Việc Fed hạ lãi suất sẽ giúp áp lực đè nén 2-3 năm qua được giải tỏa, các NHTW trên thế giới bắt đầu bước vào chu kỳ nới lỏng tiền tệ. Và khi tỷ giá hạ nhiệt đồng nghĩa yếu tố “cản đường” tăng trưởng kinh tế cũng không còn.
Theo ông Trần Ngọc Báu, Nhà sáng lập kiêm Chủ tịch Wigroup, giữa tuần qua có thể xem là thời khắc lịch sử, khi ngày 18-9 NHTW châu Âu (ECB) quyết định hạ lãi suất lần thứ 2 trong năm. Tiếp đến, rạng sáng 19-9 Fed công bố quyết định về hạ lãi suất, đúng như kỳ vọng của giới đầu tư.
Mặc dù lãi suất quay lại giai đoạn giảm, nhưng về định lượng sẽ có sự phân hóa, trong đó châu Âu có thể lựa chọn duy trì tổng tài sản đi ngang, thay vì mạnh tay thu hẹp như giai đoạn trước. Tuy nhiên, ông Báu nhận định rất khó để thời kỳ “tiền rẻ” quay trở lại, dù áp lực lạm phát không còn đè nặng.
Nhà điều hành chính sách tại nhiều NHTW lớn đứng trước niềm vui vì áp lực đè nén 2-3 năm qua được giải tỏa. Nếu như 4-5 tháng trước đây, tỷ giá vô cùng “ngộp thở”, thì trong vòng một tháng rưỡi vừa qua tỷ giá giảm rất nhanh. Một phần nhờ Fed thay đổi chính sách tiền tệ, một mặt nhờ NHNN Việt Nam đã phản ứng nhanh bằng việc bán ra khoảng 6,5 tỷ USD để can thiệp thị trường, đưa dự trữ ngoại hối xuống còn 83 tỷ USD, nhờ vậy áp lực tỷ giá nhanh chóng hạ nhiệt.
Thêm vào đó, áp lực lạm phát cũng không lớn. Tất cả các yếu tố này sẽ hỗ trợ tích cực cho sự phục hồi của nền kinh tế, với sự dẫn dắt của khu vực xuất khẩu và FDI. Nói cách khác, kinh tế Việt Nam đang đứng trước cơ hội mới khi chu kỳ nới lỏng bắt đầu.
Đồng quan điểm, ông Nguyễn Minh Tuấn, Giám đốc điều hành AFA Capital, đồng sáng lập Cộng đồng cố vấn tài chính Việt Nam (VWA) cho biết, Báo cáo Chiến lược đầu tư (tháng 9-2024) của AFA Capital nhận định, kinh tế Việt Nam đang dần chuyển sang kịch bản tích cực.
Cụ thể, lạm phát giảm nhẹ trong tháng 8; giá các hàng hóa chính trong “giỏ” chỉ số giá tiêu dùng (CPI) đang hạ nhiệt nhanh, tín dụng hồi phục. Chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) duy trì ở mức cao, cho thấy nhu cầu sản xuất các sản phẩm công nghiệp tiếp tục tăng trưởng. Xuất nhập khẩu tiếp tục đà phục hồi; khối lượng xuất khẩu và nhập khẩu phục hồi trong tháng 8 là điểm tựa cho đà phục hồi của kinh tế Việt Nam. Lĩnh vực bán lẻ cũng được kỳ vọng phục hồi trong thời gian tới.
Tuy nhiên, Giám đốc điều hành AFA Capital nhấn mạnh, nền kinh tế Việt Nam cần lưu ý đến hậu quả sau thiên tai. Các tỉnh có đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) lớn tại miền Bắc đều bị ảnh hưởng khá lớn bởi bão số 3 và lũ lụt sau bão. Một số cấu phần sản xuất và FDI có thể sẽ chậm lại do ảnh hưởng của thiên tai. Xu hướng FDI đăng ký chậm lại, cần có thời gian để những tỉnh thành phía Bắc khắc phục thiệt hại sau bão.
Hiện tại mục tiêu của Chính phủ là tiếp tục duy trì chính sách hỗ trợ để duy trì đà phục hồi của nền kinh tế. Và nền kinh tế cũng đang đối diện với rủi ro về lạm phát ở phía cung đang tăng lên, đặc biệt là cấu phần lương thực, thực phẩm và vật liệu xây dựng sau bão số 3.
Ở một góc nhìn khác, ông Phan Dũng Khánh, Giám đốc Tư vấn Đầu tư Maybank Investment Bank nhận xét, thị trường chứng khoán Việt Nam dù được hưởng lợi từ quyết định này của Fed, song có thể vẫn giữ xu hướng giằng co, chưa dễ vượt mức 1.300 điểm một cách bền vững.
Riêng vàng và chứng khoán Mỹ vẫn có thể vượt đỉnh thêm một chút nữa, khi dòng tiền tạm thời vẫn còn duy trì. Trong lịch sử, đã xảy ra trường hợp Fed giảm lãi suất khiến USD Index giảm một vài ngày nhưng sau đó bật tăng trở lại, gây áp lực lên giá vàng.
Với những nhà đầu tư vàng ngắn hạn, đây là cơ hội để chốt lời, bởi giá đã tăng liên tục trong thời gian dài. Đối với những nhà đầu tư trung - dài hạn, có thể chờ nhịp điều chỉnh của giá vàng để mua thêm.
Theo Báo Sài Giải Phóng – Đầu tư tài chính