"Cột sống em ổn không?"

"Cột sống em ổn không?"

Thứ năm, 03/08/2023

Hơn nửa tháng chịu cơn đau tức lưng tức ngực, - như nhòa đi khi tôi nghe kết quả chẩn đoán: rốt cuộc tôi cũng đã xin nghỉ một buổi làm việc để đi khám bệnh. Khung cảnh trước mắt thoái hóa cột sống vùng ngực. Cô bác sĩ đọc rõ mọi thông tin cá nhân của tôi trên bệnh án và hỏi mà như tự trả lời: “Con năm nay mấy tuổi? Mới hăm mấy mà...”. Câu nói bỏ dở giữa chừng nhưng như ngầm ý nghĩ: con còn chưa đi hết nửa đời người mà đã mắc phải căn bệnh của tuổi già!

Bệnh tuổi già nơi người trẻ, xem ra không còn là chuyện nói đùa cho vui. Bốn năm trước, bạn tôi đã được xác định mắc hội chứng đau cơ xơ hóa (Fibromyalgia syndrome FMS) - một căn bệnh mạn tính nghiêm trọng, gây nên cơn đau ở các bộ phận khác nhau trên cơ thể. Sở dĩ bạn gặp vấn đề này là vì bạn đã trải qua căng thẳng, trầm cảm một thời gian dài.

Một bạn khác của tôi thì bị đau cổ vai gáy, và thêm người bạn khác nữa mắc hội chứng rối loạn ruột kích thích. Chúng tôi đều đang ở lứa tuổi thanh xuân phơi phới, chưa nếm trải được bao nhiêu dư vị hạnh phúc đã đeo vào người bao nhiêu “căn bệnh của thời đại”. Báo chí gọi chúng tôi là “thế hệ lo âu” với tỷ lệ rối loạn tâm lý, trầm cảm, mất ngủ và bệnh về cột sống, dạ dày ngày càng tăng trong độ tuổi 18-30.

Hầu hết chúng tôi làm công việc văn phòng 8-12 tiếng đồng hồ mỗi ngày với những ngày dài mỏi mắt ngồi trước máy tính, ở trong những “chiếc hộp” lắp đầy máy lạnh, ít hoạt động ngoài trời. Tuy những chuyến trekking lên rừng xuống biển đã trở thành xu hướng, nhưng chúng cũng chỉ giải tỏa phần nhỏ ngột ngạt trong lòng. Khi trở về với guồng quay xô bồ của cuộc sống, chúng tôi vẫn phải lao đầu chạy theo sự kỳ vọng của xã hội.

Một thiết bị hoạt động quá lâu sẽ nóng, có thể gây nổ. Một chiếc máy tính mở quá nhiều tab sẽ hao nhiều pin. Cũng như thế, con người hoạt động quá mức sẽ kiệt sức. Thời đại công nghệ số phát triển, con người tập trung ngồi một chỗ làm việc, xa rời thiên nhiên. Áp lực thành công đã đẩy giới trẻ tới những căn bệnh tinh thần lẫn thể xác.

Lời khuyên của bác sĩ dành cho chúng tôi đều như nhau. Rời khỏi cái hộp kín kia, hòa mình vào thiên nhiên, vận động nhiều hơn, chọn chơi một môn thể thao yêu thích: bơi lội, chạy bộ, đạp xe, tập gym, tập yoga, leo núi... hoặc kết hợp tất cả. Chúng tôi còn phải điều chỉnh giờ giấc sinh hoạt, hạn chế thức khuya, dậy sớm hơn để tập thể dục, đồng thời với ăn uống đúng bữa, chú trọng dinh dưỡng trong bữa ăn, không vì quá lo làm việc mà ăn vội vàng, qua quýt ổ bánh mì hay cái bánh ngọt.

Và quan trọng nhất vẫn là phải buông bỏ áp lực, không nên tự đặt gánh nặng trên vai, bắt buộc bản thân phải bắt kịp thành công của bạn bè hoặc của “con nhà người ta". Tất cả chúng ta đều chỉ có một cuộc đời để sống nên phải mạnh khỏe thì mọi thứ mới có ý nghĩa, cho dù đó là tiền bạc, thành công hay danh vọng. Làm ra thật nhiều tiền để rồi được gì nếu sau đó đổ hết vào bệnh viện.

Có một bài hát được giới trẻ rất yêu thích là “Cuộc sống em ổn không?”. Chúng tôi hay nói trại đi thành “Cột sống em ổn không?”. Hãy dừng lại bạn ơi - một chút thôi, để xem thử cột sống của mình có đủ sức chịu bao nhiêu căng thẳng do chính mình đè lên nó. Đừng để đến lúc mang phải căn bệnh thoái hóa cột sống, chịu đau đớn suốt đời rồi mới hối hận.

Sau một đêm dài khóc than, sáng ra, bạn tôi gạt nước mắt nộp đơn xin nghỉ việc ở thành phố để quay về quê tìm một công việc đón nắng gió ở nhà vườn. Tuy phải làm lụng vất vả, cuộc sống ít dư dả như trước, nhưng có vẻ những cơn đau ít hành hạ bạn hơn. Phần tôi, tôi đã bắt đầu bước vào giai đoạn vật lý trị liệu và tham gia các chuyến băng rừng lội suối thường xuyên hơn. Tạm biệt âu lo ghìm chặt trong lòng, tự dưng thấy đời nhẹ hẳn.

Chúng tôi biết mình còn trẻ, mọi thứ vẫn có cơ hội phục hồi. Dù sao cũng phải sống, nên cần yêu thương chính mình. Chỉ còn cách đó giữ cho bản thân chút niềm tin về những gì tốt đẹp ở phía trước.

Theo Mộc Yên – Báo Kinh tế Sài Gòn

Bài viết mới nhất

Zalo
Hotline
+84982663849