Áp dụng cải cách tiền lương tháng 7: Những giải pháp thích ứng nào cho doanh nghiệp?

Áp dụng cải cách tiền lương tháng 7: Những giải pháp thích ứng nào cho doanh nghiệp?

Thứ hai, 17/06/2024

Việc áp dụng cải cách tiền lương từ ngày 1-7-2024 với hai nội dung lớn gồm bãi bỏ mức lương cơ sở và tăng mức lương tối thiểu sẽ là một bước ngoặt quan trọng trong chính sách tiền lương tại Việt Nam.

Hàng loạt các chế độ chính sách có liên quan dựa trên cơ sở lương cơ bản sẽ buộc phải tính toán lại. Doanh nghiệp được cho là sẽ gặp nhiều thách thức khi vẫn chưa thoát khỏi khó khăn chung do suy thoái kinh tế.

Ảnh: TL

Mức lương cơ sở và mức lương tối thiểu không còn là chuyện để bàn theo kiểu đến hẹn lại lên rồi… qua vào mỗi giữa cuối quí 2 như trước đây nữa. Từ ngày 1-7-2024, Việt Nam sẽ thực thi chính sách cải cách tiền lương nhằm cải thiện đời sống của người lao động (NLĐ) sau nhiều năm tạm hoãn do hệ lụy sau đại dịch Covid-19.

Cải cách tiền lương: Bỏ lương cơ sở, tăng lương tối thiểu

Nghị quyết 104/2023/QH15 về dự toán ngân sách Nhà nước năm 2024 quy định sẽ thực hiện cải cách tổng thể chính sách tiền lương theo Nghị quyết 27-NQ/TW năm 2018 (sau đây gọi là Nghị quyết 27) từ ngày 1-7-2024. Theo Nghị quyết 27, bảng lương mới 2024 được xây dựng theo vị trí việc làm, chức danh và chức vụ lãnh đạo sẽ thay thế cho hệ thống bảng lương hiện hành, chuyển xếp lương cũ sang lương mới, bảo đảm không thấp hơn tiền lương hiện hưởng(1). Hai nội dung lớn của chính sách cải cách tiền lương từ tháng 7 tới đây là bãi bỏ mức lương cơ sở và tăng mức lương tối thiểu có điều chỉnh theo từng vùng kinh tế, phản ánh sự khác biệt về chi phí sinh hoạt giữa các khu vực. Mục tiêu là đảm bảo mức lương tối thiểu đủ sống, giảm thiểu tình trạng lao động nghèo và tạo động lực làm việc cho NLĐ.

Chính sách cải cách tiền lương 2024 được xem là một bước ngoặt trong chính sách tiền lương của Việt Nam. Tuy nhiên, việc xóa bỏ mức lương cơ sở – vốn được dùng làm cơ sở tính toán các chế độ chính sách khác có liên quan đến người lao động – sẽ kéo theo những thay đổi ở hàng loạt chế độ chính sách có liên quan. Thay đổi thế nào là một thách thức.

Bỏ lương cơ sở – nhiều chính sách phải thay đổi theo

Nhìn lại những năm đã qua, tiền lương cơ sở tăng dần đều hàng năm từ năm 2004-2019(2). Do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, mức lương cơ sở trong giai đoạn 2020-2021 cho đến tháng 6-2023 duy trì ở mức 1,6 triệu đồng sau đó đã tăng lên mức 1,8 triệu đồng từ ngày 1-7-2023 đến nay.

Trong doanh nghiệp (DN) hiện nay, lương cơ sở được sử dụng để trích các khoản đóng theo quy định, bao gồm tiền lương tối đa để tính bảo hiểm xã hội (BHXH), bảo hiểm y tế (BHYT) và bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp. Mức lương này cũng được dùng để tính đoàn phí công đoàn và các khoản trợ cấp BHXH, như là trợ cấp một lần khi sinh con, trợ cấp dưỡng sức sau sinh, dưỡng sức sau ốm, trợ cấp mai táng, và trợ cấp tuất hàng tháng(3). Bộ luật Dân sự 2015 cũng sử dụng mức lương cơ sở để xác định mức bồi thường thiệt hại tối đa đối với hành vi xâm phạm danh dự, nhân phẩm, uy tín, cụ thể là 10 lần mức lương cơ sở(4).

Theo quy định của Luật BHXH 2014 và Luật BHYT, đối với NLĐ đóng BHXH theo chế độ tiền lương do DN quyết định thì tiền lương tháng đóng BHXH là mức lương và phụ cấp lương theo quy định của pháp luật lao động. Tiền lương tính đóng BHXH bắt buộc tối đa bằng 20 lần mức lương cơ sở, tương ứng với 36 triệu đồng. Theo Luật An toàn vệ sinh lao động thì DN và NLĐ hàng tháng sẽ đóng tối đa 1% trên quỹ tiền lương làm căn cứ đóng BHXH của NLĐ vào quỹ tai nạn lao động – bệnh nghề nghiệp.

Vậy nên, khi mức lương cơ sở bị xóa bỏ từ ngày 1-7-2024, về nguyên tắc, các luật BHXH, BHYT và Bộ luật Dân sự sẽ phải thay đổi theo nhưng sẽ phải thay đổi ra sao? Các chuyên gia trong các kỳ họp Quốc hội về việc sửa đổi Luật BHXH đề xuất sẽ thay thế mức lương cơ sở bằng mức tham chiếu đến mức 1,8 triệu đồng.

Việc xóa bỏ mức lương cơ sở – vốn được dùng làm cơ sở tính toán các chế độ chính sách khác có liên quan đến người lao động – sẽ kéo theo những thay đổi ở hàng loạt chế độ chính sách có liên quan.

Tác giả cho rằng Luật BHXH có thể được sửa đổi trên cơ sở thống nhất lấy mức tiền lương đóng BHXH tối đa dựa trên mức lương tối thiểu do Chính phủ ban hành để thống nhất toàn bộ với các quy định hướng dẫn hiện nay của BHXH Việt Nam với Luật Việc làm và các quy định khác trong Luật BHXH đối với nhóm NLĐ làm việc do DN quyết định mức tiền lương(5).

Mức đóng thấp nhất trong BHXH, BHYT, BHTN và BHTNLĐ – BNN cũng tham chiếu tới mức lương tối thiểu. Song, tác giả cho rằng, hai mức lương tối thiểu và cơ sở hiện đang chênh lệch nhau khá nhiều do hai mục đích xây dựng mức lương là hoàn toàn khác nhau.

Trong khi mức lương cơ sở được xây dựng cho NLĐ làm việc do cơ quan nhà nước và cơ quan hành chính công quyết định, thì mức lương tối thiểu dành cho NLĐ làm việc tại DN dân doanh. Giải pháp này tốt hơn cần được thống nhất nhưng nên có lộ trình tăng nhất định để DN có đủ thời gian chuẩn bị tài chính và thực hiện theo đó.

Tăng lương tối thiểu và thách thức cho DN

Ở nhiều quốc gia, mức lương tối thiểu được đặt ra nhằm bảo vệ quyền lợi của NLĐ và đảm bảo rằng họ có thể đủ sống và nuôi sống gia đình của mình. Ví dụ tại Mỹ, mức tối thiểu liên bang là 7,25 đô la/giờ (185.000 đồng/giờ), một số tiểu bang như California thì cao hơn với 16 đô la/giờ và Washington là 16,28 đô la/giờ(6). Thái Lan cũng quy định mức tối thiểu dao động 328-354 baht/ngày (227.000-245.000 đồng) tùy theo vùng(7).

Còn theo dự kiến, mức lương tháng tối thiểu ở Việt Nam – từ ngày 1-7 – là 4.960.000 đồng đối với vùng I; 4.410.000 đồng với vùng II, còn vùng III là 3.860.000 đồng và vùng IV là 3.450.000 đồng. Thách thức lớn nhất đối với DN là việc tăng chi phí vận hành, cần nhiều tiền hơn để trả lương cho NLĐ.

Các DN lớn có thể cắt giảm các chi phí khác hoặc tăng giá sản phẩm, dịch vụ để cân đối phần tăng chi phí này. Nhưng các DN nhỏ và vừa có thể sẽ chịu áp lực tài chính lớn, thậm chí đe dọa đến sự tồn tại của họ.

Ví dụ, việc tăng lương ở các DN sử dụng nhiều lao động, như các ngành dệt may, giày da, chế biến thực phẩm – thường có nguồn lực hạn chế và biên lợi nhuận thấp – sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến chi phí sản xuất và giá thành sản phẩm. Khi chi phí nhân công tăng, việc duy trì lợi nhuận trở nên khó khăn hơn. Các DN phải tìm cách cân đối giữa việc trả lương cao hơn và việc duy trì mức lợi nhuận hợp lý.

Điều này đặc biệt khó khăn trong bối cảnh cạnh tranh ngày càng khốc liệt, tình hình suy thoái kinh tế vẫn là mối đe dọa đến DN toàn cầu nói chung và Việt Nam nói riêng, cùng với áp lực giảm giá từ người tiêu dùng. Nhiều DN buộc phải cắt giảm các khoản chi khác như đầu tư vào công nghệ, marketing hoặc thậm chí là cắt giảm nhân sự.

Việc tăng lương cũng làm ảnh hưởng đến quy trình sản xuất của DN. Để giảm chi phí, DN có thể phải tái cấu trúc lại quy trình làm việc, cắt giảm số lượng nhân viên hoặc đầu tư vào các giải pháp công nghệ thay thế lao động, có thể gây hệ lụy về nạn thất nghiệp.

Khi chi phí vận hành tăng, một số DN có thể buộc phải tăng giá bán sản phẩm và dịch vụ hay giảm tăng lương để duy trì lợi nhuận. Hơn nữa, việc tăng giá cũng có thể làm giảm tính cạnh tranh của DN trên thị trường, đặc biệt là khi phải cạnh tranh với các sản phẩm, dịch vụ giá rẻ từ nước ngoài.

Ngoài việc phải trả lương cao hơn, DN còn phải đối mặt với áp lực từ các chính sách thuế và BHXH. Khi mức lương tăng, các khoản đóng BHXH, BHYT và các loại thuế liên quan cũng tăng theo. Điều này làm tăng gánh nặng tài chính cho DN, đặc biệt là trong bối cảnh kinh tế chưa ổn định.

Khuyến nghị giải pháp thích ứng cho DN

Một trong những giải pháp để cân bằng lợi ích giữa NLĐ và DN là áp dụng chính sách lương linh hoạt. Thay vì tăng lương đồng loạt, Chính phủ có thể điều chỉnh mức lương tối thiểu dựa trên từng ngành, nghề và khu vực kinh tế cụ thể. Điều này giúp giảm áp lực tài chính cho các DN trong các ngành, nghề có lợi nhuận thấp hoặc trong các khu vực kinh tế khó khăn.

Có thể triển khai các chương trình gồm các gói vay ưu đãi, hỗ trợ về thuế hoặc các khóa đào tạo nâng cao năng lực quản lý và công nghệ nhằm hỗ trợ DN nhỏ và vừa, giúp họ vượt qua khó khăn khi chi phí lao động tăng cao. Đầu tư vào công nghệ là một trong những giải pháp giúp giảm chi phí lao động và nâng cao hiệu quả sản xuất. DN nhờ đó giảm bớt gánh nặng tài chính và nâng cao năng lực cạnh tranh của họ trên thị trường đồng thời tạo ra một lực lượng lao động có kỹ năng cao hơn.

Đối thoại thường xuyên giữa Chính phủ, DN và NLĐ là cần thiết để tìm ra các giải pháp hài hòa lợi ích. Các bên có thể cùng nhau thảo luận, đánh giá tác động của các chính sách và đưa ra các điều chỉnh kịp thời. Điều này giúp đảm bảo rằng chính sách tiền lương không chỉ mang lại lợi ích cho NLĐ mà còn phù hợp với khả năng của DN.

Theo LS. Dương Tiếng Thu - LS. Lê Lê Thanh Trà (Công ty Luật TNHH Phước & Các cộng sự) – Báo Kinh tế Sài Gòn

(1) https://xaydungchinhsach.chinhphu.vn/tu-ngay-1-7-2023-tien-luong-cong-chuc-vien-chuc-se-tang-bao-nhieu

(2) https://baohiemxahoidientu.vn/bhxh/muc-luong-co-so-qua-cac-nam.

(3) https://xaydungchinhsach.chinhphu.vn/luong-huu-tro-cap-bhxh-muc-dong-bhyt-se-duoc-dieu-chinh-the-nao-khi-cai-cach-tien-luong.

(4) BLDS 2015 – điều 592. Thiệt hại do danh dự, nhân phẩm, uy tín bị xâm phạm

(5) BHXH TP.HCM – Công văn 1952/BHXH-TST hướng dẫn thu BHXH, BHYT, BHTN, BHTNLĐ-BNN; quản lý sổ BHXH, thẻ BHYT

(6) https://laodong.vn/tu-lieu/lo-trinh-tang-luong-tu-dau-nam-2024

(7) https://thanhnien.vn/thai-lan-tang-luong-toi-thieu-tu-thang-1.

Bài viết mới nhất

Zalo
Hotline
+84982663849