Trăn trở việc xây nhà hát

Trăn trở việc xây nhà hát

Thứ bảy, 17/09/2022

Một nhà hát hay một công trình văn hóa phải phục vụ cho nhu cầu thưởng thức nghệ thuật của số đông hoặc phải có hiệu quả có thể lượng hóa về mặt kinh tế. Bằng không, đó sẽ là mảnh đất dung dưỡng cho lãng phí, tiêu cực, khó nhận được sự đồng thuận từ người dân.

Phối cảnh công trình
nhà hát giao hưởng Thủ Thiêm.

Mỗi khi xuất hiện thông tin về một công trình văn hóa như bảo tàng, nhà hát, tượng đài… dự định được xây dựng, hai luồng quan điểm lập tức nổi lên và phía nào cũng đưa ra những lập luận chặt chẽ, khó bác bỏ.

Những người ủng hộ viện dẫn lý do về nhu cầu thưởng thức văn hóa, về số lượng bảo tàng, nhà hát trên số dân ở các nước phát triển, về chuyện phải có những hạ tầng văn hóa trước rồi mới nói tới chuyện phát triển hơn nữa nền văn hóa đậm đà bản sắc dân tộc, hội nhập với thế giới.

Những người phản đối đưa ra con số khổng lồ về mức đầu tư các công trình, đặt ra câu hỏi nhức nhối về việc chúng ta có nên bỏ ra chừng ấy tiền cho các công trình văn hóa trong khi nhiều người dân vẫn phải chật vật “ăn bữa nay lo bữa mai”. Cùng với đó là băn khoăn về việc chúng ta sẽ lấy nội dung gì để lấp đầy khoảng trống trong những công trình hay có thể nói là những “thánh đường nghệ thuật”. Chúng ta đã từng có một bảo tàng ngàn tỉ đồng hoàn thành nhưng vẫn chưa thể trưng bày. Chúng ta từng chứng kiến thực trạng số buổi biểu diễn hàn lâm của nhà hát ít hơn số lần tổ chức sự kiện. Liệu có cần thêm những công trình như vậy?

Cuộc tranh luận dai dẳng, không nhượng bộ, có phần còn luẩn quẩn hơn cả luận đề “con gà, quả trứng”. Bởi lẽ, rất nhiều khi, người ta viện dẫn lý do kinh tế để bác bỏ nhu cầu văn hóa và ngược lại, dùng nhu cầu văn hóa để xóa tan băn khoăn về dự án ngàn tỉ có giúp ích cho những người dân yếu thế trong xã hội. Kết quả là, ai nói cứ nói, ai xây cứ xây, còn hiệu quả của công trình thì… hạ hồi phân giải.

Dư luận băn khoăn khi nhìn vào mức đầu tư khổng lồ của các dự án công trình văn hóa một phần bởi họ không có những thông tin tham chiếu phù hợp và rõ ràng. Chưa kể, các cuộc thi thiết kế kiến trúc đều đi sau mức đầu tư đã công bố, làm nảy sinh nghi ngại có hay không kiểu “chỉnh chân cho vừa giày”?

Dẫu vậy, vẫn có những quyết sách không hề bị tác động bởi sự bối rối trong cách nhìn nhận của dư luận và việc TPHCM quyết định tạm dừng đầu tư công trình nhà hát giao hưởng Thủ Thiêm là một ví dụ đáng bàn. Năm 2018, khi vẫn đang nhận nhiều ý kiến băn khoăn, HĐND TPHCM đã thông qua chủ trương đầu tư công trình với tổng mức đầu tư 1.500 tỉ đồng, sau đó điều chỉnh lên 2.000 tỉ đồng. Nhà hát dự kiến hoàn thành năm 2024. Tuy nhiên, cuối tháng 8-2022, TPHCM đã quyết định tạm dừng dự án nhà hát giao hưởng Thủ Thiêm, nếu có vốn thì có thể bổ sung bố trí vốn cho dự án này trong kỳ trung hạn 2021-2025. TPHCM vừa bị ảnh hưởng nặng nề bởi đại dịch Covid-19, vì vậy, việc tập trung cho các dự án an sinh xã hội, kích thích kinh tế là một lẽ tất nhiên.

Qua đây, có thể thấy, TPHCM đã chọn cách tiếp cận từ góc độ kinh tế và nhất quán với lựa chọn này. Khi nguồn ngân sách dư dả, TPHCM lựa chọn xây nhà hát giao hưởng như một điểm nhấn, công trình biểu tượng của thành phố Thủ Đức. Ngược lại, khi ưu tiên lớn hơn phải dành cho việc phục hồi kinh tế, TPHCM chủ động dừng kế hoạch trên.

Quyết sách này được dư luận đồng tình. Nhưng vẫn còn đó câu hỏi, việc xây hay không xây dựng các công trình văn hóa liệu có nên chỉ dựa vào “độ lớn” của ngân sách địa phương? Phải chăng nếu tập trung vào hai chữ “kinh tế”, chúng ta cần đồng thời cân nhắc phương án đầu tư tiết kiệm nhất và giải cho được bài toán về mặt hiệu quả kinh tế của dự án khi hoàn thành. Đây đều là những vấn đề có thể lượng hóa.

Về vấn đề đầu tiên, dư luận băn khoăn khi nhìn vào mức đầu tư khổng lồ của các dự án công trình văn hóa một phần bởi họ không có những thông tin tham chiếu phù hợp và rõ ràng. Chưa kể, tại hầu hết dự án đầu tư công nói chung và dự án công trình văn hóa nói riêng, các cuộc thi thiết kế kiến trúc đều đi sau mức đầu tư đã công bố, làm nảy sinh nghi ngại có hay không kiểu “chỉnh chân cho vừa giày”? Và khi mức đầu tư được điều chỉnh tăng lên, đôi giày bỗng dưng… rộng ra? Báo giá thiết kế, thi công và nội thất không phải là những thông tin “mật” và chắc chắn, nếu chúng được công khai, cái lợi không chỉ là sự tin tưởng của dư luận. Sự giám sát của công chúng còn giúp chủ đầu tư tìm được những doanh nghiệp thi công đáng tin cậy với mức giá phải chăng.

Đối với vấn đề thứ hai, chúng ta buộc phải bỏ qua cách cân lượng dễ dãi kiểu “đáp ứng nhu cầu giải trí chất lượng cao”, “là điểm đến cho du khách trong nước và quốc tế”… Thay vào đó, cần làm rõ về giá trị kinh tế ngay từ giai đoạn đề xuất dự án. Chẳng hạn, đối với nhà hát giao hưởng, số suất diễn dự kiến ra sao, bao nhiêu suất diễn là… giao hưởng, lượng khách mua vé thế nào, nhà hát có khả năng cân đối thu chi khi vận hành hay không?… Từ khía cạnh du lịch, sẽ có bao nhiêu khách trong nước và quốc tế đến tham quan, nghe hòa nhạc, nguồn thu theo từng năm thế nào? Thậm chí, có thể định lượng cả giá trị biểu tượng của nhà hát tương tự như cách đang được dùng để định giá thương hiệu. Khi minh bạch các tham số nói trên và chứng minh đó là một dự án tốt, người dân chắc chắn sẽ hết lòng ủng hộ.

Dù vậy, lập luận từ khía cạnh nhu cầu thưởng thức văn hóa của công chúng có thể bác bỏ hoàn toàn những cân nhắc thiệt hơn về mặt kinh tế nói trên. Nó có thể biện hộ cho quyết tâm xây dựng một nhà hát opera bằng nguồn xã hội hóa bất chấp nỗi âu lo chính đáng về phương án địa phương cần phải thu xếp để hoàn trả phần đầu tư của doanh nghiệp, bên cạnh các nỗi lo khác về quy hoạch, kiến trúc, như đang diễn ra ở Hà Nội. Vậy nên, khi chưa công khai những thông tin này, càng cần chứng minh rằng đại đa số người dân đang ngóng chờ dự án, còn giới nghệ sĩ cũng rất cần “thánh đường nghệ thuật” để tỏa sáng.

Một cuộc khảo sát đơn giản sẽ cung cấp thông tin về nhu cầu thưởng thức các tác phẩm opera của người dân ở bất cứ địa phương nào. Kết quả sẽ khó gây ngạc nhiên vì nhìn trên bề nổi, nền âm nhạc Việt Nam hiện nay không có gì nhiều ngoài ca khúc đủ các thể loại, đáp ứng thị hiếu tương đối dễ dãi. Chẳng lẽ chúng ta dùng nguồn vốn xã hội hóa xây nhà hát opera để phục vụ khách nước ngoài?

Hơn nữa, liệu nhà hát opera mới có thể thường xuyên phục vụ biểu diễn opera? Số lượng các vở opera của Việt Nam có thể đếm trên đầu ngón tay, và với điều kiện và khả năng hiện tại của các đoàn nghệ thuật, việc dàn dựng các vở nước ngoài có khả thi? Liệu ai dám mời các đoàn nước ngoài sang Việt Nam biểu diễn, hy vọng khán giả Việt sẽ lấp đầy số ghế rất lớn của khán phòng opera để không lỗ vốn? Hay khả năng cao hơn là để nhà hát được sáng đèn, ngân sách địa phương lại một lần nữa bỏ ra để tổ chức những buổi diễn đẳng cấp nhưng không dành cho đa phần công chúng?

Xin được khẳng định, những lập luận nêu trên không hề bỏ quên quyền lợi của nhóm khán giả thiểu số, có trình độ thưởng thức nghệ thuật cao. Chúng ta đã có hai nhà hát lớn và những khán phòng được thiết kế phù hợp cho các buổi trình diễn âm nhạc hàn lâm quy mô nhỏ tại hai học viện âm nhạc. Về phía các nghệ sĩ, nếu đổ lỗi việc thiếu vắng tài năng là do chưa có “thánh đường nghệ thuật” thì đó là một lời bào chữa rõ là không thuyết phục.

Thep KTSG

Bài viết mới nhất

Zalo
Hotline
+84982663849