Quốc hội vừa thông qua cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Đà Nẵng, trong đó có cho phép Đà Nẵng thành lập thí điểm khu thương mại tự do, nhưng để hiện thực hóa chủ trương này thì còn nhiều việc cần giải quyết.
Nhiều hạn chế của mô hình thí điểm
Hạn chế đầu tiên, do là thí điểm, nên khu thương mại tự do chưa có hệ thống luật pháp tương thích. Hệ thống luật pháp hiện hành chỉ điều chỉnh các hoạt động kinh doanh liên quan các khu kinh tế, khu chế xuất, khu ngoại quan... mà chưa có quy định về khu thương mại tự do. Mặc dù chức năng hoạt động của khu thương mại tự do cũng có những nét đặc trưng tương tự các loại hình trên, nhưng nó vẫn có những đặc thù riêng theo hướng mở hơn, tự do hơn, ưu đãi nhiều hơn để thu hút đầu tư.
Các cơ quan tham mưu đã vận dụng các cơ chế ưu đãi của khu công nghiệp, khu kinh tế, khu chế xuất... để tham mưu cho Chính phủ, Quốc hội về cơ chế đặc thù của khu thương mại tự do Đà Nẵng, như các cơ chế ưu đãi về thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế xuất nhập khẩu, tiền thuê đất, ưu đãi đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng... Trong khi đó, một số quốc gia đã cho các doanh nghiệp dù không đăng ký kinh doanh trong khu thương mại tự do vẫn có thể xuất nhập hàng hóa, vận tải và lưu kho trong phạm vi khu thương mại tự do. Đây là vấn đề chưa thấy đề cập đến khi thí điểm khu thương mại tự do Đà Nẵng.
Hạn chế thứ hai là quy mô xây dựng. Hiện khu thương mại tự do Đà Nẵng được đề xuất với diện tích khoảng 1.000 héc ta bao gồm ba phân khu: sản xuất, logistics và thương mại dịch vụ. So sánh với các khu thương mại tự do của các nước trong khu vực thì quy mô này tương đối nhỏ. Trung Quốc hiện có 21 khu thương mại tự do với quy mô diện tích xây dựng mỗi khu bình quân từ 100-200 ki lô mét vuông. Quy mô xây dựng nhỏ sẽ hạn chế các tập đoàn đa quốc gia có nhu cầu sử dụng quỹ đất lớn để đầu tư các nhà máy, mà chỉ có thể thu hút các nhà đầu tư nhỏ lẻ.
Hạn chế thứ ba là phân cấp quản lý. Khu thương mại tự do Đà Nẵng đang được UBND thành phố Đà Nẵng đề xuất giao cho Ban quản lý khu công nghệ cao và các khu công nghiệp thực hiện chức năng quản lý nhà nước theo cơ chế một cửa, tại chỗ. Việc phân cấp này được hiểu là Đà Nẵng muốn tận dụng kinh nghiệm quản lý của đơn vị này để quản lý hoạt động của khu thương mại tự do. Tuy nhiên, do khu thương mại tự do là cơ chế đặc thù liên quan đến hoạt động thương mại quốc tế, hải quan, xuất nhập khẩu, logistics..., nên đòi hỏi có chính sách quản lý riêng. Mặt khác, ban này đang quản lý hàng ngàn doanh nghiệp trên địa bàn, nếu nhận thêm nhiệm vụ quản lý khu thương mại tự do có thể xảy ra tình trạng quá tải.
Thí điểm nhưng cần mạnh dạn đột phá
Lâu nay các cơ quan quản lý nhà nước thường có quan điểm chung khi thực hiện cơ chế thí điểm là vừa làm vừa rút kinh nghiệm sau đó bổ sung, sửa đổi. Tuy nhiên mô hình khu thương mại tự do đã được các nước trên thế giới thử nghiệm thành công từ thập niên 1970, Việt Nam có thể rút ra rất nhiều bài học từ các nước trong khu vực và trên thế giới để vận dụng vào tình hình thực tế ở Việt Nam.
Mặt khác, cơ chế chính sách quản lý khu thương mại tự do có nhiều nét tương đồng với các khu chế xuất, khu ngoại quan nên có thể vận dụng và mở rộng thêm các cơ chế, chính sách đặc thù để hình thành cơ chế quản lý riêng của khu thương mại tự do. Vì vậy, cần mạnh dạn có những chính sách đột phá để thí điểm thành công khu thương mại tự do Đà Nẵng nhằm mở rộng mô hình này ra các địa phương khác.
Về mặt luật pháp, cần điều chỉnh, bổ sung các luật có liên quan. Việc điều chỉnh, bổ sung hệ thống luật pháp cần theo hướng đơn giản hóa thủ tục hành chính, thêm nhiều ưu đãi để thu hút đầu tư nhằm tạo ra sự khác biệt giữa khu thương mại tự do Đà Nẵng với khu thương mại tự do của các nước trong khu vực. Khi điều kiện chín muồi có thể xem xét trình Quốc hội thông qua luật riêng để quản lý toàn diện hoạt động của khu thương mại tự do. Thực tế, một số nước trong khu vực đã ban hành bộ luật về khu thương mại tự do từ rất sớm như Malaysia (1990), Singapore (1966)... nên Việt Nam có thể xem xét, vận dụng.
Về quy mô đầu tư xây dựng khu thương mại tự do Đà Nẵng, do hạn chế về địa hình, quỹ đất nên bước đầu có thể xem xét ưu tiên kêu gọi đầu tư một số lĩnh vực ít sử dụng mặt bằng sản xuất, các lĩnh vực công nghệ cao: công nghệ sinh học, bán dẫn, công nghệ thông tin, hàng không... Về quy hoạch lâu dài, có thể xem xét đưa các khu công nghiệp lân cận sáp nhập vào khu thương mại tự do để mở rộng quy mô phù hợp cho việc kêu gọi các “đại bàng” vào đầu tư.
Theo TS. Võ Duy Nghi (Viện Quản trị và Công nghệ FSB - Đại học FPT) – Báo Kinh tế Sài Gòn