Hàng loạt cuộc biểu tình phản đối du khách đã nổ ra ở nhiều nước châu Âu như Hà Lan, Hy Lạp và đặc biệt là ở Tây Ban Nha. Đầu tháng 7, người biểu tình tuần hành qua các khu đông du khách ở thành phố Barcelona, hô vang khẩu hiệu “hãy về nhà đi”, rồi dùng súng nước xịt vào những du khách khiến họ hoàn toàn bị bất ngờ. Hàng ngàn người khác cũng tuần hành phản đối ở đảo Mallorca, Tây Ban Nha, vì cho rằng mô hình du lịch của hòn đảo “làm nghèo công nhân và chỉ làm giàu một số ít người”.
Lý do đầu tiên người dân châu Âu phản đối du lịch là bởi họ cho rằng ngành này, với các dịch vụ đi kèm như cho thuê nhà ngắn hạn, đã đẩy giá thuê nhà, giá mua nhà lên cao, vượt khỏi tầm tay của nhiều người dân bản xứ. Một ví dụ điển hình là thầy giáo Carlos Ramirez sống ở Barcelona, Đông Bắc Tây Ban Nha, từng dành dụm nhiều năm để mua nhà với đồng lương tương đối tốt. Thế nhưng giá nhà cứ tăng mãi, tiền để dành cứ teo tóp, không đủ mua. Theo thị trưởng thành phố, tiền thuê nhà cũng tăng chừng 68% trong 10 năm qua, một mức tăng cũng thường thấy ở nhiều thành phố châu Âu khác.
Mục tiêu của những người tổ chức các cuộc biểu tình là nhằm giảm bớt lượng du khách và họ đã bước đầu thành công. Antje Martins, một chuyên gia du lịch bền vững thuộc trường Đại học Queensland, cho rằng tác động tâm lý của các cuộc biểu tình như thế lên du khách là lớn. Sau khi nhiều công ty đưa ra các cảnh báo và những video về chuyện du khách bị bắn súng nước lan tràn, du khách sẽ ngần ngại khi đến những nơi bất ổn như Barcelona.
Tuy nhiên bà Martins cho rằng các cuộc biểu tình không phải là sự xung đột giữa người dân và du khách. “Với tôi, nó phản ánh một vấn đề lớn hơn - đó là du lịch không được quản lý bền vững” - bà nói. Người dân không vui vì họ không nhận được lợi ích gì từ ngành du lịch trong khi phải chịu các tác động tiêu cực làm xáo trộn cuộc sống của họ. Thầy giáo Ramirez đồng tình với nhận định này khi khẳng định họ không trách cứ gì các du khách; họ chỉ muốn gây sức ép với chính quyền địa phương để thay đổi chính sách.
Một số thành phố châu Âu đã áp dụng các biện pháp để hạn chế bớt du khách. Venice thử nghiệm phụ thu 5 euro mỗi du khách từ 25-4 đến 14-7 và đã thu về trên 2,4 triệu euro, cao hơn mức họ dự tính. Phía thành phố cho rằng biện pháp phụ thu thành công nhưng người dân thì có ý kiến khác nhau. Có người nhận xét trong khoảng thời gian có phụ thu, số lượng du khách dường như có giảm xuống; đường phố vẫn bận rộn nhưng các đám đông dường như nhỏ lại. Cũng có người phản đối chuyện phụ thu vì cho rằng nó củng cố ý tưởng về việc Venice là một khu giải trí kiểu Disneyland, du khách cứ việc bỏ tiền mua vé và vào làm gì cũng được.
Ngành du lịch đã làm hệ thống y tế Venice bị tê liệt, các cửa hàng bán cho người dân đóng cửa, chuyển sang bán đồ lưu niệm cho du khách và giá nhà tăng nhanh hơn các nơi khác. Nhiều thành phố khác đang tính chuyện phụ thu như Venice, thậm chí với mức thu cao hơn. Thị trưởng Barcelona Jaume Collboni gần đây tuyên bố muốn tăng lệ phí đối với du khách đến bằng tàu du lịch. Hiện nay mức thu du khách đến thăm Barcelona là 6,25 euro, năm ngoái đem về cho ngân sách thành phố chừng 100 triệu euro. Ông còn muốn rút giấy phép cho thuê nhà ngắn hạn với 10.000 căn hộ đang hoạt động dạng Airbnb. Mỗi năm Barcelona đón hơn 12 triệu du khách, tạo ra một sức ép nặng nề lên hệ thống cấp nước, nước thải và nhiều vấn đề môi trường khác.
Một lý do khác khiến dân châu Âu ngán ngẩm du khách là do thái độ không đúng mực của nhiều người. Ở thành phố Florence, Ý, một phụ nữ trẻ tạo dáng quay phim vừa hôn vừa vuốt ve bức tượng Bacchus, thần rượu và nhục dục như kiểu giả vờ đang làm tình. Năm 2023, một du khách khác đã phá hỏng một bức tượng tại đài phun nước Neptune của thành phố này. Chuyện du khách quấy phá, làm hỏng các di tích lịch sử từng xảy ra ở nhiều nơi khắp châu Âu.
Từ đó mới nảy sinh một chuyện lạ: thay vì làm các chiến dịch quảng bá du lịch, một số thành phố lại tung ra chiến dịch xua bớt du khách. Như năm 2023, Amsterdam làm chiến dịch “Tránh xa”, nhắm tới các khách du lịch nam từ 18-35 tuổi, cảnh báo họ về hậu quả của các hành vi quấy phá. Mặc dù chiến dịch có thể không ngăn các buổi tiệc độc thân cho các chàng trai sắp lấy vợ nhưng nó gửi đi một thông điệp rất rõ ràng rằng thành phố đã thay đổi chính sách. Amsterdam cũng tăng mức thu đánh lên phòng khách sạn lên mức 12,5% giá phòng; cấm xây thêm khách sạn mới.
Tuy nhiên nỗ lực thu hút du khách văn minh, lịch sự, giàu có hơn cũng có mặt trái. Nó kích thích giá tăng, như ở Mallorca, sau khi cấm các hoạt động liên quan đến du khách nhậu nhẹt say sưa thì giá cả tăng chóng mặt và tiền cũng không chảy về túi của các cộng đồng địa phương. Cứ tưởng tượng năm ngoái trong 32,7 triệu du khách đến viếng Hy Lạp, có đến 3,4 triệu người ghé thăm hòn đảo Santorini chỉ có 15.500 dân. Chẳng lạ gì cư dân địa phương phải treo các tấm bảng “Hãy tôn trọng… Quý vị đi nghỉ mát… Nhưng đây là nhà của chúng tôi…”.
Theo Nguyễn Vũ – Báo Kinh tế Sài Gòn