Lộ trình trưởng thành giúp startup tránh "sa cơ, lỡ vận"

Lộ trình trưởng thành giúp startup tránh "sa cơ, lỡ vận"

Admin - 12/05/2025 01:23 PM

    Mới đây, các hiệp hội vốn mạo hiểm ASEAN đã đưa ra “bản đồ trưởng thành” - tiêu chuẩn quản trị chung dành cho các startup Đông Nam Á. Nhưng liệu startup ASEAN có thể tránh được “gót chân Achilles” và vươn mình phát triển trong bối cảnh dòng vốn mạo hiểm, vốn tư nhân ngày càng hiếm hoi…

    Các sai lầm quản trị nghiêm trọng, gian lận tài chính đã khiến một số startup đầy tiềm năng ở Việt Nam và nhiều nước Đông Nam Á khác không thể tiếp tục gọi vốn, tạm ngưng hoạt động hay đóng cửa.

    Startup về thiết kế kiến trúc Timwork của Hàn Quốc trong chuyến thăm và tìm cơ hội tại Việt Nam vào tháng 11-2023. Ảnh: Innolab Asia

    Chuyện buồn xứ mình

    Tháng 7-2024, Skola - một startup Việt Nam về công nghệ giáo dục và AI - đã vướng nhiều lùm xùm vì tranh chấp nội bộ, quản lý tài chính và minh bạch pháp lý giữa nhà sáng lập Kevin Tùng Nguyễn và vợ. Nhà sáng lập cũng tạm đóng cửa startup khác JobHopin - nền tảng tuyển dụng ứng dụng AI để kết nối hiệu quả nhà tuyển dụng và ứng viên(1). Đến đầu tháng 4 vừa qua, tương lai của Skola và JobHopin vẫn còn bỏ ngỏ và phụ thuộc vào giải quyết dứt khoát các vấn đề trên.

    Trước đó, tháng 6-2024, Cục Thi hành án Dân sự TPHCM đã tuyên Arevo - công ty xe đạp in 3D bằng sợi carbon - phải trả cho đối tác gia công là Công ty cổ phần Kỹ nghệ lạnh Á châu (Arico) khoản nợ chậm thanh toán 7,6 tỉ đồng. Khoản tiền này gồm 6,2 tỉ đồng nợ gốc từ các hợp đồng gia công, cùng các khoản tiền phạt vi phạm, tiền lãi chậm thanh toán, phí trọng tài và phí luật sư. Nhưng cho đến nay, Avero vẫn chưa trả(2).

    Nhà sáng lập lúc này chỉ nói “Arevo đã phá sản và không thể đại diện để trả lời” cho công ty vì đã không còn điều hành.

    Trước đó, người tiêu dùng đã bày tỏ sự thất vọng, khi đã quá giao hẹn mà không nhận được xe. Họ là những người từng ủng hộ nhiệt thành cho thương hiệu Arevo, đồng ý trả trước ít nhất 2.800 đô la cho mỗi chiếc xe sản xuất bằng công nghệ tiên tiến “made by Vietnam”.

    Chuyện người ta

    Singapore, Indonesia và Việt Nam thường được xem là ba đỉnh của tam giác vàng khởi nghiệp ở Đông Nam Á.

    Trong một môi trường pháp lý minh bạch và hỗ trợ cho startup thuộc loại hàng đầu thế giới ở Singapore cũng vẫn có những con sâu. Từng mấp mé mức định giá gần 1 tỉ đô la của “kỳ lân”, nền tảng thời trang trực tuyến Zilingo đã sớm sụp đổ đầu năm 2023 do bất thường tài chính. Các cuộc điều tra cho thấy có sự khác biệt lớn giữa doanh thu được báo cáo và thực tế, dẫn đến CEO bị đình chỉ và phá sản.

    Indonesia - đỉnh thứ hai của tam giác vàng khởi nghiệp Đông Nam Á - cũng có những câu chuyện động trời tương tự. Đầu tháng 2-2025, startup công nghệ nuôi trồng thủy sản eFishery được định giá 1,4 tỉ đô la cũng bị cáo buộc gian lận tài chính, làm giả đến 75% giấy tờ. Các phát hiện sơ bộ đã chỉ ra rằng, trong khoảng thời gian chín tháng đầu năm 2023, những nhà sáng lập và giám đốc điều hành cấp cao của eFishery đã thổi phồng doanh thu từ 157 triệu đô la lên 752 triệu đô la, gấp gần 5 lần. Họ cũng ngụy tạo số liệu là eFishery đang có lợi nhuận dù rằng đang lỗ lớn.

    Khách tham quan các gian hàng của các startup Việt tham gia Demo Day (ngày giới thiệu mô hình kinh doanh và sản phẩm) tại sự kiện “Tăng tốc hướng tới tương lai không rác thải” diễn ra hôm 4-4 tại TPHCM. Sự kiện do hai nền tảng hỗ trợ startup là BambuUP và Schoollab Asia tổ chức. Ảnh: Liên Lê

    KoinP2P và Investree - hai nền tảng cho vay ngang hàng (P2P) “sáng giá” tại xứ vạn đảo - cũng vướng phải các vấn đề gian lận và quản lý yếu kém.

    Tại Philippines, startup công nghệ tài chính PayMongo đang chịu sự giám sát của Ngân hàng Trung ương Philippines (BSP) về tuân thủ các tiêu chuẩn bảo mật và chống rửa tiền. Revolution Precrafted là một startup công nghệ bất động sản (prop-tech) cũng bị cáo buộc gian lận và hứa lèo với khách hàng.

    Tại Malaysia, nhà sáng lập Vivy Yusof của nền tảng thời trang FashionValet cùng chồng mình đã bị buộc tội biển thủ hàng triệu ringgit từ hai quỹ đầu tư nhà nước Khazanah Nasional và Permodalan Nasional Berhad (PNB). Vụ việc đang trong quá trình xét xử.

    Vì sao startup mắc sai lầm?

    “Hệ sinh thái khởi nghiệp ở Việt Nam và Đông Nam Á nói chung còn non trẻ, thiếu kinh nghiệm”, theo CEO Huỳnh Công Thắng của InnoLab Asia, công ty chuyên tư vấn và triển khai đổi mới sáng tạo có trụ sở tại TPHCM và hiện cũng giữ vai trò cố vấn cho nhiều chương trình đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp cho nhiều đại học, cơ quan Chính phủ Singapore, Hàn Quốc, Nhật Bản và Úc…

    Vị CEO nói với Kinh tế Sài Gòn rằng thị trường Đông Nam Á, bao gồm Việt Nam, đang trong giai đoạn học hỏi. “Có thể hình dung, ví dụ chỉ khoảng 30-40% nhà sáng lập ở giai đoạn đầu thực sự có kinh nghiệm quản trị bài bản trước khi khởi nghiệp. Điều này dẫn đến việc ưu tiên tăng trưởng nóng hơn là xây dựng nền tảng quản trị vững chắc”.

    Kế đến là việc giám sát hạn chế và áp lực của người điều hành. Trong môi trường vốn tư nhân thiếu sự giám sát chặt chẽ, cộng thêm áp lực phải “đốt tiền” để tăng trưởng nhanh theo kỳ vọng của nhà đầu tư, có thể dẫn đến tình trạng khoảng 20% startup - một con số giả định để minh họa - gặp khó khăn trong việc kiểm soát tài chính minh bạch khi quy mô tăng gấp 5-10 lần chỉ sau 1-2 năm.

    “Chính những “sai lầm quản trị cấp cao” và “quản lý tài chính sai trái” buộc nhà đầu tư phải hành động”, vị CEO nhấn mạnh.

    Hệ quả của các bước sai lầm trong quản trị là mất vốn và mất niềm tin của nhà đầu tư. Một vụ bê bối quản trị có thể làm bốc hơi ít nhất 50-70% định giá của startup, gần như đóng sập cánh cửa huy động vốn vòng sau. Bởi “niềm tin là tài sản cốt lõi, mất đi là rất khó lấy lại”, ông nói.

    Startup có “vết sẹo” quản trị gần như không thể IPO (niêm yết công khai lần đầu) thành công. Ngay cả khi M&A (mua bán, sáp nhập), giá trị thương vụ có thể bị giảm ít nhất 30-50% so với tiềm năng thực sự.

    Nhà sáng lập hay CEO liên quan có thể mất trắng uy tín, đối mặt kiện tụng từ cổ đông. Thiệt hại này còn lan ra cả hệ sinh thái, có thể làm giảm sức hút vốn ngoại vào Việt Nam trong ngắn hạn.

    Lộ trình giúp startup ASEAN trưởng thành

    Hôm 17-4, các hiệp hội đầu tư mạo hiểm Đông Nam Á đã họp tại thủ đô Jakarta, Indonesia và công bố “Bản đồ trưởng thành: Quản trị doanh nghiệp tại các thị trường vốn tư nhân Đông Nam Á”(3).

    Các hiệp hội thừa nhận các sai phạm quản trị cấp cao, bao gồm sai lầm và gian lận trong quản lý tài chính của nhiều startup ở các nước đã buộc họ “phải hành động”. Họ hy vọng tài liệu sẽ tạo ra “chuẩn mực quản trị chung” cho các startup trong khu vực, bảo vệ nền kinh tế đổi mới sáng tạo và xây dựng lòng tin trong gọi vốn dài hạn.

    Ông Shane Chesson, Phó chủ tịch Hiệp hội đầu tư mạo hiểm và tư nhân Singapore (SVCA), nói rằng môi trường đầu tư tư nhân Đông Nam Á còn non trẻ và tài liệu này thể hiện ý chí tập thể, nhằm cải thiện quản trị để mang lại lợi nhuận tốt hơn.

    Ng Sai Kit, Chủ tịch Hiệp hội đầu tư mạo hiểm và vốn tư nhân Malaysia (MVCA), ủng hộ các biện pháp theo dõi mạnh mẽ hơn như kiểm toán thường xuyên, đào tạo hội đồng quản trị và theo dõi thực hiện các mục tiêu ESG (môi trường, xã hội và quản trị) để nâng cao tiêu chuẩn quản lý chung.

    Tập tài liệu này sẽ được các hiệp hội đầu tư phổ biến đến nhà đầu tư, nhà sáng lập, thành viên hội đồng quản trị, cơ quan quản lý và chuyên gia pháp lý ở từng nước. Mục tiêu là tăng cường quản trị startup từ giai đoạn trước khi có doanh thu đến khi IPO, hỗ trợ đổi mới bền vững, mở rộng quy mô và thoái vốn thành công. Họ nhấn mạnh sự cần thiết của các hoạt động quản trị chủ động, đặc biệt ở các thị trường tư nhân có giám sát theo quy định hạn chế. Các hiệp hội khuyến khích nhà sáng lập, nhà quản trị startup sử dụng các công cụ AI để phát hiện bất thường tài chính, tự động hóa báo cáo và cải thiện giám sát theo thời gian thực, giúp tăng độ chính xác và ngăn chặn gian lận.

    Trở lại câu chuyện của Việt Nam, ông Huỳnh Công Thắng tin rằng việc áp dụng các chuẩn mực chung của khu vực như “bản đồ trưởng thành” hay “lộ trình trưởng thành” đòi hỏi nỗ lực chung của các bên liên qua.

    “Nhà đầu tư phải thẩm định (due diligence) sâu hơn về quản trị, không chỉ nhìn vào tiềm năng thị trường. Họ cần đòi hỏi các báo cáo minh bạch hơn, kiểm toán độc lập định kỳ như trong “bản đồ trưởng thành” đề nghị và tham gia hội đồng quản trị. Việc thẩm định kỹ lưỡng có thể giảm 20-30% rủi ro đầu tư thất bại do quản trị yếu kém.

    Nhà sáng lập và lãnh đạo phải xác định quản trị là nền tảng, không phải gánh nặng. Chủ động xây dựng quy trình kiểm soát nội bộ, áp dụng công nghệ (AI) để giám sát tài chính. Quan trọng nhất là xây dựng văn hóa liêm chính. Đầu tư vào hệ thống kiểm soát tốt có thể giảm thiểu tới 80% các rủi ro gian lận nội bộ.

    Cuối cùng là hệ sinh thái. Cần có các chương trình đào tạo hội đồng quản trị, tăng cường mạng lưới cố vấn. Các bên phải liên tục cập nhật, thúc đẩy áp dụng chuẩn mực này”.

    Vốn mạo hiểm đổ vào các startup ASEAN đang trên đà tụt dốc không phanh kể từ nửa cuối năm 2022, sau đợt đỉnh điểm năm 2021 khi dịch Covid-19 bùng phát. Theo dữ liệu của Tracxn, DealStreetAsia và các nền tảng dữ liệu khác, tổng vốn mạo hiểm đạt 4,56 tỉ đô la trong năm 2023 (giảm 42% so với năm trước đó), 2,84 tỉ đô la trong năm 2024 (giảm 59%). Trong quí 1-2025, các startup ASEAN huy động được 555 triệu đô la thông qua 113 thương vụ gọi vốn, giảm 46% so với cùng kỳ.

    Theo Ricky Hồ - Báo Kinh tế Sài Gòn

     

    (1) https://www.techinasia.com/vietnamese-tech-star-suspends-startups-amid-legal-dispute-police-probe

    (2) https://vnexpress.net/startup-xe-dap-cua-ba-le-diep-kieu-trang-bi-doi-no-tien-ty-4832367.html

    (3) https://asia.nikkei.com/Business/Startups/Southeast-Asian-VCs-move-to-set-startup-governance-standards

    Zalo
    Hotline