Chúng ta đang thiếu nhiều dữ liệu

Chúng ta đang thiếu nhiều dữ liệu

Thứ sáu, 21/06/2024

Cho dù là giám đốc một doanh nghiệp hay người hoạch định chính sách cho một bộ, một ngành, tất cả đều phải cần những số liệu cập nhật, chính xác để tham khảo trước khi đưa ra các quyết định liên quan. Thế nhưng, trong khá nhiều trường hợp, các số liệu cần có lại không có sẵn, tìm khắp các cơ sở dữ liệu không ra, đơn giản chỉ vì chưa ai thu thập chúng.

Lấy một ví dụ mang tính thời sự, các nước đang cảnh báo nguy cơ sụt giảm dân số khi tỷ suất sinh đang trên đà giảm sút, ở nhiều nước còn thấp hơn mức sinh thay thế, để đưa ra các biện pháp khắc phục. Giả dụ chúng ta cũng đang nghiên cứu các giải pháp khuyến khích sinh đẻ như thế, các số liệu về tổng tỷ suất sinh, mức sinh thay thế, chúng ta đều có đủ. Thế nhưng, giả dụ tiếp, chúng ta cần đi sâu vào một lĩnh vực nhỏ hơn là các chính sách khuyến khích trong chế độ lao động với các bà mẹ đơn thân, chúng ta sẽ không có số liệu bà mẹ đơn thân trong từng độ tuổi, trên các địa bàn, cũng như nghề nghiệp, thu nhập của họ.

Các nước, nhất là các nước phát triển, thường có các cơ quan nghiên cứu phi lợi nhuận, chuyên điều tra, khảo sát để đưa ra các con số, các dữ liệu cần thiết cho mọi nghiên cứu liên quan. Bằng nhiều phương pháp, từ lấy mẫu khảo sát đến tổng hợp, thống kê, họ có thể đưa ra các dữ liệu mà từ mẫu khảo sát nhỏ có thể khái quát thành tình hình khá chính xác của cả nước. Nhờ thế, chúng ta thường thấy trích dẫn nguồn số liệu, chẳng hạn, về tỷ lệ kết hôn của thanh niên trong độ tuổi từ 18-24; tỷ lệ mong muốn có con; tỷ lệ trì hoãn sinh con vì vấn đề tài chính...

Nhìn từ góc cạnh quản trị doanh nghiệp, có những dữ liệu nhà quản lý mong muốn nắm trong tay. Trong tuyển dụng, họ muốn biết tỷ lệ sinh viên ra trường làm đúng ngành nghề là bao nhiêu phần trăm, khác biệt trong tỷ lệ tuyển dụng giữa người tốt nghiệp từ nước ngoài và người tốt nghiệp trong nước cao hay thấp. Trong tiếp thị, họ muốn biết tỷ lệ người tiêu dùng mua hàng qua các sàn thương mại điện tử, cụ thể từng sàn, so với khách mua trực tiếp ở các cửa hàng vật lý kèm với lý do chọn lựa các kênh khác nhau.

Thiết nghĩ chúng ta cần nhanh chóng xây dựng các tổ chức chuyên khảo sát, nghiên cứu để đưa ra các dữ liệu cần thiết cho nền kinh tế và xã hội. Để khuyến khích khu vực tư nhân đi vào lĩnh vực này, có thể ưu tiên đặt hàng cho các trung tâm như thế, nhất là ở giai đoạn đầu mới thành lập.

Chúng ta đã mất hơn một tháng với chín phiên đấu thầu vàng miếng mới biết phương thức này không kéo giá vàng trong nước xuống tiệm cận với giá vàng thế giới. Nếu Ngân hàng Nhà nước có thể đặt hàng cho các trung tâm nghiên cứu để trả lời các câu hỏi như nhu cầu vàng hiện nay chừng bao nhiêu, cụ thể nhu cầu đó cho sản xuất công nghiệp, cho trang sức và cho cất giữ tài sản, mỗi thứ là bao nhiêu. Cũng có thể đặt các câu hỏi khác từ phía cung, như nguồn hàng có sẵn, nguồn hàng nhập khẩu... - với câu trả lời chính xác, kịp thời, các nhà làm chính sách có thể đưa ra các chính sách sát với thực tế hơn và hiệu quả hơn.

Cuộc sống hiện đại luôn đặt ra các câu hỏi, cần có dữ liệu để đáp ứng, từ kinh tế đến văn hóa, từ thể thao đến nhu cầu nghệ thuật... Nếu không có dữ liệu, ngay chính trí tuệ nhân tạo cũng bó tay như chính các tập đoàn công nghệ lớn từng khẳng định. Vì thế, rất cần có chính sách khuyến khích sự ra đời của các trung tâm như đã nói ở trên; chỉ cần các cú hích khởi động ban đầu, một khi chúng đáp ứng tốt nhu cầu của xã hội, chúng sẽ tự phát triển nhanh chóng.

Q.House tổng hợp – Theo KINH TẾ SÀI GÒN

Bài viết mới nhất

Zalo
Hotline
+84982663849