Tài chính và chứng khoán: Rủi ro trong ngắn hạn vẫn lớn!

Tài chính và chứng khoán: Rủi ro trong ngắn hạn vẫn lớn!

Thứ sáu, 09/12/2022

Thị trường chứng khoán (TTCK) Việt Nam ghi nhận sự phục hồi vào những phiên cuối tuần trước sau chuỗi ngày mất điểm liên tiếp. Có thời điểm trong tuần, chỉ số VN-Index lùi sâu về dưới ngưỡng 1.000 điểm, song lực cầu bắt đáy đã xuất hiện và được duy trì tốt với sự phục hồi mạnh của nhiều cổ phiếu vốn hóa lớn, đặc biệt là nhóm ngân hàng. Kết phiên cuối tuần trước, VN-Index đóng cửa tại mốc 1.061 điểm, tăng 25,9 điểm, tương đương 2,5% so với tuần trước đó. Thanh khoản trung bình toàn thị trường xấp xỉ ngưỡng 14.000 tỉ đồng/phiên, cho thấy tâm lý nhà đầu tư vẫn đang khá thận trọng trước những rủi ro ngắn hạn.

Điểm sáng trong tuần qua tới từ giao dịch khối ngoại khi khối này trở lại mua rồng mạnh trong cả năm phiên giao dịch với tổng giá trị 2.763 tỉ đồng.

Trên thế giới, TTCK Mỹ khép lại một tuần giao dịch đầy những bất ngờ. Khác với lẽ thường, chỉ số lạm phát tăng nóng đã không “nhấn chìm” thị trường. Cụ thể, theo công bồ của Bộ Lao động Mỹ, CPI tháng 9 của nước này tăng % so với tháng trước, cao hơn dự báo tăng 0,3% trước đó. Còn nếu xét trên giai đoạn 12 tháng, lạm phát tổng thể của Mỹ vào thời điểm cuối tháng 9 đã tăng 8,2% so với cùng kỳ năm ngoái, thấp hơn nhiều so với mức tăng 9% hồi tháng 6, nhưng vẫn dao động gần mức đỉnh 40 năm. Mặc dù số liệu lạm phát tăng vượt kỳ vọng như trên nhưng sau khi giảm sâu ở đầu phiên vì tin xấu, đến cuối phiên ngày 13-10, chỉ số S&P 500 đã nhanh chóng đảo chiều tăng điểm, khiến mức độ biến động trong phiên lên tới 5% - mạnh thứ 5 trong lịch sử. Tuy vậy, trong phiên cuối tuần, TTCK Mỹ đã giảm điểm trở lại, khiến chỉ số S&P 500 mất tổng cộng 1,6% trong tuần vừa qua, nâng mức giảm kể từ đầu năm lên đến gần 25%.

Về các tin tức vĩ mô trong nước, để ổn định hoạt động của Ngân hàng TMCP Sài Gòn (SCB), Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cuối tuần vừa qua đã ra quyết định kiểm soát đặc biệt ngân hàng này. Việc NHNN kiểm soát đặc biệt một tổ chức tín dụng là biện pháp nghiệp vụ theo quy định của pháp luật nhằm kiểm soát chặt chẽ, hạn chế tác động tiêu cực đến tổ chức tín dụng đó và hệ thống các tổ chức tín dụng nói chung. Theo đó, hoạt động của SCB sẽ được thực hiện dưới sự kiểm soát của NHNN. NHNN lựa chọn, chỉ định những cán bộ có kinh nghiệm, năng lực, trình độ chuyên môn từ các ngân hàng thương mại nhà nước (VCB, BIDV,…) tham gia quản trị, điều hành SCB.

Cùng với quyết định kiểm soát đặc biệt SCB, trong tuần qua, NHNN cũng đã liên tiếp bơm ròng lượng tiền khá lớn nhằm hỗ trợ thanh khoản cho hệ thống, qua đó giúp lãi suất liên ngân hàng hạ nhiệt. Tính chung tổng cân đồi liên quan đến hoạt động bơm – hút tiền ngắn hạn của NHNN qua hai kênh chính yếu là OMO và phát hành tín phiếu, đến thời điểm hiện tại đã có khoảng 90.000 tỉ đồng đang hỗ trợ cân đối nguồn hệ thống. Quy mô này là lượng NHNN đang cho vay ròng, các ngân hàng thương mại sẽ lần lượt phải trả lại nhà điều hành trong thời gian ngắn sắp tới.

Việc nới biên độ tỷ giá sau một thời gian liên tục can thiệp bán ra ngoại tệ của NHNN được cho là nhằm thích ứng, đón đầu chính sách tăng lãi suất liên tục của Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) trong thời gian dần đây. Quyết định này cũng có thể sẽ giúp giải tỏa sức ép và kỳ vọng của thị trường về việc tiền đồng phải giảm giá them, qua đó hạn chế hoạt động găm giữ, đầu cơ ngoại tệ.

Về diễn biến của TTCK Việt Nam, rất khó để xác định chính xác việc liệu các tin xấu đã chiết khấu hết vào giá cổ phiếu hay chưa. Tuy vậy, một điều có thể chắc chắn hơn là rủi ro trong ngắn hạn vẫn rất lớn và khó lường. Do đó, việc giao dịch trong giai đoạn hiện tại có lẽ chỉ phù hợp với những nhà đầu tư nhiều kinh nghiệm với khẩu vị rủi ro cao.

Theo Thanh Thủy (KTSG)

Bài viết mới nhất

Zalo
Hotline
+84982663849