Nỗi lo TikTok

Nỗi lo TikTok

Thứ ba, 11/04/2023

TikTok có nhiều clip video ngắn với nhiều loại nội dung từ bổ ích đến vô bổ, độc hại tùy theo người tìm xem chúng. Chữ “tùy” này dễ làm các bậc cha mẹ hiện đại lo lắng, nghĩ xa hơn lại thấy rùng mình. Bởi lẽ, họ khó có thể quản lý những gì con cái họ và bạn bè của chúng xem trên TikTok hay chia sẻ cho nhau xem.

Bạn bè tôi dạo này thường nói tới “nỗi lo” TikTok – một nền tảng cho phép đăng video ngắn dễ làm. Bạn nói ai cũng làm được và ai cũng xem được, mà mất nhiều thời gian lắm. Bạn cũng chia sẻ cảm giác rằng TikTok khi cho phổ biến những video ghi lại các hành động ngu ngốc với lượt chia sẻ cao đang vô hình trung khích lệ điều vô lý là: “Làm những điều ngu ngốc là tốt đẹp”.

Nhìn ra thế giới, TikTok đã bị cấm sử dụng ở Pakistan, Ấn Độ, Đài Loan, và những cơ quan thuộc chính phủ Mỹ và Canada… Còn ba cơ quan hàng đầu của EU đã áp đặt lệnh cấm đối với TikTok trên các thiết bị của nhân viên chính phủ. Nước Anh cũng toan tính cấm nền tảng TikTok vì lo ngại về an ninh dữ liệu và những trào lưu nguy hiểm hay nội dung không phù hợp được lan truyền trực tuyến.

Ở Việt Nam, trẻ em ở độ tuổi cấp một, có khi là tuổi mẫu giáo đã được trao cho chiếc điện thoại để chúng không làm phiền cha mẹ vào lúc nào đó. Chúng thường xem video, trong đó có video trên TikTok.

Tôi đã từng bắt gặp một đứa cháu 5 tuổi trong gia đình vào lúc hai giờ sáng khi cả nhà đã ngủ say cháu bé vẫn một mình ngồi xem các video trên TikTok. Tôi cũng từng chứng kiến cảnh nửa đêm một cô bé lén cha mẹ ra ban công nhà mình, cột áo lên tới ngực khoe bụng rồi uốn éo trước máy quay để dựng clip đăng lên TikTok.

Trong những câu chuyện đời thường chúng ta vẫn nghe ca thán về việc hai vợ chồng nằm cạnh nhau mỗi người một chiếc điện thoại lướt TikTok tới khuya. Con gái tôi sử dụng Zalo của tôi để tiện liên lạc với cô giáo và bạn bè trong lớp. Nhiều hôm đã rất khuya bạn bè của con vẫn gửi những clip hot trend trên TikTok. Đó có thể là TikTok dance hoặc clip hài nhảm nhí vô thưởng vô phạt.

Trên mạng có rất nhiều bài viết, clip vẫn giật tít: “Xem TikTok ít thôi” hoặc “Khi đứa em xem TikTok quá 8 giờ/ngày”… Điều này cho thấy tình trạng nghiện TikTok khá phổ biến. TikTok sẽ đề xuất các video phù hợp với sự quan tâm của người dùng (theo cách người dùng chọn xem, số lượt xem) và luôn cập nhật nội dung mới tương tự. Người xem TikTok cứ click vào xem rồi thành “nghiện” lúc nào cũng không biết.

Theo National Institute on Drug Abuse, “nghiện” được định nghĩa là bệnh lý mạn tính, tái phát của não bộ, thể hiện bằng sự cưỡng bách tìm kiếm và sử dụng, bất chấp những hậu quả có hại”.

Cũng giống như TikTok, Facebook Reels là công cụ cho phép người dùng quay và đăng các clip ngắn trên Facebook có độ dài đến 60 giây. Không thể phủ nhận một số lợi ích mà TikTok hay Facebook đem lại như quảng bá sản phẩm, kết nối, học hỏi kiến thức nhưng những tác hại mà chúng gây ra thì có lẽ chúng ta không thể bỏ qua.

Đó là sự hình thành nhân cách của giới trẻ, sự lãng phí thời gian, ảnh hưởng tâm sinh lý và rất nhiều vấn đề về sức khỏe của người dùng. Sự mơ hồ giữa việc nhận thức về hành vi nghiện và hành vi bình thường của người dùng mới thật sự là điều khiến chúng ta lo lắng.

Bởi vì khi rất nhiều bạn bè, người thân hay toàn xã hội chấp nhận xu hướng giải trí bởi những clip ngắn vô bổ trên các nền tảng xã hội thì khi đó nghiện lại được cho là hành vi bình thường.

Và trong vô số cái bẫy của thuật toán TikTok hay Facebook đang bày ra, bạn nói phải biết “sợ” những Reels, những TikTok để cẩn trọng chọn lọc thứ muốn xem, để chọn cách ứng xử sáng suốt khi con trẻ có nguy cơ trở thành “con nghiện”.

Theo Hoàng Hiền – Kinh Tế Sài Gòn

Bài viết mới nhất

Zalo
Hotline
+84982663849