Không thể bỏ qua Frankfurt

Không thể bỏ qua Frankfurt

Thứ ba, 29/11/2022

Nếu không vì một sự kiện đặc biệt, tôi sẽ không bao giờ nghĩ đến chuyện ghé thăm Frankfurt. Nhưng rồi lại nhận thấy không thể bỏ qua thành phố này khi đến Đức vì phố cổ và nhà văn vĩ đại Goethe.

Không nhiều thời gian, nên tôi chỉ đến Quảng trường Römerberg và thăm ngôi nhà đã trở thành bảo tàng Goethe, liên thông với quảng trường.

Như phim cổ trang

Tại Quảng trường Römerberg, nhìn quanh, sẽ có cảm giác đang xem một bộ phim “cổ trang phương Tây” của nhiều thế kỷ trước. Bởi nơi đây từng là địa điểm của hội chợ thương mại đầu tiên của Frankfurt vào thế kỷ… thứ 13 – hiện giờ, hội chợ này vẫn được tổ chức, cũng như hội chợ sách Frankfurt, hai năm một lần, và triển lãm ô tô quốc tế cùng Ambiente Frankfurt, hội chợ hàng tiêu dùng lớn nhất thế giới. Ngoài ra còn có chợ trời mỗi dịp Giáng sinh.

Nhà cổ phục chế ở Quảng trường Römerberg.

Sở giao dịch chứng khoán Frankfurt cũng nằm tại quảng trường này cùng dinh thự Römer, trụ sở của chính quyền thành phố, từ thế kỷ 15, với màu hồng duyên dáng. Römer là tên gọi của một đơn vị quân đội La Mã đồn trú tại đây thời xa xưa, trước khi Frankfurt được thành lập.

Ở đấy còn có Nhà thờ Saint-Nikolai và tượng một người phụ nữ tay  cầm cân đứng sừng sững chính giữa quảng trường, tượng trưng cho công lý, diệt trừ nạn tham nhũng ở Frankfurt…

Rồi một số ngôi nhà nửa gạch nửa gỗ của thế kỷ 15 và 16 bị chiến tranh tàn phá và được xây dựng lại vào những năm 1980; theo một tài liệu đọc được, có đến 80 ngôi nhà như thế. Trông giống phố cổ ở Rennes, nơi tôi từng ở dài ngày.

Quả là một ví dụ độc đáo về việc tái thiết nhưng vẫn thổi hồn được cho một thành phố quá hiện đại, nơi nhiều kiến trúc sư không thích chuyện trùng tu những ngôi nhà giống nhau, mà chỉ thích vẽ những tòa nhà chọc trời đầy kính, không cái nào giống cái nào, ngước nhìn mỏi vai mỏi cổ…

Bởi vậy, duy nhất tại quảng trường Römerberg mới nhìn thấy đồ cũ (tuy là phục chế, xây lại), và không khí vui nhộn, có phần náo nhiệt, nếu so với những tòa nhà chọc trời không hồn rải rác Frankfurt, người ra vào khẩn trương và lặng lẽ.

Nói chung, quảng trường Römerberg dường như vẫn giữ được bầu không khí thời Trung cổ, một nơi lý tưởng để ngồi quán, nhâm nhi cà phê và ngắm nhìn người qua lại, ngẫm nghĩ về sự tàn phá và tái thiết…

Như được gặp Goethe

Không xa quảng trường là ngôi nhà -bảo tàng Goethe. John Wolfgang Goethe sinh năm 1749 qua đời năm 1832, đã sống trong căn nhà nay trở thành bảo tàng này suốt thời niên thiếu và một phần tuổi thanh niên.

Từng được ông miêu tả trong cuốn tự truyện Truth and Poetry, from My Own Life (Thơ và sự thật, từ chính cuộc đời tôi), căn nhà của gia đình đại văn thi hào Đức hầu như vẫn giữ nguyên những nét xưa. Nhờ đó, khách đến đây có thể khám phá một phần cuộc đời của Goethe, nơi khởi nguồn hành trình văn học của ông.

Trên thực tế, căn nhà của gia đình Goethe, xây dựng vào thế kỷ thứ 17, đã bị phá hủy trong Chiến tranh thế giới thứ hai, và được phục chế, hầu như hoàn toàn. Chính trong ngôi nhà này, Goethe đã sáng tác The Sorrows of Young Werther (tiếng Đức: Die Leiden des jungen Werthers [Những đau khổ của chàng trai trẻ Werther]). Cũng tại đây, ông đã nghiên cứu và, sau đó, sáng tác tập thơ bất hủ, được nhiều người biết đến hơn: Faust.

Từng có những dịch giả Việt Nam dịch từ nguyên bản tiếng Đức của hai tác phẩm không thể bỏ qua này kể cả trước và sau năm 1975. Trong đó có Nỗi đau của chàng Vecte của Quang Chiến, do Nhà xuất bản Văn học in lần đầu năm 1982, tái bản hai lần – năm 1989 và 1999. Và Faust I và Faust II do Đỗ Ngoạn cùng Thế Lữ dịch, được Nhà xuất bản Văn học in lại hai lần, năm 1976 và 1995.

Die Leiden des jungen Werthers – Những đau khổ của chàng trai trẻ Werther được xuất bản ẩn danh, nhân dịp hội chợ sách Leipzig mùa thu năm 1774. Ngay lập tức, hầu như chỉ qua một đêm, tiểu thuyết sử thi này đã được công chúng đón nhận nồng nhiệt, trở thành tác phẩm ăn khách nhất thế kỷ 18 ở Đức. Sau đó, một phiên bản sửa đổi, được viết thêm chút ít xuất hiện vào năm 1787, nhân dịp các tác phẩm hoàn chỉnh và đầy đủ của Goethe được xuất bản.

Chuyện chàng Werther đau khổ

Nếu muốn tóm tắt tiểu thuyết lừng danh này vào một câu thì sẽ như sau: Một chàng trai trẻ mất người yêu, bị ám ảnh bởi ý nghĩ anh không được ai yêu nên đã tự kết liễu đời mình.

Tóm tắt dài hơn thì như thế này: Chàng trai trẻ Werther về nông thôn sinh sống, gặp Charlotte tại một vũ hội, hai người yêu nhau. Werther cho rằng đã tìm được được người phụ nữ của đời mình. Nhưng Charlotte lại được hứa gả cho một người đàn ông khác là Albert mà, sau đó, Werther đã chạm mặt, nhận ra được những phẩm chất tốt của người đàn ông này, nên từ bỏ tình yêu. Werther xin làm việc cho một ông đại sứ để cố quên đi Charlotte. Thế nhưng tình yêu mãnh liệt khiến anh từ chức để đến Walheim, nơi Charlotte đang sinh sống cùng chồng. Rồi anh hiểu ra rằng tình yêu của anh với Charlotte là không thể, và tự kết liễu đời mình.

Werther đã thúc đẩy cho một hiện tượng được gọi là “Cơn sốt Werther”: thanh niên châu Âu ăn mặc theo phong cách của Werther và Charlotte. Những mặt hàng như tranh ảnh, đồ gốm sứ và… nước hoa dựa trên hình tượng Werther, Charlotte cũng được sản xuất.

Werther được cho là tác phẩm đầu tiên đã sử dụng thuật ngữ “chủ nghĩa lãng mạn” để mô tả một phong cách viết nhấn mạnh đến cảm xúc cá nhân trước thế giới bên ngoài. Và Goethe trở thành biểu tượng của phong trào lãng mạn ở Đức…

Dữ dội hơn và được biết đến nhiều hơn là Faust, thi phẩm bằng thơ của Goethe cũng theo phong cách lãng mạn, xuất bản năm 1808. Đối với tôi, tác phẩm dường như nhắm đến việc nêu lên thân phận con người với khát vọng mưu cầu hạnh phúc đến nỗi sẵn sàng bán linh hồn cho quỷ dữ.

Nhiều nhà văn bị cuốn hút bởi huyền thoại Faust. Được xuất bản vào năm 1808, cho đến nay, tác phẩm sử thi này đã được dịch ra hơn 30 thứ tiếng.

Có thể tóm tắt tác phẩm này như sau: Trong hành trình tìm kiếm kiến thức, Tiến sĩ Faust đã đốt cháy những năm tháng đẹp nhất của đời mình. Cuối đời, Faust trở thành một ông lão đầy cay đắng, phát hiện ra mình không thu nhận được gì hoặc làm ra bất cứ thứ gì có thể bù đắp cho sự mất mát đó. Và quỷ dữ – Mephistopheles – xuất hiện, đề nghị ông đổi linh hồn lấy tuổi trẻ, cùng với đó là mọi thú vui trần thế, trong đó có tiền của và phụ nữ trẻ đẹp. Faust chấp nhận.

Thế là Méphistophélès bèn đưa Faust vào một cuộc hành trình lớn, kéo dài, trong đó Faust như bị mất hồn khi chạm mặt tình yêu với Marguerite (Gretchen trong tiếng Đức); thiếu nữ này cũng đáp lại tình yêu đó một cách nồng nhiệt. Nhưng cuối cùng, Mephistopheles đã giành chiến thắng trong cuộc chơi này.

Thỏa thuận kiểu Faust với quỷ dữ, có thể làm liên tưởng đến chuyện một cá nhân hoặc một nhóm người, để thâu tóm của cải hoặc bất kỳ lợi ích nào, luôn sẵn sàng từ bỏ các giá trị hoặc nguyên tắc đạo đức đã được học và áp dụng trong thời gian dài. Lòng tham của họ nổi lên, lấn áp tất cả.

Ngày nay, không thiếu những người, những nhóm người đã làm như thế, mà không sợ quả báo!

Faust của Goethe đã ảnh hưởng lớn đến hầu như tất cả những bộ môn nghệ thuật phương Tây. Ở Đức, nhiều nhà văn bị cuốn hút bởi huyền thoại về Faust. Họ cảm thấy Faust như đại diện cho tinh thần của người dân Đức. Nhiều vở kịch, bài thơ sử thi cùng tiểu thuyết đã khai thác huyền thoại này. Nhà văn Đức – cũng rất nổi tiếng – Thomas Mann đã viết cuốn Dr Faustus, trong đó ông so sánh thỏa thuận của Faust với quỷ dữ với việc nhiều người Đức đã ủng hộ Hitler.

Faust của Goethe là một trong những tác phẩm văn học nổi tiếng nhất bằng tiếng Đức. Được xuất bản lần đầu tiên năm 1808, nhưng Goethe đã sáng tác nó từ năm 1795-1796, khi ông 28 tuổi.

Giờ thì tên ông còn vĩnh viễn đi vào đời sống thường nhật với các viện phổ biến văn hóa, nghệ thuật và nhiều khía cạnh đời sống Đức, mang tên ông. Tại Việt Nam, có hai viện Goethe, một ở Hà Nội và một ở TPHCM.

Rời ngôi nhà – bảo tàng Goethe, hình ảnh vương vấn trong đầu, đương nhiên, là Goethe. Cứ ngỡ như đã chạm mặt ông, như thấy ông – một tác giả quan trọng của văn học Đức giống như Victor Hugo đối với văn học Pháp – đang cắm cúi trên những trang bản thảo…

Theo Ngọc Trân (KTSG)

Bài viết mới nhất

Zalo
Hotline
+84982663849