Tiết kiệm để sống còn khi giá điện tăng

Tiết kiệm để sống còn khi giá điện tăng

Chủ nhật, 21/05/2023

Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) vừa có quyết định về việc điều chỉnh mức giá bán lẻ điện bình quân tăng 3% so với giá hiện hành từ ngày 4-5-2023. Quyết định này đưa doanh nghiệp đối mặt với tình thế “khó chồng khó” trong bối cảnh kinh tế hiện nay.

Hiện nay, tình hình kinh tế nhiều khó khăn, doanh nghiệp đang nỗ lực hết sức để bám trụ và duy trì hoạt động. Việc tăng giá điện sẽ là một gánh nặng cho doanh nghiệp.

Theo dự báo, thời tiết mùa hè năm nay sẽ rất nóng do ảnh hưởng của El Nino có thể tạo ra những kỷ lục nhiệt độ mới. Điều này được báo hiệu bằng thời tiết nắng nóng trên cả nước trong những ngày gần đây. Hóa đơn tiền điện tháng 5 của doanh nghiệp sẽ là cú đúp “giật mình” bởi việc tăng giả và tăng khối lượng sử dụng do nắng nóng.

Giá điện tăng có nguy cơ kéo theo giá dịch vụ, hàng hóa khác cũng tăng theo, chưa kể phát sinh việc tăng giá theo kiểu “té nước theo mưa”. Điều này sẽ tác động rất lớn đến chi phí đầu vào của doanh nghiệp.

Ngoài lý do cân đối tài chính của EVN, việc tăng giá điện còn có những kỳ vọng tốt đẹp, mang tính bền vững từ tầm quản lý vĩ mô, theo ông Nguyễn Bích Lâm, nguyên Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê với bài viết “Vì sao phải tăng giá bán lẻ điện càng sớm càng tốt?” trên Cổng thông tin điện tử Chính phủ. Hai kỳ vọng lớn này là tiết kiệm điện và chuyển đổi sang sử dụng năng lượng tái tạo.

Trong khi chuyển đổi sang năng lượng tái tạo không dễ dàng thực hiện tức thì cũng như chưa thể thấy ngay kết quả, thì việc tiết kiệm năng lượng là cách doanh nghiệp có thể làm ngay lúc này. “Tắt khi không sử dụng” là khẩu hiệu cần, đúng và có lợi với mọi doanh nghiệp, mọi lúc mọi nơi. Rút phích các thiết bị không buộc phải duy trì điện trước khi ra về, máy lạnh ở nhiệt độ 25-26 độ C... là những cách đơn giản ai cũng biết nhưng ít ai làm. Điều quan trọng và khó nhất để làm những điều đơn giản này là đào tạo người lao động nhận thức về tiết kiệm diện, thực hành hàng ngày để trở thành thói quen.

Doanh nghiệp có thể thay mới thiết bị điện nếu như việc tiêu thụ điện do máy móc quá cũ gây ra hao điện. Đây là việc có thể tính toán được.

Doanh nghiệp nên sắp xếp lại quy trình sản xuất để có thể tận dụng được sự vận hành liên tục hoặc cho máy móc có thời gian nghỉ nhất định thay vì bỏ trống những khoảnh khắc ngắn nhưng vẫn duy trì điện.

Các đơn vị cũng có thể tiết kiệm điện vào giờ cao điểm bằng cách giảm sản xuất, giảm năng suất sản xuất vào giờ cao điểm; bố trí giờ làm việc, thời gian nghỉ hàng tuần linh hoạt, sắp xếp các công việc không cần điện vào giờ cao điểm để tiết kiệm...

Tất nhiên việc sắp xếp lại lao động, quy trình sản xuất không đơn giản nhưng khi con người dụng tâm và mong muốn làm thì có thể sẽ tìm ra được một giải pháp hiệu quả. Nếu à sự sắp xếp đó có thể tiết kiệm được điện, điều này sẽ giúp doanh nghiệp tìm ra được giải pháp giảm chi phí bền vững. Hơn nữa, đây cũng là một cách xây dựng hình ảnh doanh nghiệp xanh, thân thiện với môi trường với tiêu chí sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả. Trong xu hướng kinh tế xanh toàn cầu đang hình thành thì đây là một điểm cộng trong hồ sơ đấu thầu hoặc là hồ sơ công ty khi tìm kiếm các đối tác quốc tế yêu cầu tiêu chuẩn cao.

Với những doanh nghiệp tiêu thụ năng lượng trọng điểm được Bộ Công Thượng nêu tên trong danh mục hàng năm, cần nghiêm túc thực hiện kiểm toán năng lượng để tìm ra giải pháp tiết kiệm điện chứ không được xem đây là một việc làm đối phó để xong một thủ tục hành chính bắt buộc.

Thay vì chờ đến khi giá điện tăng mới nghĩ đến tiết kiệm điện, doanh nghiệp cần tiết kiệm điện như là một yếu tố tiết giảm chi phí sản xuất để tối đa hóa lợi nhuận của doanh nghiệp | và đưa tiết kiệm điện thành một chí tiêu trong đánh giá hoạt động mọi mặt của mình.

Theo Phan Thị Ngọc Thắng - Báo Kinh tế Sài Gòn

Bài viết mới nhất

Zalo
Hotline
+84982663849