Tham vọng “kinh doanh mọi thứ” của Masan?

Tham vọng “kinh doanh mọi thứ” của Masan?

Thứ tư, 19/10/2022

Sự cố rau chợ dán nhãn rau VietGAP vào chuỗi siêu thị Winmart và dự báo kém khả quan về mảng kinh doanh thịt heo,  đã khiến nhiều cổ đông bắt đầu đặt dấu hỏi về tham vọng “kinh doanh mọi thứ” của CTCP Tập đoàn Masan (MSN).

 

Năm 2019, MSN xây dựng tầm nhìn chiến lược Point of Life: Sở hữu chuỗi giá trị từ sản xuất thực phẩm, bán lẻ siêu thị/cửa hàng tiện ích và dịch vụ tài chính, đáp ứng 80% nhu cầu hàng ngày của người tiêu dùng.

Năm 2019, MSN xây dựng tầm nhìn chiến lược Point of Life: Sở hữu chuỗi giá trị từ sản xuất thực phẩm, bán lẻ siêu thị/cửa hàng tiện ích và dịch vụ tài chính, đáp ứng 80% nhu cầu hàng ngày của người tiêu dùng.

Tập đoàn “vạn năng”

MSN ra đời năm 2004 với tên gọi ban đầu là CTCP Hàng hải Ma San. Năm 2009, MSN đổi tên thành CTCP Tập đoàn Ma San và niêm yết cổ phiếu trên sàn HoSE trong cùng năm.

Dù chính thức thành lập vào năm 2004, nhưng tính đến việc thành lập và hoạt động của các cổ đông lớn, công ty con và các công ty tiền nhiệm, MSN đã hoạt động từ năm 1996. 

Xuất phát điểm từ nhà máy sản xuất gia vị tại TPHCM, đến nay MSN đã trở thành một trong những tập đoàn hàng đầu Việt Nam, với 84 công ty con và công ty liên kết, trải rộng từ sản xuất thực phẩm, bán lẻ siêu thị/cửa hàng tiện ích, dịch vụ tài chính cho tới hoạt động khai thác khoáng sản. Hệ sinh thái MSN được chia thành 3 mảng riêng biệt do 3 pháp nhân quản lý.

Cụ thể, Masan Horizon nắm mảng thịt và khoáng sản; The CrownX nắm lĩnh vực hàng tiêu dùng và bán lẻ; The Sherpa nắm F&B và công nghệ. 

Những năm gần đây, MSN được nhiều người biết đến qua hàng loạt thương vụ thâu tóm đình đám, như mua lại 87,34% cổ phần tại VinCommerce (đơn vị quản lý hệ thống VinMart, VinMart+) với giá trị thương vụ khoảng 5.400 tỷ đồng; mua 85% cổ phần Phúc Long Heritage (doanh nghiệp sở hữu chuỗi F&B Phúc Long); mua lại 70% cổ phần Mobicast (công ty sở hữu mạng di động ảo Reddi). Theo thống kê, tổng số tiền MSN phải chi ra để thâu tóm 3 thương hiệu này khoảng 8.900 tỷ đồng. 

Trước đó, MSN cũng chi ra số tiền cực lớn để mua lại hàng loạt thương hiệu, như Vinacafe Biên Hòa, Masan Resources, Vĩnh Hảo, Vissan, Cholimex, Bột giặt NET… Tuy nhiên, tham vọng của MSN chắc chắn chưa dừng lại ở mức như hiện nay. Gần đây, Tổng Giám đốc MSN Danny Le, từng “úp mở” khả năng đầu tư vào các lĩnh vực logistics, chuỗi cung ứng và fintech, để thúc đẩy tăng trưởng thương mại điện tử của tập đoàn. Nếu tiếp tục lấn sân vào các mảng kinh doanh mới này, MSN sẽ trở thành tập đoàn “vạn năng”.

Để có vốn thực hiện các cuộc chơi thâu tóm theo cách “đốt tiền” như trên, MSN đã phát hành trái phiếu huy động 10.000 tỷ đồng qua 4 đợt trong năm 2020. Tất cả đều có kỳ hạn 3 năm, đáo hạn vào năm 2023. Đến tháng 1-2021, MSN tiếp tục thực hiện chào bán ra công chúng thêm 4.000 tỷ đồng trái phiếu. Các công ty con của MSN cũng có dư nợ trái phiếu với tổng giá trị lên tới hàng chục ngàn tỷ đồng. Đơn cử, Công ty TNHH Khai thác chế biến khoáng sản Núi Pháo đang lưu hành 6.300 tỷ đồng, WinCommerce (4.500 tỷ đồng), Masan Hightech Materials (3.000 tỷ đồng), Masan Consumer Holdings (2.100 tỷ đồng). 

Ngoài trái phiếu, MSN cũng huy động được nguồn vốn lớn từ các tập đoàn như SK Group, Alibaba, Baring Private Equity Asia, TPG, Abu Dhabi (ADIA) và SeaTown Holdings. Tổng số vốn MSN nhận được trong năm 2021 ước tính 2,3 tỷ USD, gần bằng tổng vốn MSN nhận được trong suốt 11 năm kể từ khi niêm yết trên HoSE (2009-2020) khoảng 2,4 tỷ USD. Một nguồn tiền khác được MSN huy động là quyết định bán mảng thức ăn chăn nuôi cho De Heus Việt Nam, thu về khoảng 600-700 triệu USD. 

Áp lực trả nợ và lợi nhuận

Tại thời điểm cuối quý II, nợ vay tài chính của MSN ở mức 56.872 tỷ đồng, trong đó 54% là nợ ngắn hạn. Cụ thể, dư nợ vay ngân hàng 21.872 tỷ đồng, dư nợ trái phiếu 34.479 tỷ đồng, riêng dư nợ trái phiếu của công ty mẹ khoảng 19.500 tỷ đồng. Trong số trái phiếu kể trên, có 14.000 tỷ đồng sẽ đáo hạn thanh toán vào tháng 3 và tháng 8-2023, 4.000 tỷ đồng đáo hạn vào tháng 1-2024. 

Để có tiền trả nợ số trái phiếu này, mới đây MSN tiếp tục lên phương án phát hành riêng lẻ 2 lô trái phiếu doanh nghiệp tổng trị giá 1.500 tỷ đồng, có kỳ hạn 60 tháng, lãi suất 2 kỳ tính lãi đầu tiên cố định 9,5%/năm.

Các kỳ tính lãi còn lại là lãi suất thả nổi bằng tổng của 3,975%/năm, và lãi suất tham chiếu trung bình cộng của lãi suất tiền gửi áp dụng đối với các khoản tiền gửi tiết kiệm bằng VNĐ kỳ hạn 12 tháng do Vietinbank, Vietcombank, Agribank và BIDV công bố vào ngày xác định lãi suất có liên quan.

Trong bối cảnh thị trường trái phiếu đang gặp nhiều trắc trở, kế hoạch phát hành trái phiếu để trả nợ trái phiếu sắp đáo hạn của MSN sẽ không dễ dàng như các đợt phát hành trước đó. Ngoài khó khăn khách quan, MSN còn phải đối mặt với những đánh giá kém khả quan về tình hình sản xuất kinh doanh, đơn cử là mảng chăn nuôi heo.

Theo báo cáo về ngành bán lẻ được Công ty Chứng khoán Mirae Asset (MAS) công bố mới đây, ngành bán lẻ được dự báo sẽ duy trì sự phục hồi đến cuối năm 2022. Điều này đem lại bức tranh lạc quan cho doanh nghiệp trong ngành, đặc biệt là MSN với chiến lược mở rộng và tái cấu trúc mạnh mẽ cho chuỗi bán lẻ Winmart.

Tuy nhiên, MAS vẫn điều chỉnh giảm dự phóng lợi nhuận ròng cả năm 2022 của MSN do tiêu thụ thịt lợn mát kém hơn dự báo và chính sách mở rộng số lượng cửa hàng bán lẻ nhanh hơn dự kiến. Thậm chí, MAS còn dự báo mảng thịt của MSN sẽ chuyển sang lỗ 436 tỷ đồng do lạm phát cao, dẫn tới tiêu thụ thịt lợn mát thấp. Được biết, ở báo cáo trước đó, MAS dự báo MSN sẽ lãi khoảng 225 tỷ đồng từ mảng thịt trong năm nay.

Càng khó khăn hơn khi mới đây, chuỗi siêu thị Winmart bị phát hiện bán rau chợ “đội lốt” rau VietGAP. Lý giải về sự cố này, đại diện MSN cho rằng: “Đây không phải chủ trương kinh doanh của công ty. Chúng tôi luôn tuân thủ đầy đủ quy định vệ sinh an toàn thực phẩm với quy trình kiểm soát chất lượng hàng hóa khắt khe nhằm đảm bảo sức khỏe người tiêu dùng”.

Nhiều khách hàng cho rằng Winmart “phủi” trách nhiệm và đẩy “tội” về phía nhà cung cấp. Thực tế, Winmart đã không làm đủ trách nhiệm trong việc kiểm tra, giám sát nguồn hàng đến tay người tiêu dùng, như doanh nghiệp này từng quảng cáo “hàng hóa được kiểm soát nghiêm ngặt về nguồn gốc xuất xứ, đảm bảo chất lượng an toàn vệ sinh thực phẩm”.

Cách lý giải theo kiểu vô can của đại diện MSN khiến chuỗi siêu thị Winmart đối mặt làn sóng tẩy chay từ người tiêu dùng. Việc người tiêu dùng “quay lưng” sau sự cố của Winmart khiến lợi nhuận MSN bị tác động đáng kể. Trước đó, MSN đặt mục tiêu kinh doanh 2022 khá thận trọng, với tổng doanh thu 90.000-100.000 tỷ đồng (tăng 1,5-12,8%), nhưng lợi nhuận sau thuế dự kiến 6.900-8.500 tỷ đồng (giảm 15,8- 31,6%). 

 Năm 2019, MSN xây dựng tầm nhìn chiến lược Point of Life: Sở hữu chuỗi giá trị từ sản xuất thực phẩm, bán lẻ siêu thị/cửa hàng tiện ích và dịch vụ tài chính, đáp ứng 80% nhu cầu hàng ngày của người tiêu dùng.

Theo Kim Giag (SGĐTTC)

Bài viết mới nhất

Zalo
Hotline
+84982663849