VĨ MÔ TÍCH CỰC NHƯNG VN-INDEX CHƯA THỂ BỨT PHÁ!

VĨ MÔ TÍCH CỰC NHƯNG VN-INDEX CHƯA THỂ BỨT PHÁ!

Admin - 28/07/2024 06:38 PM

    Sau một tuần liên tục điều chỉnh, chỉ số VN-Index khép lại tháng 6-2024 với việc phá vỡ ngưỡng hỗ trợ tâm lý 1.250 điểm khi giảm 2,9% so với tuần trước đó, xuống mức 1.245 điểm.

    vn-index-chua-co-xu-huong-cai-thien
    Chỉ số VN-Index được kỳ vọng sẽ đi ngang tích lũy trở lại quanh khu vực 1.240-1.250 điểm: Ảnh minh họa: TL

     

    Về động thái của nhà đầu tư nước ngoài, khối này vẫn bán ròng cả năm phiên giao dịch tuần qua với tổng giá trị lên đến 4.539 tỉ đồng, tập trung vào chứng chỉ quỹ FUEVFVND và cổ phiếu FPT.

    Theo thống kê, khối ngoại đã bán ròng vượt mốc 50.000 tỉ đồng (xấp xỉ 2 tỉ đô la Mỹ) trên sàn HOSE tính từ đầu năm 2024 và cũng không loại trừ khả năng những cột mốc kỷ lục mới sẽ sớm được thiết lập khi mà khối ngoại vẫn chưa có tín hiệu dừng “xả hàng”. Nhìn lại quá khứ thì 2021 là năm bán ròng kỷ lục của khối ngoại với con số trên 58.000 tỉ đồng.

    Xét trên các mã cổ phiếu, lượng bán ròng mạnh nhất từ đầu năm tới nay ghi nhận tại cổ phiếu bất động sản Vinhomes – VHM với giá trị xấp xỉ 12.000 tỉ đồng, trong đó khoảng 9.000 tỉ đồng cổ phiếu bị bán ròng qua kênh khớp lệnh.

    Nhìn chung giao dịch của khối ngoại hiện không còn quá ảnh hưởng đến diễn biến thị trường như trước, thậm chí một số giai đoạn còn có phần “lép vế” trước dòng tiền nội. Tuy nhiên, động thái bán ròng triền miên của khối ngoại chắc chắn vẫn có ảnh hưởng nhất định đến tâm lý nhà đầu tư trong nước.

    Nhìn lại, việc khối ngoại mua ròng mạnh chủ yếu mang tính thời điểm, tranh thủ bắt đáy khi định giá cổ phiếu xuống thấp sau các nhịp rơi sâu của thị trường. Dòng tiền này đến ồ ạt nhưng rút đi cũng nhanh chóng khiến thị trường thiếu động lực cho một xu hướng tăng bền vững. Về nguyên nhân khiến khối ngoại rút vốn, các yếu tố như chênh lệch lãi suất, tỷ giá neo cao… đã tác động đáng kể tới hành động của khối ngoại.

    Theo đó, hoạt động tái cấu trúc dòng vốn trên toàn cầu liên tục diễn ra với việc dòng tiền có xu hướng rút khỏi những thị trường tăng trưởng yếu hơn, đồng tiền mất giá hay nhóm thị trường cận biên để phân bổ vào những nơi hiệu quả hơn. Không chỉ Việt Nam mà các thị trường trong khu vực như Thái Lan, Trung Quốc cũng chịu ảnh hưởng rõ rệt từ việc rút vốn của khối ngoại.

    Trên thị trường chứng khoán (TTCK) Mỹ, trong phiên cuối tuần qua, Bộ Thương mại Mỹ đã công bố báo cáo cho thấy lạm phát trong tháng 5 tại nước này đã giảm xuống mức thấp nhất trong hơn ba năm. Cụ thể, chỉ số giá chi tiêu tiêu dùng cá nhân (PCE) lõi, không bao gồm giá thực phẩm và năng lượng, chỉ nhích 0,1% trong tháng trước và tăng 2,6% so với cùng kỳ năm trước. Cả hai số liệu trên đều phù hợp với dự báo trước đó từ Dow Jones.

    Đáng chú ý, chỉ số PCE lõi là thước đo lạm phát ưa thích của Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed). Trong khi đó, PCE tổng thể (bao gồm giá thực phẩm và năng lượng) gần như không thay đổi trong tháng 5 và tăng 2,6% so với cùng kỳ năm trước, cũng trùng khớp với dự báo. Số liệu về PCE được giới đầu tư theo dõi sát sao vì là chỉ dấu để dự đoán xem khi nào Fed sẽ bắt đầu hạ lãi suất.

    Theo công cụ từ CME FedWatch, thị trường hiện đang dự báo có 64,1% xác suất Fed sẽ hạ lãi suất tại cuộc họp tháng 9-2024. Nhìn chung, nhờ xu hướng dần hạ nhiệt của lạm phát và cơn sốt trí tuệ nhân tạo (AI), TTCK Mỹ đã duy trì được sắc xanh trong tháng 6 vừa qua, đánh dấu tháng tăng thứ 7 trong tám tháng qua.

    Chỉ số Nasdaq Composite một lần nữa dẫn đầu đà tăng khi có thêm gần 6% trong khi chỉ số S&P 500 và Dow Jones lần lượt cộng thêm 3,5% và 1,1%. Tính chung trong sáu tháng đầu năm nay, chỉ số Nasdaq Composite bứt phá tới 18,1%; S&P 500 leo dốc 14,5%, còn Dow Jones có thêm 3,8%.

    Về thông tin trong nước, các số liệu vĩ mô được Tổng cục Thống kê công bố cuối tuần qua khá tích cực khi tăng trưởng GDP quí 2 so với cùng kỳ đạt 6,93%, vượt dự báo của thị trường. Tuy vậy, vẫn có một chút áp lực về lạm phát khi chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 6 tăng 0,17% so với tháng trước và tăng 4,34% so với cùng kỳ. Cùng với đó là diễn biến căng thẳng cục bộ của tỷ giá.

    Trên nền bối cảnh đó, chỉ số VN-Index được kỳ vọng sẽ đi ngang tích lũy trở lại quanh khu vực 1.240-1.250 điểm. Theo đó, các vị thế ngắn hạn nên ưu tiên mục tiêu quản trị rủi ro, giữ tỷ trọng cổ phiếu ở mức cân bằng cho tới khi thị trường phát đi tín hiệu rõ ràng hơn về mặt xu hướng.

    Theo Thanh Thủy – Báo Kinh tế Sài Gòn

    Zalo
    Hotline