Trông xuống, trông lên

Trông xuống, trông lên

Thứ hai, 05/12/2022

Nhiều người trong chúng ta hẳn vẫn thường nghe câu nói: “Trông lên thì chẳng bằng ai, trông xuống thì cũng chẳng ai bằng mình”. Có người bảo tùy trường hợp mà câu này giúp con người ta them động lực phấn đấu vươn lên (khi thấy mình không bằng ai) hoặc tự an ủi chính mình (khi thấy vẫn còn nhiều người khác chưa được bằng mình)…

Nhưng dù trông lên hay trông xuống thì vẫn là… trông vào người khác và so sánh. Mỗi chúng ta vốn dĩ là những cá nhân khác biệt, càng so đo sẽ càng thấy khập khiểng. Điều quan trọng hơn, nó không giúp chúng ta sống cuộc đời thực sự của chính mình. Với tôi, câu nói này còn ẩn ý khác: sống ở đời đừng trông lên, cũng đừng nhìn xuống, bởi cả hai đều khiến ta không còn là chính mình.

Thử ngẫm mà xem, khi ta nhìn lên hay nhìn xuống thì cũng là lúc ta phán xét chính mình. Trông lên thấy người khác hơn ta, ta them khát được như họ. Trông xuống thấy người khác kém ta, ta mặc định vỗ ngực xưng tên, nhưng việc “định vị” bản thân lúc này lại dựa trên phản chiếu hình ảnh của người khác. Nói cách khác, lối sống “trông lên, nhìn xuống” là một lối sống chưa quan tâm, không coi trọng những giá trị riêng có của bản thân và của hiện tại. Cho dù cảm xúc tức thời có thể là tự hào (do hơn người) hay tự ti (vì kém người) thì vẫn là những thứ cảm xúc không thực sự hạnh phúc hay bình an. Làm sao có thể sống an nhiên khi ngày qua ngày cứ mải lấy “thước đo” và so sánh.

Thời đại hôm nay, ở trên mạng xã hội, người ta trông lên, nhìn xuống vào người khác hàng ngày, thậm chí hàng giờ. Tệ hơn, họ dấn sâu vào việc “vạch lá tìm sâu”: ngó quanh, tìm kiếm, bình phẩm chuyện của một ai đó rất xa lạ - ngoài các mối quan hệ của mình, để rồi cứ them thuồng (như khi trông thấy sự đổi đời của một ai); hoặc trở nên kênh kiệu (như khi trông thấy ai đó thất bại, sai lầm, đổ vỡ), nhưng nhiều khi đó là sự ảo tưởng về giá trị bản thân, và lối sống nhìn vào người khác lúc này bỗng trở thành sự đánh lừa, phỉnh nịnh chính mình.

Nhưng lâu đài xây trên cát sẽ sớm sụp đổ nếu ta cứ “tự biên tự diễn” cuộc sống của mình  với những gì không thuộc về mình, bởi mỗi chúng ta mãi mãi vẫn là những cá nhân khác biệt! Cứ trông lên nhìn xuống, ta sẽ mãi rong ruổi tìm kiếm những bến bờ xa lắc, đôi khi không còn cơ hội dừng lại để trông vào chính mình, để sống cuộc đời của mình. Chi bằng hãy biết trân trọng những gì mình đang có trong hiện tại.

Và có lẽ, nội hàm của câu nói này còn đề xuất them rằng, trông vào chính mình là cách chúng ta quan sát, cải thiện, hoàn thiện bản thân mà không gắn với bất kỳ định kiến nào. Sự phụ thuộc vào những phán xét “lên”, “xuống”, “cao”, “thấp”, “bằng”, “không bằng”… có thể sẽ dẫn ta đi chệch hướng.

Riêng tôi, tôi cho rằng “trông vào chính mình” là cứu cánh mà lời nói này muốn đề cập. Rằng trong bất kỳ hoàn cảnh nào ta cũng nên trông vào chính mình, bằng quan sát khách quan và cảm nghiệm riêng về hạnh phúc, mà không cần viện dẫn hình ảnh cuộc đời người khác.

Hạnh phúc có lẽ khởi phát từ cách mà ta trông vào chính mình để nhận biết những gì thuộc về miền hạnh phúc của riêng ta…

Theo Khánh Hưng (KTSG)

Bài viết mới nhất

Zalo
Hotline
+84982663849