã Gò Công lên thành phố Gò Công. Lý do ách tắc do phôi in giấy đăng ký xe chưa được thay đổi theo địa danh mới là thành phố Gò Công.

Việc chậm trễ này kéo dài đến ngày 24-5 mới được giải quyết, sau khi Cục Cảnh sát giao thông gửi phôi giấy theo địa danh mới về thì cán bộ đăng ký xe mới in giấy đăng ký cho người dân. Không chỉ do phôi giấy chưa cập nhật, tình trạng này còn do Cục Cảnh sát giao thông chưa thay đổi trên phần mềm quản lý đăng ký xe từ “thị xã Gò Công” sang “thành phố Gò Công”.

Khi xảy ra vụ ách tắc này, Cảnh sát giao thông thành phố Gò Công cũng không thể làm gì khác ngoài việc gửi văn bản cho Phòng Cảnh sát giao thông Công an tỉnh Tiền Giang để nhờ đốc thúc Cục Cảnh sát giao thông chuyển đổi sớm.

Trả lời trên báo chí, Phòng Cảnh sát giao thông Công an tỉnh Tiền Giang cho biết đã có văn bản báo cáo gửi Cục Cảnh sát giao thông để nhờ hỗ trợ, có thể do hệ thống phần mềm chưa được chuyển đổi thống nhất từ thị xã Gò Công sang thành phố Gò Công, nên việc đăng ký xe chưa giải quyết sớm được(1).

Sự việc “chậm đăng ký xe” thoạt nhìn có vẻ đơn giản nhưng nghĩ về thiệt hại của người dân thì lại không đơn giản chút nào. Đầu tiên là người dân khi mua xe đều gắn với kế hoạch sử dụng, việc mua xe xong nhưng không lưu hành được vì chưa đăng ký sẽ ảnh hưởng đến kế hoạch này, chẳng hạn như phải thuê xe để đi thay vì dùng xe đã mua.

Kể cả với xe máy, sau khi đã bán xe cũ mà chưa đăng ký được thì xe mới mua về phải “trùm mền” ở nhà và người dân phải chịu tốn thêm tiền đi xe ôm, xe công nghệ nếu không có xe khác để đi tạm.

Đối với doanh nghiệp vận tải và xe cá nhân chạy dịch vụ thì thiệt hại còn nặng hơn vì một ngày chậm lăn bánh là một ngày mất trắng doanh thu. Với trường hợp vay ngân hàng để mua xe thì người dân còn gánh thêm gần một tháng lãi suất ngân hàng của khoản vay trong khi không có nguồn thu như dự kiến.

Theo thông tin từ Bộ Nội vụ được báo chí trích dẫn, tiến độ thực hiện việc sáp nhập huyện, xã trong giai đoạn 2023-2025 phải hoàn thành trước tháng 10-2024. Tổng hợp từ phương án tổng thể của 53 tỉnh, thành thực hiện sáp nhập huyện, xã, trong giai đoạn 2023-2025 có 49 đơn vị hành chính cấp huyện được sáp nhập. Với cấp xã, tổng số đơn vị hành chính thực hiện sáp nhập là 1.247, sau sáp nhập dự kiến giảm 624 xã(2).

Từ bài học của việc đăng ký xe ở Gò Công sau khi thay đổi địa danh, các ngành chức năng cần triển khai đồng bộ việc cập nhật dữ liệu ngay từ bây giờ để tránh gây thiệt hại và phiền hà cho người dân, ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp, trong đó có việc thay đổi đồng loạt địa chỉ giao dịch trong hồ sơ đăng ký tại sở, ngân hàng lẫn trong bộ nhận diện thương hiệu, bảng hiệu… trong khi đợt sáp nhập đại trà các đơn vị hành chính được thực hiện.

Thiết nghĩ cần có một bộ dữ liệu gốc về các thay đổi địa danh, địa giới hành chính trong đợt sáp nhập này để các ngành chức năng cập nhật, hệ thống quản lý phải sẵn sàng trước khi việc sáp nhập diễn ra chứ không thể để sáp nhập xong mới cập nhật.

(1) https://tuoitre.vn/vi-sao-hon-20-ngay-qua-nguoi-dan-go-cong-chua-the-dang-ky-xe-20240522101507899.htm

(2) https://tuoitre.vn/de-xuat-khong-sap-nhap-hon-500-huyen-xa-tren-ca-nuoc-do-yeu-to-dac-thu-20240601105309977.htm

Theo Mục Đồng - Báo Kinh tế Sài Gòn

Bài viết mới nhất

Zalo
Hotline
+84982663849