Ông Nguyễn Đức Hùng Linh: Thay đổi cách nhìn về phát triển kinh tế

Ông Nguyễn Đức Hùng Linh: Thay đổi cách nhìn về phát triển kinh tế

Thứ tư, 29/05/2024

“Cần chú ý đến kích cung và các biện pháp kích cung. Chỉ có như vậy thì các quyết sách kinh tế mới thực sự đi đúng và đi trúng vào những điểm trọng yếu, giúp hệ thống doanh nghiệp Việt Nam tăng tốc đi nhanh”, ông Nguyễn Đức Hùng Linh, người sáng lập kiêm Giám đốc tư vấn Think Future Consultancy, trao đổi với Kinh tế Sài Gòn.

Vẫn có thể giảm lãi suất cho vay

Trong chỉ đạo mới nhất ngày 18-5-2024, Thủ tướng đã yêu cầu các ngân hàng giảm lãi suất cho vay 1-2 điểm phần trăm, đơn giản hóa thủ tục vay. Đây là một động thái rất đúng để tiếp tục giảm mặt bằng lãi suất cho vay nhằm hỗ trợ doanh nghiệp.

Tuy nhiên, giảm lãi suất cho vay không đồng nghĩa giảm lãi suất huy động.

Thứ nhất, mức sinh lời của ngân hàng, đặc biệt là các ngân hàng thương mại (NHTM) cổ phần tư nhân đang cao. Trong hoạt động cho vay, chỉ số rất quan trọng thể hiện mức sinh lời là biên lãi thuần (Net Interest Margin – NIM), phản ánh mức chênh lệch thu nhập từ cho vay – chi phí vốn.

Trước đại dịch Covid-19, tỷ lệ này ở nhóm NHTM cổ phần lớn là 3,48-3,78%. Trong thời gian xảy ra đại dịch Covid-19, dù lãi suất được định hướng giảm nhanh để hỗ trợ nền kinh tế nhưng tỷ lệ này lại tăng lên mức 3,93-4,17%. Hai năm sau đại dịch Covid-19, năm 2022 và 2023, NIM không những không giảm mà còn tiếp tục gia tăng, ở mức 4,07% vào năm 2023.

So sánh NIM của nhóm NHTM cổ phần nhà nước (Vietcombank, BIDV, VietinBank) và nhóm NHTM cổ phần tư nhân, có thể thấy, một là, NIM của nhóm NHTM cổ phần nhà nước luôn thấp hơn nhóm NHTM cổ phần tư nhân; hai là, NIM của nhóm NHTM cổ phần nhà nước vào năm 2023 đã thấp hơn năm 2019, xuống mức 2,82% so với mức 2,86%. Có thể nói, các NHTM cổ phần nhà nước đã tiên phong trong việc giảm lãi suất cho vay để hỗ trợ tăng trưởng kinh tế. Điều này cũng đồng nghĩa với việc họ phải giảm bớt lợi nhuận.

Ngoài ra, các NHTM cổ phần nhà nước còn ghi nhận mức tăng trưởng tín dụng thấp hơn, chẳng hạn, BIDV, VietinBank có mức tăng trưởng tín dụng dưới mức trung bình ngành (13,5%), nhiều NHTM cổ phần tư nhân lại đạt mức tăng trưởng tín dụng cao hơn 20% trong năm năm liên tiếp. Vì thế, thị phần của các nhóm này đã dần thay đổi.

Nếu năm 2018, thị phần của nhóm big 4 (bao gồm bốn ngân hàng Vietcombank, BIDV, VietinBank và Agribank) là 48,4%, thì đến năm 2023, con số này giảm xuống còn 44,1%. Các NHTM cổ phần tư nhân không chỉ có NIM cao hơn mà còn được “nhường” thị phần tín dụng, điều này là nền tảng để họ đạt được tăng trưởng lợi nhuận cao. Điều này có thể thay đổi.

Thứ hai, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã có chỉ thị và nhiều biện pháp để thực hiện việc công khai lãi suất cho vay. Theo NHNN, việc công khai lãi suất cho vay hiện chưa có chế tài, tuy nhiên dư luận công chúng cũng sẽ là một chế tài để tạo sự cạnh tranh bình đẳng hơn, tạo ra mặt bằng lãi suất cho vay hợp lý hơn.

Đừng chỉ trọng cầu

Doanh nghiệp chính là động lực, là phần hồn của nền kinh tế. Khi nói đến thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, có quá nhiều ý kiến xoay quanh “kích cầu”. Trong kích cầu, chỉ có thể dùng chính sách tài khóa và tiền tệ, vì thế, cả chính sách tài khóa và tiền tệ đang bị kéo căng hết mức. Chúng ta phải kết hợp kích cầu và kích cung. Kích cung ở đây chính là hỗ trợ phía sản xuất, phía các đơn vị doanh nghiệp, nơi tạo ra giá trị cho nền kinh tế, tạo ra thu nhập cho người lao động.

Nếu chỉ kích cầu, ví dụ giảm lãi suất mà thiếu kích cung, tức không chú ý đến doanh nghiệp thì một hậu quả rất rõ là lãi suất giảm nhưng tín dụng ra chậm vì doanh nghiệp thực tế cũng không có đơn hàng, không có nhu cầu vay. Trong khi đó, lãi suất huy động giảm lại gây ra nhiều rủi ro cho tỷ giá, lạm phát và bong bóng tài sản.

Tôi thấy cần thay đổi cách nhìn về phát triển kinh tế, chú ý đến kích cung và các biện pháp kích cung. Điều này cần có sự hiểu biết sâu sắc hơn về kinh tế ngành và kinh tế vùng, đồng thời hiểu sâu về hoạt động của thị trường, của doanh nghiệp. Chỉ có như vậy, các quyết sách kinh tế mới thực sự đi đúng và đi trúng vào những điểm trọng yếu, giúp hệ thống doanh nghiệp Việt Nam tăng tốc đi nhanh.

Khánh Nguyễn ghi – Theo Báo Kinh tế Sài Gòn

Bài viết mới nhất

Zalo
Hotline
+84982663849