Giải pháp nào cho các doanh nghiệp bất động sản?

Giải pháp nào cho các doanh nghiệp bất động sản?

Thứ tư, 21/12/2022

Các doanh nghiệp bất động sản đang đối mặt với muôn vàn khó khăn, khi không thể tiếp cận được nguồn vốn, hoạt động bán hàng không khả quan khi thị trường nhà đất suy yếu, lãi suất tăng cao, áp lực mua lại trái phiếu trước hạn… Trước tình hình này, hàng loạt giải pháp được đề xuất để khơi thông dòng vốn cho lĩnh vực này.

Trong đó, giải pháp nới room tín dụng và mở lại kênh tín dụng cho các doanh nghiệp bất động sản được nói đến nhiều trong thời gian gần đây, với mức tăng trưởng tín dụng có thể được điều chỉnh tăng thêm 1-2%. Thực tế là Ngân hàng Nhà nước mới đây cũng đã chính thức nới hạn mức tăng trưởng tín dụng trong năm nay, tuy nhiên việc dòng vốn này có đến được các doanh nghiệp bất động sản hay không thì cần đợi thêm.

Trong khi đó, giới chuyên gia cũng đề xuất các tiêu chí để doanh nghiệp, người mua nhà và nhà đầu tư tiếp cận được nguồn vốn tín dụng là dự án phải có đầy đủ pháp lý, có tính khả thi hoặc đang xây dựng dở dang, nhất là các dự án sắp hoàn thành xây dựng, các dự án nhà ở xã hội, dự án nhà ở giá vừa túi tiền của các doanh nghiệp có uy tín, thực hiện tốt nghĩa vụ thuế, đóng bảo hiểm xã hội đầy đủ cho người lao động, có nhiều hoạt động xã hội thiện nguyện.

Ngược lại, cũng có ý kiến cho rằng tăng trưởng tín dụng vào bất động sản hiện đã cao hơn mức tăng trưởng tín dụng chung vào nền kinh tế, do đó việc tăng tín dụng hay bơm vốn là không khả thi. Mặt khác, tín dụng ngân hàng chỉ đáp ứng nguồn vốn ngắn hạn, còn kênh dẫn vốn trung và dài hạn mới là thị trường trái phiếu, vì vậy các doanh nghiệp phải kiến nghị sửa đổi Nghị định 65 quy định về chào bán trái phiếu của doanh nghiệp.

Bên cạnh đó, Chính phủ cũng nên tháo gỡ pháp lý để khởi động các dự án nhà ở xã hội,  nhà ở thương mại giá vừa túi tiền, đồng thời xem xét phân bổ nguồn vốn ưu đãi cho những phân khúc này để doanh nghiệp tập trung nguồn lực vào đây. Về phần mình, , các doanh nghiệp phải tự tái cấu trúc danh mục sản phẩm, đồng thời xem xét dự án nào sắp hoàn thành và phù hợp với bối cảnh thị trường thì tập trung nguồn lực phát triển nhằm sớm thu về dòng tiền.

Trung Quốc gần đây cũng đã công bố loạt giải pháp mạnh tay nhằm khơi thông ngành bất động sản vốn tắc nghẽn thời gian qua, như tạm thời nới hạn chế cấp tín dụng cho doanh nghiệp bất động sản, gia hạn các khoản vay với các chủ đầu tư, hỗ trợ lãi suất cho người mua nhà… Chính phủ Việt Nam mới đây cũng đã thành lập tổ công tác của Thủ tướng về rà soát, đôn đốc, hướng dẫn tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong triển khai thực hiện dự án bất động sản cho các địa phương, doanh nghiệp do Bộ trưởng Bộ Xây dựng dẫn đầu.

Theo Gia Lê (Báo Doanh Nhân Sài Gòn)

Bài viết mới nhất

Zalo
Hotline
+84982663849