Quảng Bình: Sông Gianh biến dạng, làng quê mất dạng

Quảng Bình: Sông Gianh biến dạng, làng quê mất dạng

Admin - 09/08/2024 08:12 AM

    Dọc sông Gianh, từ huyện Quảng Trạch lên huyện Tuyên Hóa, 2 bên sông có nhiều rặng núi đá vôi hùng vĩ, đã trở thành điểm nhấn cảnh quan của con sông này bao đời nay.

    Tuyên Hóa đang muốn giữ lại nhiều rặng núi đá vôi cho đời sau như cảnh quan đẹp.
    Tuyên Hóa đang muốn giữ lại nhiều rặng núi đá vôi cho đời sau như cảnh quan đẹp.

    Tuy nhiên, những cái tên như núi Lèn Bảng, Lèn Trổ, Lèn Na… đang bị xóa sổ để nhường cho những công trường khai thác mỏ đá xây dựng. Hàng triệu năm hình thành cảnh quan sông Gianh đã bị biến dạng vĩnh viễn.

    Mỏ đá xâm chiếm làng quê

    Các xã Tiến Hóa, Châu Hóa, Văn Hóa, Thạch Hóa (thuộc huyện Tuyên Hóa) dọc Quốc lộ 12A ngày nay dày đặc mỏ đá, khiến nhiều kiệt tác núi non gắn với tên làng, tên xã dần biến mất vĩnh viễn. Ông Nguyễn Văn Hòa, xã Tiến Hóa cho biết: “Ngọn Lèn Bảng được ghi trong sử sách hàng trăm năm, dân vùng biển Quảng Trạch ngày xưa đi đánh bắt cá, không có điện đài lấy ngọn Lèn Bảng làm chuẩn để vào bờ.

    Dân Tiến Hóa xem đó là kiệt tác ông cha để lại, đi vào thơ ca dân gian như ngọn núi tuyệt phẩm bên sông Gianh. Nhưng ngày nay ngọn Lèn Bảng đã biến mất phần lớn, khai thác đá nham nhở nên kiệt tác lớn của làng quê đã vĩnh viễn không thể còn lại như xưa”.

    Cạnh đó là các mỏ đá của xã Châu Hóa, Thạch Hóa hoạt động rầm rộ cả ngày lẫn đêm. Các ngọn núi của những làng quê Châu Hóa, Thạch Hóa dần biến mất vẻ đẹp nguyên sơ. Đổi lại là màu bụi đá bạc thếch nhuốm trắng các con đường ra vào mỏ đá. Nhìn những ngọn núi hùng vĩ dọc sông Gianh dần biến mất theo năm tháng, ông Trương Văn Tường (xã Châu Hóa) nói: “Sau này có nhiều tiền cũng không làm lại được Lèn Bảng, hay những ngọn núi bị phá đi lấy đá bán. Chúng biến mất vĩnh viễn, sẽ không thể có cách nào phục dựng”.

    Song-Gianh-7.jpg
    Cảnh quan dọc sông Gianh ở Tuyên Hóa đẹp như tranh vẽ trước khi bị khai thác.

    Bên trong diện tích lớn của xã Văn Hóa bên kia sông Gianh là hệ thống núi đá hùng vĩ nhất nhì huyện Tuyên Hóa. Nhưng 10 năm qua, khi nhà máy xi măng Văn Hóa được mọc lên, các mỏ đá trong vùng được cấp khai thác để làm nguyên liệu, những ngọn lèn kiệt tác sâu trong rừng đang bị xả ra làm vật liệu xi măng.

    Ông Lương Văn Bích nói: “Mọi thứ dọc sông Gianh hiện không còn như xưa. Mỏ đá cấp ngày mỗi nhiều khiến các ngọn lèn ngày càng ít đi. Và chúng biến mất dần, sau này các thế hệ sau sẽ bị xóa nhòa bởi mất mát này không thể có cách phục dựng lại những ngọn núi tự nhiên này”. Còn với xã Tiến Hóa có tốc độ khai thác các mỏ đá nhanh nhất, những ngọn núi biến mất từng năm, ông Hoàng Trọng Tài khi được hỏi sau này có tiền có phục hồi được các ngọn núi ấy đã xót xa: “Chỉ còn cách xây hòn non bộ”.

    Dân kêu trời vì ô nhiễm khai thác đá

    Xã Tiến Hóa, Châu Hóa, huyện Tuyên Hóa trước đây khi khai thác đá không rầm rộ, các thôn có cuộc sống yên bình, tuy nhiên những mảnh làng nơi đây đang ngày đêm chịu cảnh ô nhiễm bụi đá sau nổ mìn, xe chở đá từ các mỏ đá đi tiêu thụ. Bà Nguyễn Thị Loan (xã Mai Hóa), cho biết: “Quốc lộ 12A đoạn từ xã Cảnh Hóa đi lên Tiến Hóa, Mai Hóa bị xe tải chở đá siêu trường siêu trọng làm nứt toác đường bê tông, dù đã nhiều lần sửa chữa, nhưng sau vài tháng lại bị nứt bởi nạn khai thác đá quá mức, xe chạy ngày đêm không đường nào chịu thấu”.

    Song-Gianh-4.jpg
    Lèn Bảng ngày xưa đồ sộ nay chỉ là mỏ đá.

    Còn ông Trần Văn Hòa, buôn bán ở chợ Cuồi, xã Tiến Hóa cho biết: “Các mỏ đá quá gần trường học khiến mùa gió Nam, nắng nóng bụi đá thổi bay vào trường, vào làng xóm, vào chợ khiến cho dân chúng, học sinh bị ảnh hưởng rất nặng nề. Nếu không có biện pháp bảo vệ người dân trong khu vực gần mỏ đá, sức khỏe sẽ bị tổn thương nghiêm trọng”.

    Không những thế, những mỏ đá còn làm cho năng suất ruộng lúa của người dân giảm đi nhiều do nổ mìn làm đá rơi tứ tung. Chị Thái Thị Hường, trú tại Đạm Thủy, xã Thạch Hóa sống chủ yếu dựa vào hơn 4 sào ruộng. Với chừng đó diện tích đất nông nghiệp, trước đây gia đình chị kiếm đủ bữa ăn quanh năm nhờ trồng lúa 2 vụ.

    Thế nhưng, kể từ khi mỏ đá ở lèn Cây Trỗ, xã Thạch Hóa hoạt động năng suất lúa sụt hẳn. “Do bụi đá mù mịt, lúa sinh trưởng không tốt, đá rơi khắp ruộng, khi thuê máy cày bị hét giá đắt hơn do chạm đá hỏng lưỡi hái máy cày” - chị Hường cho hay.

    Sống kẹp trong vùng 4 mỏ đá như vậy, ông Cao Văn Đoàn than trời: “Sống trong vùng công nghiệp khai thác đá và sản xuất xi măng, người dân ngoài việc có thêm công ăn việc làm, kinh doanh buôn bán... nhưng đổi lại phải sống chung với cảnh ô nhiễm. Việc ô nhiễm này tốn kinh tế hơn nhiều lần cảnh có việc làm, bởi trẻ con sinh ra lớn lên đi khám đều bị khó thở, liên quan đến phổi do bụi đá xâm lấn làng xóm”.

    Tại xã Tiến Hóa có tới 4 mỏ khai thác đá cực lớn, các mỏ đá này đều nằm sát với ruộng của dân. Ông Hoàng Trọng Tài, Chủ tịch UBND xã cho biết: “Ruộng gần các mỏ đá ấy hiện bỏ hoang vì ảnh hưởng và dân đã nhận đền bù, nếu có khiếu nại chúng tôi sẽ phản ánh đến với các đơn vị này. Tuy nhiên, để khai thác triệt để các mỏ đá này, trong tương lai các đơn vị này phải đền bù thêm hàng chục ha lúa tại 3 thôn vùng Bàu, đây là vùng lúa năng suất cao”.

    Theo UBND huyện Tuyên Hóa, trên địa bàn quy hoạch 18 khu vực mỏ đá vôi làm vật liệu xây dựng. Đã có 17 giấy phép cấp mỏ hoạt động, tổng trữ lượng đạt 26,57 triệu tấn, mỗi năm khai thác 1,36 triệu m3. Các khai trường mỏ này tập trung chủ yếu các xã Tiến Hóa, Văn Hóa, Châu Hóa, Thạch Hóa.

    Qua đối chiếu số liệu, theo Sở Tài nguyên - Môi trường tỉnh Quảng Bình, mỏ đá Lèn Bảng (xã Tiến Hóa) được Bộ Tài nguyên - Môi trường cấp cho Công ty Cosevco1 với diện tích 24ha, trữ lượng 24 triệu tấn, chiếm hơn 2/3 tổng trữ lượng toàn huyện Tuyên Hóa. Mỏ đá này chỉ để phục vụ cho nhà máy sản xuất xi măng cách đó chừng 1km.

    Từ ngày mỏ đá hoạt động vào năm 2006 đến nay, đồng nghĩa ngọn Lèn Bảng dần dần bị băm nát, bị nổ mìn, bị cắt đi rất lớn lượng đất đá cho sản xuất xi măng. Ông Hoàng Minh Đề, nguyên Bí thư, Chủ tịch UBND huyện Tuyên Hóa cho hay: “Để bảo tồn các di sản thẳng cánh núi non dọc sông Gianh trên địa bàn, thời tôi làm lãnh đạo đã cấm các xã cho quy hoạch mỏ đá. Việc này trở thành nghị quyết của Ban thường vụ Huyện ủy, nên cũng kiềm tỏa được cấp xã đề xuất các mỏ đá”.

    Ông Đinh Tiến Dũng, Phó Chủ tịch UBND huyện Tuyên Hóa đề xuất cách để bảo tồn các thắng cảnh dọc sông Gianh: “Cần nghiên cứu, ứng dụng các vật liệu xây dựng thay thế nhằm hạn chế khai thác khoáng sản. Tăng cường công tác quản lý nhà nước về hoạt động khoáng sản; công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý nghiêm các hoạt động khai thác khoáng sản trái phép nhằm chống thất thoát nguồn tài nguyên, bảo vệ môi trường”.

    Theo Minh Phong – Báo Sài Gòn Giải Phóng – Đầu tư tài chính

    Zalo
    Hotline