Từ quán Thúy 94 với vài cái bàn nhựa, quán xôi Number One, bánh cuốn Hà Nội, cho đến bún bò 14B ở Sài Gòn, tất cả đã cho thấy rằng, dù không có sự công nhận từ Michelin, họ vẫn là những biểu tượng ẩm thực được yêu thích nhờ vào chất lượng và sự chân thành trong từng món ăn. Đây chính là nét đẹp riêng biệt của thương hiệu ẩm thực đường phố Việt Nam – mộc mạc, chân thực và đầy tự hào
Khi nhắc đến những đế chế ẩm thực toàn cầu, không thể không nhắc đến Michelin, biểu tượng của sự sang trọng và chất lượng đỉnh cao trong lĩnh vực F&B. Nhìn lại hành trình của Michelin, chúng ta không thể phủ nhận sự khắt khe và quy chuẩn cao từ hội đồng bình chọn. Với hàng loạt giải thưởng đã trao qua nhiều thập niên, việc sở hữu sao Michelin trở thành một trong những mục tiêu đáng mơ ước của nhiều nhà hàng. Nhưng với số lượng công ty khởi nghiệp và các doanh nghiệp nhỏ và vừa ngày càng lớn trong ngành F&B, và sự đa dạng về văn hóa ẩm thực của mỗi quốc gia, liệu việc dùng một giải thưởng để đánh giá chất lượng có phải là sự cố chấp của giới chuyên gia?
Thực tế cho thấy, Michelin đã và đang làm tốt vai trò của mình trong việc định hình các chuẩn mực về ẩm thực cao cấp. Tuy nhiên, khi đặt vào bối cảnh của Việt Nam, một đất nước có nền ẩm thực phong phú và đa dạng, những tiêu chí này đôi khi lại trở nên xa lạ và khó áp dụng. Điều này càng rõ ràng hơn khi câu chuyện về “không biết Michelin là gì” tại Việt Nam được nhắc đến nóng hổi gần đây.
Khi đặt chân đến Việt Nam, giá trị của tấm huy chương Michelin này không còn là thước đo duy nhất, và quan trọng hơn hết, không phải là thước đo đầu tiên để định vị thương hiệu nổi tiếng trong ngành ẩm thực đường phố nơi đây. Ở Việt Nam, ẩm thực đường phố không chỉ là một phần của văn hóa mà còn là niềm tự hào của dân tộc. Người Việt không định vị “thương hiệu ẩm thực”, “quán ngon”, “quán đỉnh”, “không thử thì phí một đời” bằng sao Michelin mà họ đong đếm bằng sự yêu mến và sự ủng hộ lâu dài qua nhiều năm tháng.
Đối với những chủ quán nhỏ rải rác khắp các ngõ ngách từ Hà Nội vào đến Sài Gòn, thuật ngữ “Michelin” có vẻ còn khá xa lạ. Đa số họ không mấy quan tâm đến việc xây dựng thương hiệu theo cách “Tây”. Thay vào đó, họ tập trung vào việc nấu ăn ngon, phục vụ tận tình và giá cả phải chăng để mọi người, từ người lao động bình dân đến khách du lịch, đều có thể thưởng thức. Với quy mô kinh doanh thường là những quán nhỏ, gánh hàng rong hay xe đẩy vỉa hè, việc định nghĩa thương hiệu một cách chuyên nghiệp theo lối của các chuyên gia marketing hay các danh hiệu danh giá như Michelin không phải là ưu tiên hàng đầu. Điều quan trọng đối với họ là tâm huyết và chất lượng sản phẩm, và câu nói “hữu xạ tự nhiên hương” chính là triết lý kinh doanh mà họ theo đuổi.
Mặc dù một sự ghi nhận từ Michelin có thể mang lại làn sóng truyền thông mạnh mẽ và thu hút nhiều khách hàng mới, nhưng thực tế cho thấy, các quán ăn đường phố ở Việt Nam đã minh chứng rằng họ không cần một biểu tượng để khẳng định giá trị của mình. Sự ủng hộ và gắn bó liên tục từ phía khách hàng là minh chứng sống động cho thấy thương hiệu thực sự trong ngành F&B Việt được xây dựng từ lòng tin và sự yêu mến của công chúng. Từ quán Thúy 94 với vài cái bàn nhựa, quán xôi Number One, bánh cuốn Hà Nội, cho đến bún bò 14B ở Sài Gòn, tất cả đã cho thấy rằng, dù không có sự công nhận từ Michelin, họ vẫn là những biểu tượng ẩm thực được yêu thích nhờ vào chất lượng và sự chân thành trong từng món ăn.
Thương hiệu ẩm thực đường phố Việt Nam, với những đặc trưng rất riêng, đã tái định nghĩa giá trị thực sự của một thương hiệu ẩm thực. Sự yêu mến và gắn bó của khách hàng chính là minh chứng rõ ràng nhất cho giá trị thực sự của các thương hiệu ẩm thực đường phố.
Mỗi quốc gia, mỗi nền văn hóa đều có những tiêu chuẩn và giá trị riêng, và chúng ta cần nhìn nhận rằng, thay vì chạy theo những chuẩn mực quốc tế, các quán ăn đường phố ở Việt Nam đã và đang tự khẳng định giá trị của mình bằng chính chất lượng và tâm huyết trong từng món ăn. Và đó mới chính là thương hiệu ẩm thực đường phố thực sự – mộc mạc, chân thực và đầy tự hào.
Theo Amy Nguyễn - Báo Kinh tế SàiGòn