Cần minh bạch hóa thị trường trái phiếu doanh nghiệp

Cần minh bạch hóa thị trường trái phiếu doanh nghiệp

Admin - 12/08/2024 03:05 PM

    Theo Hiệp hội Thị trường trái phiếu Việt Nam (VBMA) năm 2022, quy mô thị trường trái phiếu doanh nghiệp Việt Nam vào khoảng 14,81% GDP, còn khá khiêm tốn so với các nước trong khu vực.

    Chính phủ đã trình Quốc hội phê duyệt đến năm 2025, tỷ lệ này là 20%, cho thấy tiềm năng và động lực phát triển rất lớn của thị trường này. Tuy nhiên, sau thông tin bất lợi liên quan đến một số doanh nghiệp phát hành trái phiếu năm 2022, thị trường trái phiếu doanh nghiệp không còn tăng trưởng “nóng” như trước.

    Xét về cơ cấu, thị trường trái phiếu doanh nghiệp của Việt Nam đang phân bổ tập trung ở nhóm ngành bất động sản, với tỷ trọng lớn nhất khoảng 37% năm 2021. Sau năm 2022, lượng phát hành của nhóm này giảm mạnh, tuy nhiên, trên tổng thể thị trường đây vẫn là nhóm có nhiều rủi ro và chiếm tỷ lệ lớn.

    Theo thống kê tỷ trọng phát hành trái phiếu doanh nghiệp và ngay cả khi nhìn vào các sai phạm của việc phát hành và huy động vốn từ trái phiếu gần đây có thể thấy đa phần là đến từ việc phát hành trái phiếu riêng lẻ.

    Ở đây có thể thấy sự lệch pha trong công tác quản lý các loại trái phiếu phát hành. Các quy định có phần chặt hơn đối với trái phiếu phát hành ra công chúng nhưng lại buông lỏng đối với trái phiếu riêng lẻ. Việc phát hành trái phiếu riêng lẻ thường đi kèm với “ba không”: không tài sản đảm bảo, không xếp hạng tín nhiệm, không bảo lãnh thanh toán. Khi phát hiện ra những sai phạm, cơ quan nhà nước sửa đổi, bổ sung với những quy định khá chặt như tại Nghị định 65 định nghĩa về nhà đầu tư chuyên nghiệp phải có giấy xác nhận và nắm giữ giá trị danh mục đầu tư từ 2 tỉ đồng trở lên trong sáu tháng mới có thể mua bán trái phiếu riêng lẻ.

    Đứng trước những vấn đề như vậy, điều quan trọng được đặt ra là các bên tham gia trong thị trường cần thực hiện nhằm đảm bảo gia tăng tính minh bạch và cung cấp thông tin chính xác.

    Về ngắn hạn, trái phiếu sắp đến hạn chiếm một tỷ trọng khá lớn lên đến hơn 700.000 tỉ đồng trong giai đoạn 2023-2025, Tạp chí Tri thức dẫn lời ông Cấn Văn Lực, chuyên gia kinh tế. Vì vậy, các doanh nghiệp này cần có cơ hội được đàm phán, thương lượng tiến đến thống nhất phương án với trái chủ để tránh rơi vào tình trạng phá sản, đặc biệt trong bối cảnh nền kinh tế toàn cầu đang trên đà suy giảm như hiện nay.

    Về dài hạn, đối với doanh nghiệp, điều đầu tiên là cần phải có đạo đức trong kinh doanh, hoạt động dựa trên sự liêm chính để tồn tại. Doanh nghiệp cần xây dựng phương án kinh doanh phù hợp với kế hoạch sử dụng vốn, để có thể đưa ra loại trái phiếu vừa phù hợp với nhu cầu thị hiếu nhà đầu tư mà còn đáp ứng được nhu cầu vốn của mình. Một khâu quan trọng khác là cần phải lấy lại niềm tin với việc tích cực công bố, giải trình thông tin tài chính, sức khỏe doanh nghiệp để đông đảo nhà đầu tư trái phiếu có thể nắm bắt, hiểu và đồng hành cùng doanh nghiệp.

    Nhóm các tổ chức trung gian phải thực hiện đúng quy định pháp luật về quy trình cấp phép hoạt động và phải làm rõ với vai trò và trách nhiệm của mình để tránh gây nhầm lẫn cho người mua trái phiếu.

    Các nhà đầu tư cần có sự tìm hiểu kỹ lưỡng về thông tin doanh nghiệp phát hành trái phiếu muốn mua, có những phân tích, đánh giá quy định của pháp luật với những điều khoản, ràng buộc trong trái phiếu. Trong trường hợp cần thiết, nhà đầu tư có thể tham vấn ý kiến của chuyên gia để có thể có những chiến lược đầu tư phù hợp và hiệu quả.

    Các cơ quan quản lý cần phải tích cực theo dõi, tiên liệu những tình huống trên thị trường trước khi ban hành chính sách để tránh bị động, có thể xây dựng và hình thành sàn trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ nhằm đảm bảo kê khai chuẩn hóa, kiểm soát tập trung kết hợp cùng các yêu cầu trong việc công bố thông tin rộng rãi.

    Chấm điểm tín dụng cũng là một khâu quan trọng góp phần giúp cho nhà đầu tư có thêm thông tin về doanh nghiệp. Những doanh nghiệp thuộc nhóm ngành rủi ro cao, nhu cầu vốn lớn như bất động sản cần có hình thức cam kết đối với quyền lợi nhà đầu tư, như bảo lãnh thanh toán hoặc cần có tài sản đảm bảo. Ngoài ra, cần có những quy định cụ thể để tránh sở hữu chéo, gây nhiễu thông tin kết hợp với việc tăng cường công tác thanh kiểm tra và xử lý nghiêm các trường hợp cố tình làm trái để tạo hành lang pháp lý vững mạnh cho thị trường.

    Theo Võ Quốc Thắng – Báo Kinh tế Sài Gòn

    Zalo
    Hotline