Đừng đi một mình!

Đừng đi một mình!

Thứ tư, 21/12/2022

Cộng sự: Chìa khóa thành công của Startup

Tại talkshow thuộc dự án hỗ trợ tư vấn 1.000 thanh niên khởi nghiệp, bà Lê Thị Thanh Lâm – Phó chủ tịch Hội đồng Tư vấn và Phát triển Khởi nghiệp phía Nam chia sẻ: “Khởi nghiệp phải có người đồng hành, là có người hùn vốn đi với chúng ta suốt chặng đường dài. Nhờ đó, công việc kinh doanh mới được vận hành nhịp nhàng, có sự phối hợp đồng bộ và hiệu quả, nâng cao khả nâng thành công của startup. Đồng thời, người cộng sự sẽ cũng đưa ra những hướng phát triển, mục tiêu, chiến lược một cách khách quan hơn. Khi có sự hợp tác, khả năng nắm bắt hoạch định được rủi ro hay những hướng phát triển một cách chu toàn rõ ràng và hiệu quả hơn.

Tuy nhiên, để lựa chọn một cộng sự phù hợp vẫn là bài toán khó cho các startup trẻ. Bà Thanh Lâm cho rằng: “Các bạn không thể thành công nếu chỉ có một chuyên môn. Chúng ta luôn muốn tối giản chi phí nên có xu hướng chọn những người thân quen để hợp tác. Khi đó, chúng ta có nguy cơ bị hỏng các kiến thức quản trị khác, bởi khi chúng ta khởi nghiệp là xây dựng doanh nghiệp độc lập, cần có những con người có khả năng tương ứng với từng nhiệm vụ như quản trị doanh nghiệp, quản trị bán hàng, quản trị tài chính…”. Việc lựa chọn bạn đồng hành dựa trên mối quan hệ tình cảm đôi khi khiến việc bố trí công việc chưa thực sự phù hợp với chuyên môn. Đó là một trong những lý do khiến doanh nghiệp bị đứt gãy trong vận hành.

Theo bà Trương Như Hoa – chuyên gia BGS Blobal: “Với một startup thường thì mỗi phòng ban là một con người, thì vì vậy chúng ta làm sao để tìm ra những người có một ưu điểm khác nhau, có thể làm việc trong môi trường tập thể. Bởi trong môi trường tập thể, việc giảm cái tôi và tôn trọng lẫn nhau sẽ mang đến cho chúng ta không bị vướng bận mâu thuẫn nội bộ, tạo ra sự đoàn kết và tình yêu thương. Đặc biệt là khả năng làm việc nhóm, vì làm việc nhóm giúp gia tăng tất cả giá trị của con người, cạnh tranh với các đội nhóm khác, tìm ra điểm mạnh khắc phục điểm yếu, hỗ trợ tốt nhất cho startup. Cuối cùng, yếu tố quyết định đó là người có sự linh hoạt và thích ứng để dễ dàng thay đổi, ứng biến linh hoạt với các trường hợp có thể xảy ra”.

Hãy tìm người “dẫn đường”

Theo bà Lâm, ngoài ê kíp cộng sự hợp tác, một trong những nguyên nhân startup thất bại là còn thiếu người cố vấn. Người cố vấn đóng vai trò là người hướng dẫn và đưa ra câu trả lời cho câu hỏi đó. Đồng thời, nếu các startup có người hướng dẫn, kèm cặp thì kế hoạch kinh doanh, quản trị, điều hành doanh nghiệp sẽ hiệu quả hơn, giúp startup tăng khả năng thành công và hạn chế tổn thương một khi khởi nghiệp thất bại.

TS. Phạm Hồng Quất – Cục trưởng Cục Phát triển thị trường và doanh nghiệp khoa học công nghệ cho rằng: “Thay vì các bạn phải tự đi tìm hiểu các giải pháp, sáng kiến tự thân, thì các bạn có những người cố vấn hỗ trợ là những người có kinh nghiệm tại các tập đoàn. Họ là những doanh nhân, giám đốc điều hành tại doanh nghiệp trong các lĩnh vực khác nhau, trở thành người cố vấn cho các bạn trẻ. Cách này đã và đang áp dụng rất tốt ở nước ngoài, còn tại Việt Nam chúng ta đang bắt đầu áp dụng. Đây chính là cách giúp các bạn học hỏi kinh nghiệm, kiến thức, kỹ năng thông qua giải quyết những bài toán thực tế của doanh nghiệp ”.

Theo Phan Thị (Báo Doanh Nhân Sài Gòn)

Bài viết mới nhất

Zalo
Hotline
+84982663849