Học nghề vẫn có tương lai

Học nghề vẫn có tương lai

Thứ năm, 15/06/2023

Kỳ thi tuyển vào lớp 10 năm học 2023-2024 đã rất cận kề. Có thể nói đây cũng là một kỳ thi hết sức quan trọng của các em học sinh với tỷ lệ chọi vào nguyện vọng 1 các trường công lập là hết sức “căng thẳng”, như năm nào cũng thấy.

Ba năm trước, đứa cháu trai ở Quảng Ngãi gọi tôi bằng bác đã tham dự kỳ thi này. Kết quả điểm thi của cháu thiếu đúng 1 điểm để vào học tại một trường công lập ở tỉnh nhà. Cháu đậu nguyện vọng 2 vào một trường ngoài công lập.

Lúc đó, cả cháu và gia đình em trai tôi rất băn khoăn: nếu cháu tiếp tục học trường ngoài công lập thì chi phí học tập vượt khỏi khả năng tài chính của gia đình, bởi dưới cháu vẫn còn bốn đứa em cũng đang tuổi ăn học. Gia đình đã họp và cho cháu nói lên nguyện vọng của mình: tiếp tục học văn hóa hay chuyển sang học nghề. Cuối cùng, cháu quyết định rẽ sang học nghề để đỡ gánh nặng cho ba mẹ và nhường “cơ hội” học tập cho các em. Cháu đã chọn học nghề điện lạnh là nghề mà cháu yêu thích. Tâm sự với tôi về quyết định này, cháu chia sẻ suy nghĩ: nếu học tiếp cấp 3 và tiếp lên đại học nữa là cả một gánh nặng học phí mà có thể cháu và cha mẹ phải bỏ ngang giữa chừng, thế nên cháu sẽ học nghề sớm. Chỉ sau khoảng sáu tháng học nghề, nhờ có đam mê và nỗ lực học hỏi, cháu đã nhanh chóng thạo nghề so với thời gian học. Hiện tại, cháu là một trong những tay nghề rất cứng của cơ sở nơi cháu làm việc với mức lương cả chục triệu đồng mỗi tháng. Hàng tháng, cháu đều trích phân nửa thu nhập để cùng ba mẹ lo chi phí ăn học cho các em. Cháu cũng tâm sự về ước mơ tương lai: cố gắng tích góp một ít vốn và vay mượn thêm để mở riêng một cơ sở điện lạnh và “làm ông chủ”. Và khi có điều kiện thì cháu sẽ học bổ túc văn hóa để nâng cao kiến thức.

Kể câu chuyện này, tôi muốn nói chuyện “học tài thi phận” vẫn thường thấy. Rớt lớp 10 trường công lập, ngay cả không có điều kiện học tiếp, cũng chưa phải là “dấu chấm hết”, tuy nhiên, điều này vẫn rất gây “sốc” cho nhiều gia đình và không thiếu trường hợp các em học sinh tuổi “ăn chưa no, lo chưa tới” bị lâm vào tuyệt vọng. Các bậc phụ huynh cần cho con em mình thấy rằng cuộc đời mỗi người luôn có nhiều sự lựa chọn khác phù hợp với hoàn cảnh gia đình cũng như học lực của các em.

Theo tôi, học nghề là một sự lựa chọn chính đáng, chưa kể xã hội hiện nay “thừa thầy, thiếu thợ”. Tôi tin một khi các em đã sở hữu một tay nghề chuyên môn, nếu đủ đam mê và quyết tâm hiện thực hóa ước mơ, các em hoàn toàn có thể thành công với nghề nghiệp mình đã chọn.

Theo Nguyễn Được - Kinh Tế Sài Gòn

Bài viết mới nhất

Zalo
Hotline
+84982663849