Bài học đầu tiên và cuối cùng

Bài học đầu tiên và cuối cùng

Thứ năm, 15/12/2022

Một cộng một bằng hai, đấy có thể được xem là chân lý trong toán học, khoa học. Nhưng chân lý cuộc sống, chân lý cuộc đời thì không như vậy; chân lý cuộc đời một cộng một đôi khi bằng ba, bằng bốn, bằng âm một…! Nghĩa là sao? Nghĩa là trong cuộc sống ta muốn cái này phải như thế này, cái kia phải như thế kia đúng y như trong toán học, nhưng kết quả thường là trái ngược với long mong muốn của ta! Đó là nghịch lý của cuộc đời. Chính cái nghịch lý của cuộc đời mới là chân lý của cuộc sống!

Thực ra chân lý cuộc đời không phải là những nghịch lý của cuộc đời, mà nghịch hành với những ước vọng, khát khao, mong muốn của mình, chứ cuộc đời vẫn cứ diễn ra y nhiên như chính nó mà không có thuận hay nghịch gì cả. Ta luôn mong muốn mọi thứ diễn ra theo ý mình, nhưng cuộc đời thì ngược lại, luôn làm ta thất vọng và không hài long. Đó là bản chất của cuộc đời, bản chất vô ngã hay chân lý vô ngã, nghĩa là ta không thể làm chủ hay kiểm soát được gì trong cuộc đời này theo ý ta cả. Trong bản kinh Vô ngã tướng (thuộc Tương ưng bộ), bản kinh được xem là nét đặc trưng duy nhất có trong Phật giáo, Đức Phật đã tuyên thuyết về chân lý này: “Sắc (thân thể vật lý), này các Tỳ-kheo, là vô ngã. Này các Tỳ-kheo, nếu sắc là ngã, thời sắc không thể đi đến bệnh hoạn, và có thể mong được các sắc như sau: ‘Mong rằng sắc của tôi là như thế này!’. Và này các Tỳ-kheo, vì sắc là vô ngã, do vậy sắc đi đến bệnh hoạn, và không thể có được các sắc.’Mong rằng sắc của tôi như thế này! Mong rằng sắc của tôi chẳng phải như thế này!”.

Đức Phật cũng tuyên thuyết như vậy đối với thọ, tưởng, hành và thức, tức các yếu tố thuộc lãnh vực tâm lý, tinh thần.

Ở đây, Đức Phật chỉ đề cập đến những gì thuộc thân tâm ta như cơ thể vật lý, những cảm xúc, tri giác, các trạng thái tâm lý, những nhận thức suy tư, nghĩa là chỉ nói con người vô ngã. Nhưng nói con người vô ngã tức cũng gián tiếp nói vạn pháp là vô ngã, vì những gì ngay nơi thân tâm ta mà ta không thể làm chủ được thì mọi sự vật hiện tượng bên ngoài ta càng không thể làm chủ được, nghĩa là toàn bộ cuộc đời này là vô ngã.

Chân lý cuộc đời là vô ngã mà ta cứ muốn là hữu ngã, nghĩa là ta muốn mọi thứ phải xảy ra theo ý mình, thì tất nhiên sẽ chuốc lấy khổ đau phiến não. Ta càng khao khát đi tìm điều kiện như ý thì sẽ càng thất vọng khổ đau, nhưng kỳ lạ thay, khi nhận ra cuộc đời là vô ngã, không thể tìm đâu ra điều kiện như ý theo lý tưởng được, thì ngay khoảnh khắc đó, khát vọng tìm cầu điều lý tưởng như ý liền tan biến và sự thỏa mãn, hài long, vừa ý tức thì có mặt. Đó là sự kỳ diệu của việc giác ngộ ra chân lý vô ngã. Cho nên, mỗi khi có điều gì không hài long xảy đến với mình, hãy luôn tự nhủ: à, đó là chân lý của cuộc đời ấy mà, thì tự nhiên lòng thật bình yên, không còn nỗi bực phiền, do điều trái ý gây ra nữa. Dưới cái nhìn vô ngã, mọi sự việc diễn ra trong cuộc đời này đều tuyệt vời và thật hoàn hảo!

Đức Phật nói rằng ai thấy pháp, người đó thấy Ngài.Pháp ở đây có nghĩa là chân lý vô ngã. Đức Phật chính là chân lý, là hiện thân của chân lý ấy. Cho nên ai thấy chân lý vô ngã người đó thấy Phật. Vậy, chân lý ấy có khó thấy, khó tìm không? Hoàn toàn không! Bạn không cần đi tìm chân lý, chân lý luôn tìm đến bạn. Những lúc bất mãn, những khi không hài lòng, khi bao nhiêu thứ cứ trôi ngược chiều với điều mình mong ước, đó là lúc chân lý tìm đến bạn. Chân lý luôn tìm đến bạn vỗ vào vai bạn và bảo: Này bạn, ta là chân lý cuộc đời đến với bạn đây, nhưng bạn không nghê, không thấy. Bạn cứ chìm đắm trong thất vọng, bất mãn, không hài lòng với cuộc đời. Hãy thức tĩnh và nhận ra chân lý cuộc đời, hãy cháo đón những điều không như ý, những điều không hài lòng đến với mình như chào đón một vị Phật, trong niềm hân hoan, hạnh phúc và sung sướng! Bởi lẽ, khi thực sự đã giác ngộ được chân lý ấy rồi, thì mọi thứ xảy đến với mình, dù là gì đi nữa, cũng đều là chân lý, là ân huệ, là phúc lạc tràn ngập!

Một khi đã giác ngộ được chân lý ấy rồi, ta nhìn lại mình ngày trước, thấy thương mình quá đỗi! Nào là buồn đau thất vọng, giận hờn, bất mãn, ghen ghét… Ôi thôi là đủ thứ phiến muộn trong cuộc đời đều do nhận thức sai lầm về thực tại, không đúng với thực tại. Thực tại là vô ngã, mà ta cứ muốn là hữu ngã, nghĩa là ta muốn mọi thứ diễn ra theo ý mình. Đó là ảo tưởng! Giác ngộ là thấy ra ảo tưởng đó và trở về với thực tại chơn như vô ngã thì mọi khổ đau phiến lụy đều tan biến, rơi rụng như cây trút lá vào mùa thu. Hạnh phúc ngay đó tràn ngập thân tâm. Thảo nào mà khi giác ngộ được sự thật, chân lý vô ngã ấy, Đức Phật đã cất lên lời ca đầy reo vui:

Lang thang bao kiếp sống

Ta tìm nhưng chẳng thấy

Người xây dựng nhà này

Khổ thay, phải tái sinh.

Ôi! Người làm nhà kia

Nay ta đã thấy người!

Ngươi không làm nhà nữa.

Đòn tay người bị gãy,

Kèo cột người bị tan.

Tâm ta đạt tịch diệt,

Tham ái thảy tiêu vong.

(Kinh Pháp cú, phẩm Già)

Thực ra chẳng có người làm nhà nào cả và cũng chẳng có ngôi nhà nào giam hãm ta trong sanh tử khổ đau đâu. Người làm nhà là anh chàng ảo tưởng mà tâm trí ta đã tạo tác ra đó thôi. Và tất nhiên cái nhà tù ngục giam hãm ta ấy cũng là ảo hóa, được làm bằng ảo thức, ảo kiến. Chỉ cần thấy ra anh chàng ảo tưởng ấy nơi mình, nghĩa là thấy ra những nhận thức, tham muốn của mình trái với thực tại cuộc sống, thực tại vô ngã, thì ngôi nhà ấy tự nhiên sụp đổ, tan biến như làn khói tan vào hư vô. Vấn đề mấu chốt là nhận ra những nhận thức bất thực ấy nơi mình và trả về với cái thực của hiện hữu thì mọi xiềng xích, trói buộc mình tự động tan biến, và ta trở nên tự do, tự tại và giải thoát.

Thức tỉnh hay giác ngộ là thấy ra nhũng ảo tưởng của tâm trí phóng chiếu vào cuộc đời để trở lại với thực tánh chơn như của vạn pháp. Thực tánh ấy chính là vô ngã tánh. Đừng để những ảo tưởng của tâm trí phóng chiếu vào thực tại thì thực tại trở nên vô ngã như thực chính nó. Ảo tưởng của tâm trí chính là những vọng thức, vọng kiến, nghĩa là những sở tri, sở kiến, sở dục chủ quan hữu ngã bất thực của ta áp đặt lên thực tại. Do không nhận thức được thực tại vô ngã, ta cứ muốn điều này phải như thế này, điều kia phải như thế kia theo ý mình nên ta bị chìm đắm mãi trong khổ đau thất vọng. Vậy thì, hãy thức tỉnh nhận ra cuộc đời là vô ngã, để mọi thứ diễn ra theo cách tự nhiên của chúng mà không phải theo cách mong muốn hữu ngã của mình, thì mọi muộn phiền, thất vọng, khổ đau trên cuộc đời này đều tan biến, hạnh phúc an vui ngay đó có mặt.

Tóm lại, những gì diễn ra không vừa với ý mình, đó chính là chân lý cuộc đời, chân lý vô ngã. Hãy khắc ghi và thâm nhập vào chân lý ấy. Hãy sống trong từng khoảnh khắc với chân lý ấy. Cuộc đời này nói cho cùng chỉ có một bài học duy nhất, đầu tiên cũng là cuối cùng mà ta phải học, học cho thông, nếu muốn an vui và giải thoát, đó là bài học vô ngã. Học thông được bài học này thì ta sẽ ung dung, tự tại và thong dong trong cuộc đời.

Theo Hoàng Nguyên (Báo Giác Ngộ)

Bài viết mới nhất

Zalo
Hotline
+84982663849