Trong bối cảnh cuộc đua trí tuệ nhân tạo (AI) tại Trung Quốc đang “nóng lên”, các vụ tranh chấp liên quan đến AI cũng được đưa ra ngày càng nhiều tại các tòa án nước này.
Ngày 28-10-2024, Tòa án tỉnh Giang Tô, Trung Quốc đã đưa ra quyết định liên quan đến quyền tác giả đối với tác phẩm do AI tạo sinh sáng tạo ra. Đây là quyết định thứ hai ở Trung Quốc, sau quyết định ngày 27-11 năm ngoái của Tòa án Bắc Kinh, công nhận hình ảnh do AI tạo ra là “tác phẩm nghệ thuật” được bảo vệ theo Luật Bản quyền của Trung Quốc, trên cơ sở có tồn tại “đầu tư trí tuệ” của nhà sáng tạo con người trong việc lựa chọn prompt (yêu cầu), thiết lập các thông số, thiết kế cách trình bày... khi sử dụng phần mềm AI Stable Diffusion.
Chủ đề tranh chấp trước Tòa án Giang Tô là một hình ảnh mang tên “Từ trái tim đến trái tim” do ông Lin Chen - một nhà thiết kế - tạo ra nhờ vào việc sử dụng phần mềm Midjourney và Photoshop. Để tạo ra hình ảnh những quả bóng tạo hình trái tim trên sông Hoàng Phố ở Thượng Hải, ông Lin đã sử dụng một số từ khóa miêu tả cảnh, sau đó là các từ khóa liên quan đến kích cỡ, số lượng, hình dáng và vị trí của các quả bóng hình trái tim. Sau đó hình ảnh được ông chỉnh sửa lại bằng phần mềm Photoshop, chủ yếu là để tạo ra hình ảnh một quả bóng màu đỏ kết hợp với hình ảnh phản chiếu trong nước tạo thành một trái tim. Vào tháng 4-2023, ông Lin đã đăng ký bảo hộ bản quyền hình ảnh này như một “tác phẩm nghệ thuật thị giác” và được cấp chứng nhận bảo hộ quyền tác giả.
Gaosi, một công ty đăng ký ở Trung Quốc, đã thực hiện một chương trình nghệ thuật sắp đặt để quảng cáo cho Công ty Qin Hong có chứa những hình ảnh tương tự tác phẩm “Từ trái tim đến trái tim” của ông Lin. Ông này, vì thế đã kiện hai công ty nói trên ra tòa vì cho rằng hai công ty này đã vi phạm quyền tác giả của ông, khi sử dụng hình ảnh tác phẩm “Từ trái tim đến trái tim” mà không có sự cho phép của tác giả.
Tòa án Giang Tô kết luận rằng tác phẩm hình ảnh của ông Lin là một tác phẩm có tính sáng tạo mà ông là tác giả, cho dù ông có dùng phần mềm AI và Photoshop để tạo ra. Theo tòa án, tính sáng tạo trong tác phẩm này tương đối thấp. Tuy nhiên, luật pháp Trung Quốc không cấm bảo hộ tác phẩm do AI tạo ra, miễn là tác phẩm có tính sáng tạo.
Trong trường hợp “Từ trái tim đến trái tim”, đây là một tác phẩm thị giác mà quyền tác giả đối với tác phẩm này giới hạn ở hình ảnh quả bóng hình trái tim chứ không ở cấu trúc sắp đặt ba chiều hay ở bối cảnh là hình ảnh cây cầu trên sông Hoàng Phố. Công ty Gaosi và Qin Hong đã sử dụng hình ảnh trái tim của ông Lin mà không có sự cho phép của tác giả, cũng như không trích dẫn tên ông, vì thế đã vi phạm quyền tài sản cũng như quyền nhân thân của ông Lin. Vì thế hai công ty này cần bồi thường thiệt hại cho ông Lin với số tiền là 1.000 nhân dân tệ.
Quyết định của Tòa án Giang Tô càng cho thấy rõ khuynh hướng của Trung Quốc bảo hộ tác phẩm do AI tạo sinh tạo ra. Cũng xin bổ sung rằng, nếu như hiện nay Mỹ và châu Âu vẫn từ chối bảo hộ tác phẩm do AI tạo ra, thì có Cục bản quyền Hàn Quốc cũng đang theo chiều hướng công nhận tác giả AI, nếu có sự kết hợp giữa tác giả AI và tác giả con người.
Theo Lê Thiên Hương - Báo Kinh tế Sài Gòn