Bao giờ hết dự án treo?

Bao giờ hết dự án treo?

Thứ năm, 15/12/2022

Trong giai đoạn 2016-2020, Hội đồng Nhân dân TPHCM thông qua 11 nghị quyết về thu hồi đất, chuyển đổi mục đích sử dụng đất đối với 1.445 dự án. Đến nay, chỉ có 402 dự án hoàn thành, 741 dự án đang triển khai, 302 chậm triển khai và có dự án kéo dài trên 20 năm.

Thời gian qua, cơ quan chức năng cũng đã công bố 108 dự án treo (với diện tích hơn 473 héc ta) được điều chỉnh, hủy bỏ trong kế hoạch sử dụng đất giai đoạn 2015-2019. Điều này là cần thiết để bớt đi sự lãng phí, thiệt hại, cũng như tạo điều kiện thu hút các nhà đầu tư khác, và người dân có thể sửa chữa nhà cửa, tách thửa hoặc chuyển nhượng quyền sử dụng đất.

Tuy nhiên, con số dự án được công bố nêu trên còn quá “khiêm tốn” so với hơn 4.800 dự án treo, vốn dự kiến thực hiện trong giai đoạn 2016-2020, trong đó, nhiều dự án đến nay vẫn còn… nằm trên giấy. TPHCM có những dự án quy hoạch quy mô lớn nhưng bế tắc trong triển khai do nhiều nguyên nhân: quy hoạch không phù hợp, thiếu tính khả thi, thiếu vốn, chủ đầu tư thiếu năng lực… Cũng có không ít những “dự án xí đất”, hoặc có khi là do chủ đầu tư nhận thấy chưa phải lúc đạt hiệu quả kinh tế nên không muốn triển khai tiếp.

Mới đây, lãnh đạo chính quyền thành phố tỏ ra muốn thúc đẩy giải quyết vấn đề dự án treo, và mỗi lần vấn đề này được “xới” lên thì đều thu hút sự quan tâm của dư luận. Thật ra, phát hiện những quy hoạch dự án bất hợp lý là việc không khó, nhất là đối với những người làm quản lý chuyên ngành. Chỉ cần dựa trên các căn cứ khoa học, các quy định xây dựng, các quy định pháp luật liên quan như về quy trình thiết kế, tiêu chuẩn ngành, bài toán kinh tế, sử dụng nguồn vốn… là đã phát hiện ra không ít dự án. Lần này, với sự chỉ đạo thành lập tổ công tác với đầy đủ thành phần cơ quan chức năng thì hy vọng sẽ có những hành động mạnh mẽ hơn, giải quyết vấn đề hiệu quả hơn.

Điều người dân thiết tha mong muốn có lẽ nằm ở việc cương quyết loại bỏ những dự án đã được giao đất nhưng không thực hiện, thu hồi các dự án thiếu tính khả thi. Còn đối với các quy hoạch trước sau gì cũng phải làm thì chủ đầu tư cần có sự cam kết về tiến độ triển khai, thời điểm hoàn thành.

Đã đến lúc phải xem xét lại khâu cán bộ thuộc bộ máy tham mưu, quản lý. Cần có đầu mối chịu trách nhiệm cụ thể trong công tác quản lý đối với việc lập, phê duyệt quy hoạch dự án, tránh cơ chế xin – cho dẫn đến ngành nào cũng muốn giữ lại dự án được quy hoạch dù nó bất hợp lý. Công tác lập, phê duyệt quy hoạch cần quy định chặt chẽ hơn, như buộc phải có sự phối hợp đồng bộ trong quản lý trên cơ sở khoa học, phù hợp thực tiễn, đặc biệt là việc chứng minh nguồn lực tổ chức thực hiện và cụ thể hóa trách nhiệm cá nhân.

Nên chăng quy hoạch các dự án dân cư theo hình mẫu đô thị Phú Mỹ Hưng. Đó cũng là một lời giải được minh chứng từ thực tiễn về đầu tư xã hội hóa đồng bộ cơ sở hạ tầng, hạn chế chia cắt cục bộ, cũng như là lời giải cho các bài toán về quy hoạch dự án, về nguồn vốn và việc lựa chọn chủ đầu tư…

Theo Trần Văn Tường (KTSG)

Bài viết mới nhất

Zalo
Hotline
+84982663849