Mỹ với chính sách "Bidenomics"

Mỹ với chính sách "Bidenomics"

Thứ ba, 25/07/2023

Nếu như cách đây 40 năm, Tổng thống Mỹ Ronald Reagan chủ trương hạn chế sự can thiệp của chính phủ vào hoạt động kinh tế, mọi chuyện để thị trường lo liệu, tự giải quyết, thì nay nước Mỹ đang bỏ ra những khoản tiền khổng lồ để trợ cấp phục hồi sản xuất nội địa. Liệu chính sách này, thường được gọi là “Bidenomics có thành công và bền vững?

Thăng trầm chính sách cho ngành chế tạo ở Mỹ

Tờ Financial Times đã dùng hình ảnh một công xưởng ở Buffalo để minh họa cho các chuyển biến trong chính sách kinh tế Mỹ. Hãng General Motors xây khu nhà xưởng này vào năm 1923, biến nơi này thành một nhà máy sản xuất linh kiện ô tô nhộn nhịp kéo dài vài chục năm. Sau đó chủ mới là American Axle & Manufacturing đi theo hướng toàn cầu hóa, chuyển dần hoạt động sản xuất ra nước ngoài để tận dụng giá nhân công rẻ. Nhà máy thu nhỏ hoạt động và cuối cùng đóng cửa bỏ hoang từ năm 2008. Một nơi từng tuyển dụng hàng ngàn công nhân, tạo ra một cộng đồng thịnh vượng, bỗng chốc hoang vắng, trở thành biểu tượng mặt trái của toàn cầu hóa, nhất là đối với công nhân Mỹ.

Nay cũng địa điểm đó, sự hồi sinh có dấu hiệu quay trở lại. Tại một kho hàng, công nhân của Viridi Parente, một hãng công nghệ sạch đang đóng gói các viên pin lithium-ion vào thùng kim loại để làm các thùng pin kích cỡ bằng chiếc tủ lạnh cỡ trung. Chúng sẽ được dùng trong các tòa nhà văn phòng, bệnh viện hay các nơi khác để cung cấp năng lượng lưu trữ thiết yếu để duy trì hoạt động liên tục. Eric Stein, Giám đốc tài chính Viridi, cho biết công ty nhắm mục tiêu đến năm 2027 sản xuất sản lượng pin tương đương 4 gigawatt giờ, cao hơn toàn bộ khả năng lưu trữ pin của nước Anh hiện thời. Hiện nay pin lithium- ion đóng gói được nhập từ châu Á, nhưng tương lai sẽ dùng pin do hãng LG Energy Hàn Quốc sản xuất tại nhà máy mới ở tiểu bang Arizona.

Đây chính là loại dự án Chính phủ Mỹ mong muốn thấy xuất hiện khắp nước Mỹ, đặc biệt ở các khu vực công nghiệp từng sôi động nhưng bị hoang phế trong quá trình toàn cầu hóa trong những thập kỷ qua. Chính sách này được hỗ trợ bởi hai đạo luật thông qua vào tháng 8 năm ngoái: Đạo luật giảm lạm phát và Đạo luật chip và khoa học. Ngoài ra còn có Đạo luật đầu tư hạ tầng và việc làm thông qua hồi cuối năm 2021. Tổng cộng ba đạo luật cung cấp hàng trăm tỉ đô la Mỹ tiền trợ giá, trợ cấp và vay ưu đãi để thúc đẩy các dự án đầu tư mới trong lĩnh vực mạng băng thông rộng, chất bán dẫn, xe điện và pin.

Các đạo luật này thể hiện chính sách kinh tế của chính phủ Joe Biden, nên thường được gọi là “Bidenomics”, tức nhà nước phải can thiệp để thúc đẩy phát triển kinh tế chứ không phó mặc cho bàn tay thị trường. Phó mặc cho thị trường như thời Reagan đã dẫn tới làn sóng chuyển cơ sở sản xuất sang nước khác, chủ yếu là Trung Quốc. Nay mục tiêu của ông Biden là tạo ra hàng triệu công việc ngay bên trong nước Mỹ cho người Mỹ. Thời Bill Clinton làm tổng thống, nước Mỹ cũng thúc đẩy tự do hóa thương mại như ký hiệp định NAFTA rồi đồng ý cho Trung Quốc gia nhập WTO. Nay chính quyền Biden không còn đặt ưu tiên vào tự do hóa thương mại như trước nữa. Ưu tiên hiện nay là đảo ngược quá trình chuyển sản xuất sang Trung Quốc đồng thời làm suy yếu tính cạnh tranh của Trung Quốc trong năng lượng sạch và công nghệ bậc cao.

Có thể xác định cột mốc làm thay đổi quan điểm của Mỹ về con đường phát triển kinh tế là từ cuộc khủng hoảng tài chính 2008-2009. Sự suy sụp của giai cấp trung lưu Mỹ, sự phục hồi chậm chạp của nền kinh tế, hàng loạt thành phố công nghiệp bị bỏ hoang khi doanh nghiệp dọn đi đã dẫn tới chiến thắng của Donald Trump trong cuộc bầu cử tổng thống Mỹ vào năm 2016.

Các chính sách kinh tế ngay sau khi Trump nhậm chức là cắt giảm thuế cho doanh nghiệp Mỹ, đồng thời yêu cầu đàm phán lại hiệp định NAFTA, rút ra khỏi hiệp định TPP, khơi mào cuộc chiến trừng phạt Trung Quốc bằng thuế, tức toàn là những điều ngược với quan điểm lâu nay của đảng Cộng hòa. Đến lượt ông Biden bước vào Nhà Trắng năm 2021, lúc này đại dịch Covid-19 bộc lộ điểm yếu cốt tử của kinh tế Mỹ khi phụ thuộc quá nhiều vào các chuỗi cung ứng không nằm trong sự kiểm soát của họ. Chính những điểm này đã dẫn tới các đạo luật mới, xoay chuyển hướng phát triển của kinh tế Mỹ trong nhiều năm tới.

Từ ước muốn đến hiện thực

Ở đây, tờ Financial Times đặt vấn đề liệu chính sách kinh tế mới của Mỹ có quá tham vọng nên khó khả thi? Mục tiêu của chính quyền Biden là đa dạng: hồi sinh các khu vực công nghiệp truyền thống của Mỹ, định hướng lại các chuỗi cung ứng toàn cầu, “xanh hóa” nền kinh tế Mỹ và giảm chi phí sử dụng năng lượng. Nhiều nhà phê bình cho rằng chi tiêu quy mô lớn của chính phủ cho các chương trình trợ cấp sẽ làm trầm trọng hơn tình trạng lạm phát và gánh nặng nợ công của nước này. Sự thiếu hụt lao động là một trở ngại lớn; các nhà thầu than thị trường lao động căng thẳng làm nhiều dự án ngưng trệ, tăng chi phí.

Dù sao trên thực tế, so với Trung Quốc, năng lực sản xuất chế tạo cho ngành công nghệ xanh của nước Mỹ vẫn còn nhỏ, nhất là trong cung cấp khoáng chất thiết yếu và linh kiện cần thiết cho việc chuyển đổi sang năng lượng xanh. Chẳng hạn trong ngành năng lượng mặt trời, các nỗ lực của Mỹ nhằm hạn chế sự hiện diện của Trung Quốc trong chuỗi cung ứng hóa ra càng gây khó khăn. Năm ngoái khi Bộ Thương mại Mỹ bắt tay điều tra việc các nhà cung ứng liên quan đến Trung Quốc tránh thuế, dẫn tới việc sút giảm trong lắp đặt các dự án năng lượng mặt trời, Nhà Trắng chịu áp lực từ doanh nghiệp Mỹ phải ngưng cuộc điều tra. Trung Quốc cũng đang chiếm lĩnh vị trí quan trọng trong cung ứng linh kiện cho xe điện nên nhiều người lo ngại, cắt hắn mối quan hệ với các doanh nghiệp Trung Quốc trong lĩnh vực này sẽ làm chậm nỗ lực giảm khí thải của Mỹ.

GE, một trong những hãng lớn từng chuyển sản xuất ra nước ngoài, nay đang tận dụng các ưu đãi thuế của Đạo luật giảm lạm phát để xây các nhà máy mới ở Mỹ. Giới quản lý GE cho biết lương công nhân theo giờ ở Mỹ cao hơn ở nơi khác nhưng ưu đãi thuế bù đắp được sự chênh lệch này. Nếu không có ưu đãi thuế, họ nói, sức hút đầu tư ở châu Á là khó cưỡng lại được.

Hiện nay, các công ty từ châu Á cũng đang đầu tư lớn vào Mỹ để hưởng chính sách ưu đãi như các tập đoàn Hàn Quốc lón (Samsung, Hyundai, LG, SK) cam kết hàng chục tỉ đô la xây nhà máy sản xuất pin.

Chính sách kinh tế là thế, nhưng trên thực tế mọi chuyện đang diễn ra rất chậm, với đặc điểm quan trọng của ngành chế tạo là ít tạo ra công ăn việc làm so với các ngành khác. Chẳng hạn, nhà máy đóng gói pin Viridi ở Buffalo, mặc dù là biểu tượng phục hồi ở một khu vực từng bị bỏ hoang, nhưng số lượng công nhân nhà máy tuyển dụng chỉ có 140 người, một phần rất nhỏ so với hàng ngàn người từng làm ở đây cách đây 15 năm. Nhà máy trị giá 50 triệu đô la của GE sản xuất bộ truyền động cho các turbine gió sẽ tuyển 160 công nhân. Xu hướng tự động hóa với robot cũng đang diễn ra nên khía cạnh tạo việc làm lại càng khó trong khi việc làm là một yếu tố thu hút cử tri trong các cuộc tranh cử ở Mỹ.

Theo Nguyễn Vũ - Báo Kinh tế Sài Gòn

Bài viết mới nhất

Zalo
Hotline
+84982663849