Từ cuối năm 2023 đến nay, các diễn đàn tiền gửi liên tục xuất hiện các thông tin dò hỏi ngân hàng nào đang có lãi suất huy động tốt, hay khi nào lãi suất huy động tăng trở lại. Hiện tại nhiều khoản tiền gửi tiết kiệm 12, 13 tháng vào mùa đáo hạn. Tuy nhiên, năm nay người gửi tiền không còn “được mùa” khi lãi suất huy động liên tục hình thành đáy mới.
Đua giảm lãi suất đầu vào
Ngày 12-1, Vietcombank tiếp tục gây sốc khi điều chỉnh giảm lãi suất huy động thêm 0,1-0,2% ở tất cả kỳ hạn. Theo đó, lãi suất kỳ hạn 1-2 tháng chỉ còn 1,7%/năm, 3 tháng còn 2%/năm, 6-9 tháng 3%/năm và 12 tháng trở lên 4,7%/năm. Như vậy, lãi suất cao nhất tại Vietcombank đã thấp hơn cả mức trần 4,75%/năm NHNN đang áp dụng đối với tiền gửi có kỳ hạn từ 1 tháng đến dưới 6 tháng.
Tại Agribank, VietinBank, BIDV, mặt bằng lãi suất ngày 17-1 cũng tiệm cận vùng đáy này. Agribank giảm lãi suất kỳ hạn 1-2 tháng xuống 1,8%/năm, 3-5 tháng xuống 2,1%/năm, 6-11 tháng còn 3,3%/năm, 12-18 tháng 5,5%/năm và 24 tháng 5,3%/năm.
Lãi suất tại VietinBank giảm xuống 1,9%/năm cho kỳ hạn 1 tháng đến dưới 3 tháng; 3 tháng đến dưới 6 tháng 2,2%/năm; 6 tháng đến dưới 12 tháng 3,2%/năm; 12 tháng đến dưới 24 tháng 5%/năm và cao nhất 5,3%/năm cho kỳ hạn từ 24 tháng. Lãi suất huy động của BIDV cũng tương đồng VietinBank.
Trước đó, tại họp báo triển khai nhiệm vụ NH năm 2024, Phó Thống đốc NHNN Đào Minh Tú, cho biết mặt bằng lãi suất hiện nay đã về mức thấp nhất trong vòng 20 năm trở lại đây. Trong báo cáo phát hành mới đây, dù vẫn lưu tâm đến rủi ro tăng giá, HSBC kỳ vọng NHNN sẽ giữ nguyên lãi suất chính sách ở 4,5% trong suốt năm 2024.
Đây cũng là dự báo được đưa ra khá nhiều trong thời gian gần đây. Phó Thống đốc NHNN cũng chia sẻ, về mặt điều hành nếu giảm được lãi suất thì phải giảm, NHNN không đặt vấn đề tăng lãi suất trong năm 2024.
Lãi suất huy động hiện tại đã thấp kỷ lục so với nhiều năm trở lại đây. Vì vậy, tiếp tục giảm lãi suất điều hành cũng không có tác dụng kích thích nền kinh tế, còn có thể khiến dòng vốn huy động chảy sang các kênh đầu tư khác.
Lãi suất huy động không chỉ giảm mạnh ở nhóm Big 4 mà cả nhóm NHTMCP cũng đang nhộn nhịp cạnh tranh giảm. Tính từ đầu tháng 1 đến nay, 23 NHTMCP đã điều chỉnh giảm lãi suất huy động, như SHB, VIB, OCB, KienLongBank, NCB, Viet A Bank, GPBank… giảm lãi suất 2 lần.
Cụ thể, tại các nhà băng này, lãi suất kỳ hạn 1 tháng dao động 1,8-3,95%/năm, 6 tháng còn 5,25%/năm, 12 tháng 5,8%/năm, trên 12 tháng 4,75-6,3%/năm. Ngoài ra cũng có những mức lãi suất “khủng” dành cho khách hàng cá nhân, nhưng điều kiện rất khó đáp ứng. Chẳng hạn, mức 8,2%/năm được áp dụng khoản tiền tối thiểu từ 300 tỷ đồng, hay 10%/năm với số dư tiền gửi mở mới từ 2.000 tỷ đồng trở lên.
Tiền thừa đến bao giờ?
Chỉ trong vòng 1 năm, lãi suất huy động đã có nhiều thăng trầm khi giảm quá nhanh từ đỉnh về đáy. Hồi quý I-2023, nhiều người gửi tiền vừa gửi vào NH này lại rút ra đem gửi NH khác vì lãi suất cao hơn. Nhiều NH cũng hòa vào cuộc đua “đi đêm” lãi suất với mức 11,5-12%/năm.
Tuy nhiên từ cuối năm 2023, tình thế đã thay đổi, người gửi tiền không thể “làm giá” để đòi lãi suất cao vì các NH đang thừa tiền. Dẫu vậy, tiền vẫn ồ ạt chảy vào kênh tiết kiệm. Số liệu của NHNN cho thấy, dân cư và các tổ chức kinh tế đã gửi thêm 1,68 triệu tỷ đồng vào hệ thống NH trong năm 2023, tăng 13,2% so với cuối năm 2022. Riêng quý IV-2023, tiền gửi vào hệ thống tăng trên 800.000 tỷ đồng. Theo đó, tổng lượng tiền gửi vào hệ thống NH đến cuối năm 2023 đạt hơn 13,5 triệu tỷ đồng, cao nhất trong lịch sử ngành NH.
Đầu năm nay, Big 4 hé lộ kết quả kinh doanh sơ bộ cho thấy sự khả quan về huy động vốn trong năm 2023. Theo đó, huy động vốn thị trường 1 của Vietcombank đạt xấp xỉ 1,41 triệu tỷ đồng, tăng 12,1% so với năm 2022. BIDV đạt 1,89 triệu tỷ đồng, tăng 16,5% so với cuối năm 2022. VietinBank đạt hơn 1,5 triệu tỷ đồng, tăng 13,7%... Tính chung số dư huy động vốn của nhóm Big4 trong năm 2023 tăng thêm gần 778.900 tỷ đồng, tương đương tăng hơn 13% so với cùng kỳ 2022.
Rộng hơn trên cả hệ thống, tình trạng dư thừa thanh khoản vẫn đang bao trùm. Cuối năm 2023, lãi suất VNĐ qua đêm trên thị trường liên NH ở mức 0,51%/năm, 1 tuần 3,23%/năm, 1 tháng 3,42%/năm, 3 tháng 3,33%/năm. Tuy nhiên, đến ngày 16-1-2024 lãi suất qua đêm chỉ còn 0,15%/năm, 1 tuần 0,29%/năm, 2 tuần 0,49%/năm, 1 tháng 1,06%/năm, 3 tháng 2,98%.
Tại nhiều NH, tiền gửi không kỳ hạn cũng có xu hướng phục hồi ở quý III-2023, trong bối cảnh các kênh đầu tư khác đều ẩn chứa nhiều rủi ro, dòng tiền trú ẩn trong NH để chờ đợi, tìm kiếm cơ hội đầu tư.
Những diễn biến trên là nền tảng của xu hướng giảm lãi suất, song nguyên nhân quan trọng dẫn đến lãi suất không ngừng thủng đáy vẫn do yếu tố đầu ra. Tín dụng năm 2023 tăng trưởng rất chậm, chỉ đột ngột tăng mạnh vào nửa cuối tháng 12.
Trong nhóm Big 4, BIDV và VietinBank tăng trưởng tín dụng cao hơn mức chung toàn ngành, lần lượt 16,66% và 15,6%. Tuy nhiên, Vietcombank chỉ tăng 10,6%, Agribank tăng 7,4%. Như vậy, có thể tín dụng chỉ tăng cục bộ ở một số NH, về cụ thể phải chờ các NH công bố báo cáo tài chính quý IV-2023.
Dù lãi suất đầu vào giảm ồ ạt suốt thời gian qua, nhưng lãi suất cho vay chưa như kỳ vọng của thị trường. NHNN cho biết mức lãi suất trung bình những khoản cho vay mới sẽ giảm 2-2,2% là vượt hơn kỳ vọng.
Dù vậy, ghi nhận thực tế lãi suất huy động từ 6 tháng của các NH đã giảm 10-11%/năm xuống còn 5-6%/năm, còn tốc độ giảm lãi vay rất chậm. Gần đây, một số NH công bố giảm sâu lãi suất cho vay nhưng chỉ nằm trong một số gói tín dụng hoặc chỉ ưu đãi ngắn hạn.
Theo các chuyên gia phân tích thị trường, lãi suất đầu vào sẽ tạo đáy trong quý I-2024, nhưng có khả năng tăng trở lại khi nhu cầu vay vốn phục hồi. Đặc biệt, cuối năm 2024 áp lực đáo hạn trái phiếu doanh nghiệp tăng, có thể dẫn đến việc cạnh tranh lãi suất giữa các nhà băng.
Ngoài ra, nếu giải ngân vốn đầu tư công tăng tốc cũng có thể khiến tồn dư ngân sách gửi NH giảm, ngược lại nhu cầu vay đầu tư phát triển tăng kéo lãi suất trái phiếu chính phủ tăng, từ đó tác động đến lãi suất huy động.
Hiện nhiều người gửi tiền có xu hướng chọn tái tục sổ tiết kiệm đến hạn ở các kỳ hạn ngắn hơn, với tâm lý chờ lãi tăng, hoặc chờ cơ hội từ kênh đầu tư khác, cũng ảnh hưởng đến sự ổn định thanh khoản của các NH.
Với tình hình này, lãi suất huy động quay đầu và nhu cầu vay vốn lãi suất thấp của người dân và doanh nghiệp sẽ khó được đáp ứng.
Theo Đỗ Linh - Báo Sài Gòn Giải Phóng - Đầu tư tài chính