Với mục tiêu “không bỏ ai lại phía sau”, chúng ta cần tạo mọi điều kiện giúp các đối tượng yếu thế được tiếp cận với “tín dụng trắng”.
Đó là các kênh cung ứng dịch vụ tài chính chính thức, bền vững, hoạt động trong khuôn khổ của luật pháp và dưới sự quản lý của các cơ quan nhà nước có thẩm quyền.
Hai “lát cắt” của bức tranh tài chính
Dựa trên nền tảng CN 4.0, các dịch vụ tài chính trở nên phổ biến hơn tại các quốc gia, đặc biệt là các nước đang phát triển. Tuy nhiên, vẫn có khoảng 30% người trưởng thành trên thế giới không có đủ điều kiện để được hưởng sự phục vụ của hệ thống tài chính truyền thống.
Do vậy, việc hình thành tài chính toàn diện để đảm bảo cho mọi người dân được tiếp cận và sử dụng các dịch vụ tài chính với chi phí hợp lý, thuận tiện là xu thế của thế kỷ 21.
Việt Nam không nằm ngoài xu hướng của thế giới, khi Chính phủ đã sớm hợp tác với Ngân hàng Thế giới (WB) để xây dựng Chiến lược quốc gia về tài chính toàn diện. Cụ thể, ngày 22-1-2020, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 149/QĐ-TTg, phê duyệt Chiến lược tài chính toàn diện quốc gia đến năm 2025 và định hướng đến 2030 (Quyết định 149).
Theo đó, tối đa hóa các đối tượng được tiếp cận và sử dụng an toàn các sản phẩm, dịch vụ tài chính phù hợp, có chi phí hợp lý, có trách nhiệm và bền vững, được cung ứng bởi các tổ chức hợp pháp. Quyết định 149 đã xác định các mục tiêu cụ thể đến năm 2025 gồm: có ít nhất 80% người trưởng thành có tài khoản giao dịch tại các tổ chức được cấp phép; 25-30% người trưởng thành gửi tiết kiệm tại các tổ chức tín dụng (TCTD).
Để thúc đẩy phát triển tài chính toàn diện, đưa dịch vụ tài chính ổn định, bền vững, chi phí hợp lý tới những phân khúc khách hàng không đủ điều kiện, hoặc không có khả năng tiếp cận được các TCTD truyền thống, thì tổ chức tài chính vi mô và các công ty fintech chính là giải pháp tốt.
Tuy nhiên, dù được sự hỗ trợ của công nghệ, các TCTD truyền thống dường như vẫn chưa bao phủ nhanh đến tất cả các nhóm đối tượng sử dụng dịch vụ, đặc biệt là người thu nhập thấp, người dân ở các khu vực vùng sâu, vùng xa…
Không thể phủ nhận rằng, thời gian qua các TCTD truyền thống đã đi đầu trong công cuộc chuyển đổi số để phổ cập dịch vụ tài chính hiện đại. Nhờ đó, tỷ lệ người trưởng thành có tài khoản giao dịch hay gửi tiết kiệm đã tăng trưởng rất nhanh. Song đó mới chỉ là “lát cắt” ở các đô thị lớn, nơi có đầy đủ các điều kiện thuận lợi về cơ sở hạ tầng.
Số liệu từ WB cũng cho thấy “lát cắt” khác. Đó là tỷ trọng người sở hữu tài khoản từ 2017-2022 đã tăng trưởng hơn 20%, nhưng phân theo mức thu nhập từ thấp đến cao, tỷ lệ người trưởng thành ở mức thu nhập thấp chỉ tăng khoảng 6% sau 5 năm, trong khi các nhóm có thu nhập cao có tốc độ tăng cao hơn. Về lý do chưa mở tài khoản, năm 2022 có hơn 23% cho rằng do “tổ chức tài chính quá xa” nên không có tài khoản, dù nhóm này có sự cải thiện về thu nhập.
Để nhóm yếu thế không còn “thế yếu”
Thực tế, ở những khu vực vùng sâu, vùng xa, nơi khoảng cách và mật độ dân cư rất thưa thớt, các nhu cầu về dịch vụ tài chính chủ yếu chỉ dừng lại ở các hoạt động thanh toán cơ bản. Do các giao dịch này có lợi nhuận biên rất thấp, nên khi cân đối giữa lợi nhuận và chi phí vận hành một chi nhánh ở vùng sâu, vùng xa trở thành bài toán khó với các TCTD truyền thống.
Để khắc phục tình trạng trên, đã có một số ngân hàng (NH) thử nghiệm hệ thống đại lý, nhưng hiệu quả kinh tế không như kỳ vọng. Đó là chưa kể đa phần khách hàng ở địa bàn vùng sâu, vùng xa thường không đủ tiêu chuẩn tiếp cận NH, do nguồn thông tin để “chấm điểm” khách hàng thiếu hụt, thu nhập thấp, không thường xuyên, không ổn định.
Số liệu của WB cũng cho thấy, về hoạt động thanh toán, nếu tỷ lệ trung bình cả nước thanh toán qua các TCTD và trung gian thanh toán đạt tới hơn 23%, thì đối với nhóm thu nhập thấp tỷ lệ này chỉ là 2,9%, trong khi thanh toán tiền mặt là 51,2%.
Thực ra nhu cầu tiếp cận dịch vụ tài chính hiện đại của nhóm thu nhập thấp trên thực tế là có, bởi họ có nhu cầu vay mượn phục vụ chi tiêu đột xuất với một con số lớn. Và đây là “mảnh đất màu mỡ” để các loại hình “tín dụng đen” có đất hoạt động và trở thành điểm nóng trong thời gian vừa qua.
Do vậy, để thực hiện tốt Quyết định 149, đảm bảo mục tiêu “không bỏ ai lại phía sau”, cần tạo mọi điều kiện giúp các đối tượng yếu thế có khả năng tiếp cận với các kênh “tín dụng trắng”. Đó là các kênh cung ứng dịch vụ tài chính chính thức, bền vững, hoạt động trong khuôn khổ của luật pháp và dưới sự quản lý của các cơ quan nhà nước có thẩm quyền.
Tháo gỡ rào cản pháp lý
Từ thực tế kết quả của 3 năm thực hiện Quyết định 149, bước đầu cho thấy việc sử dụng 2 công cụ là tổ chức tài chính vi mô và các công ty fintech chính là giải pháp tốt. Với đặc điểm dựa trên nền tảng kỹ thuật số bao gồm internet vạn vật, công nghệ không dây thế hệ 5, dữ liệu lớn (big data) và trí tuệ nhân tạo, đã hình thành nên các mô hình tổ chức tài chính hoàn toàn mới; có thể đáp ứng được nhu cầu của thị trường, hướng tới thúc đẩy phát triển tài chính toàn diện, đưa dịch vụ tài chính ổn định, bền vững, chi phí hợp lý tới những phân khúc khách hàng không đủ điều kiện, hoặc không có khả năng tiếp cận được các TCTD truyền thống.
Khi hoạt động trên nền tảng số, nên khoảng cách địa lý đã bị xóa bỏ, việc xây dựng dữ liệu tài chính cá nhân cũng trở nên đơn giản hơn. Do cấu trúc mạng lưới của các tổ chức tài chính hoạt động trên nền công nghệ số, nên chi phí vận hành thấp hơn nhiều so với các NH truyền thống. Từ đó có thể chấp nhận cung ứng dịch vụ tài chính - NH với lợi nhuận biên thấp, bỏ qua khoảng cách địa lý để tạo điều kiện cho các nhóm khách hàng yếu thế.
Bởi lẽ nguyên tắc hoạt động của các doanh nghiệp tài chính công nghệ hoàn toàn khác với các tổ chức tài chính truyền thống. Theo đó, các tổ chức này chấp nhận lợi nhuận nhỏ nhưng số lượng giao dịch lớn, nên vẫn có đủ chi phí và lợi nhuận hấp dẫn.
Theo TS. NGUYỄN ĐỨC KIÊN (Nguyên Tổ trưởng Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng, Chủ tịch Hội đồng khoa học IDS) – Báo Kinh tế Sài Gòn