Chuyện một doanh nhân đưa trà Việt sang Paris

Chuyện một doanh nhân đưa trà Việt sang Paris

Admin - 12/05/2025 01:06 PM

    Trong số hơn 800 loại trà đến từ 36 quốc gia và vùng lãnh thổ có mặt tại Pháp cũng có tên trà của Việt Nam. Bất ngờ hơn nữa, trong đó có hai loại là trà oolong ướp hoa sen và trà xanh ướp hoa sen được thương hiệu Mariage Frères nổi tiếng xếp vào dòng sản phẩm cao cấp nhất, với giá bán hơn 1.000 euro/ký.

    Kẻ Chợ - tên gọi dân gian chung của kinh thành Thăng Long vào thế kỷ 17 - có một khu vực dành cho các công ty và doanh nhân nước ngoài. Sớm nhất là thương điếm của Công ty Đông Ấn Hà Lan được mở vào năm 1637, tiếp đến là thương điếm của Công ty Đông Ấn Anh được lập vào năm 1863, sau đó đến các nước khác. Trà Việt Nam có lẽ đã bắt đầu được xuất khẩu sang phương Tây thông qua các công ty của Hà Lan và Anh này.

    Mức tăng trưởng của ngành trà ngày càng cao do lối sống thay đổi và người tiêu dùng nhận thức cao về việc uống trà có lợi cho sức khỏe.
     

    Vào danh mục trà cao cấp với giá bán hơn 1.000 euro mỗi ký

    Theo báo cáo của Guillaume Capus, chuyến hàng trà Đông Dương đầu tiên xuất khẩu sang Pháp là vào năm 1893. Năm 1899, trà Đông Dương được bán tại Paris (Pháp) và một số nước châu Âu, tổng khối lượng xuất khẩu là 131.391 ký, sau đó tăng lên mức 180.000 ký vào năm 1900. Trong số hơn 800 loại trà đến từ 36 quốc gia và vùng lãnh thổ hiện có mặt tại Pháp cũng có tên trà của Việt Nam. Bất ngờ hơn nữa, trong đó có hai loại là trà oolong ướp hoa sen và trà xanh ướp hoa sen được thương hiệu Mariage Frères nổi tiếng xếp vào dòng sản phẩm cao cấp nhất, với giá bán hơn 1.000 euro/ký.

    Người đưa được trà Việt Nam lên kệ của Mariage Frères là ông Thân Dỹ Ngữ, Giám đốc Công ty TNHH Hiệp Thành - doanh nghiệp sản xuất nông sản hữu cơ, chuyên xuất khẩu trà và nông sản hữu cơ sang thị trường Liên minh châu Âu và Mỹ. Ông cũng là thành viên Hiệp hội Nông nghiệp hữu cơ Việt Nam; là một trong những người sáng lập Liên minh Trà đặc sản hữu cơ Việt Nam (VOSTEA).

    Trà ướp hoa sen là một trong những sản phẩm đặc sắc nhất của trà Việt Nam. Ảnh: Đỗ Quang Tuấn Hoàng
     

    Năm 2011, ông Ngữ quyết định tiếp cận thị trường châu Âu khi Nhà máy trà hữu cơ Bản Liền (huyện Bắc Hà, tỉnh Lào Cai) đã đạt công suất 10 tấn/năm. Thời điểm năm 2000 khi ông Ngữ bắt đầu xuất khẩu trà thì thị trường Tây Âu mua khoảng 10.000 tấn trà/năm. Đó là loại trà búp (leaf grade) - một là loại trà ngon, trong ngành gọi là OP. Ở thời điểm hiện nay, thị trường Tây Âu vẫn nhập khoảng 7.000-10.000 tấn trà Việt Nam mỗi năm, nhưng chủ yếu là trà vụn (broken), tức là họ đang mua loại trà giá rẻ để làm trà túi lọc.

    Ảnh: Đỗ Quang Tuấn Hoàng
     

    Khách châu Âu, Mỹ - những khách hàng cao cấp - đã từng mua trà Việt Nam nhưng vì nhiều lý do, như họ nhận được hàng không đúng mẫu, hay chất lượng kém đi, hoặc lo ngại dư lượng thuốc bảo vệ thực vật trong trà… đã mất niềm tin vào trà Việt Nam. Khi bán cho Mariage Frères, ông Ngữ mới biết là họ đã nghiên cứu thị trường Việt Nam từ rất lâu rồi. Họ làm việc rất kỹ lưỡng và phối hợp với các phòng thí nghiệm lớn chuyên nghiên cứu các đặc sản vùng miền ở khắp nơi trên thế giới.

    Công nghệ hiện nay cho phép đưa thực phẩm vào máy và đo được ngay định tính để truy xuất nguồn gốc, biết được sản phẩm có lỗi gì, ví dụ như trà lên men không đạt thì sẽ không thấy xuất hiện một số chất có lợi cho sức khỏe hoặc có những chất có hại khác…

    “Thế nên khi chúng tôi đưa được trà (ướp hoa) sen và một số loại trà khác vào được Mariage Frères thì tôi nghĩ chúng tôi đã thành công. Nhưng số lượng thì vẫn không được nhiều”, ông Ngữ chia sẻ.

    Dựng lại niềm tin

    Để quảng bá trà Việt Nam, ông Thân Dỹ Ngữ đã làm việc với các chuyên gia thử nếm trà như Lydia Gautier, Carine Baudry…, gửi mẫu trà tham dự Cuộc thi Trà quốc tế hàng năm của AVPA (Agence pour la Valorisation des Produits Agricoles: Hiệp hội Nâng cao giá trị nông sản Pháp).

    Ông gửi các sản phẩm trà từ vùng Chiêu Lầu Thi (huyện Hoàng Su Phì, tỉnh Hà Giang) gồm trà tiên, trà móng rồng (Camellia crassicolumna), hồng trà shan tuyết cổ thụ (Camellia sinensis var. Shan). Các sản phẩm trà đó đã đoạt cả giải vàng, giải bạc. Ông Ngữ tiếp tục giới thiệu cho Hiệp hội Chè Việt Nam và nhiều nhà sản xuất trà ở Việt Nam gửi mẫu tham dự Cuộc thi Trà quốc tế hàng năm của AVPA nhằm quảng bá các vùng trà khác của Việt Nam.

    Ảnh: Đỗ Quang Tuấn Hoàng
     

    Theo ông Ngữ, việc đoạt giải quốc tế với trà Việt Nam không khó vì trà của nước ta có chất lượng tốt không thua kém bất cứ nước, nào dù vậy vẫn còn nhiều việc doanh nghiệp xuất khẩu trà phải lưu tâm. Bản thân ông đang tập trung vào việc phát triển chuỗi để cung cấp được hàng liền mạch. Theo ông, một là phải khả thi về mặt chế biến. Hai là giá thành phải hợp lý. Có như vậy trà mới vào được các chuỗi cung ứng.

    Theo ước tính, Việt Nam hiện có khoảng 120.000 héc ta diện tích trồng trà, có 257 doanh nghiệp chế biến trà quy mô công nghiệp, tổng công suất theo thiết kế 5.200 tấn búp tươi/ngày. Ngành trà đặt mục tiêu mở rộng diện tích trồng đến năm 2030 ở mức 135.000-140.000 héc ta; đến năm 2025 này diện tích trà được chứng nhận an toàn lên đến 55% và đến năm 2030 là khoảng 75%. Tuy nhiên, số nhà máy chế biến trà được trang bị đồng bộ, máy móc thiết bị tốt, bảo đảm các tiêu chuẩn kỹ thuật hiện chỉ chiếm 20%; số nhà máy có công nghệ chế biến tạm đạt yêu cầu kỹ thuật là 60%; số cơ sở chế biến chắp vá, không bảo đảm các yêu cầu kỹ thuật của quá trình chế biến trà là 20%.

    Nghiên cứu do Research and Markets công bố, thị trường trà toàn cầu dự kiến sẽ đạt 37,5 tỉ đô la Mỹ trong năm 2025. Mức tăng trưởng của ngành trà ngày càng cao do lối sống thay đổi và người tiêu dùng nhận thức cao về việc uống trà có lợi cho sức khỏe. Sản phẩm trà cũng có nhiều thay đổi để phù hợp với cuộc sống. Theo đó, trà cao cấp uống tại nhà, trà ướp hoa, trà ủ lạnh, kombucha… được dự báo sẽ là những dòng sản phẩm dẫn dắt thị trường trong giai đoạn tới.

    Theo Đỗ Quang Tuấn Hoàng - Báo Kinh tế Sài Gòn

    Zalo
    Hotline