Trái ngược với tốc độ phát triển như vũ bão của hoạt động thương mại điện tử (TMĐT), các cơ quan quản lý Nhà nước vẫn đang loay hoay với các giải pháp chống thất thu thuế từ mô hình kinh doanh này.
Hiệp hội nói xuôi
Những ngày cuối tháng 9, Hiệp hội TMĐT Việt Nam (VECOM) đã có một số kiến nghị góp ý vào dự thảo luật sửa đổi, bổ sung Luật Quản lý thuế. Cụ thể, ở nội dung sửa đổi, bổ sung Khoản 4 Điều 42 Luật Quản lý thuế quy định các sàn giao dịch TMĐT có trách nhiệm khai thuế thay, nộp thuế thay cho các hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh trên sàn.
Trong khi đó, nội dung bổ sung Khoản 4a Điều 98 Luật Quản lý thuế quy định các sàn TMĐT và tổ chức cung cấp dịch vụ logistics hỗ trợ hoạt động TMĐT có trách nhiệm cung cấp đầy đủ, chính xác thông tin của thương nhân kinh doanh trên sàn TMĐT hoặc sử dụng dịch vụ vận chuyển của các tổ chức logistics.
Theo đó, VECOM không đồng tình và đề xuất loại bỏ 2 điều khoản nói trên vì cho rằng các quy định này trái với quy định pháp luật hiện hành và thông lệ quốc tế. Cụ thể, quy định tại dự thảo có những mâu thuẫn với cả Luật Thuế thu nhập cá nhân và Luật Thuế giá trị gia tăng.
Theo VECOM, Khoản 4 Điều 98 Luật Quản lý thuế hiện hành quy định khá tổng quát về trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức, cá nhân khác có liên quan đến người nộp thuế trong việc cung cấp thông tin người nộp thuế theo yêu cầu của cơ quan quản lý thuế. Việc bổ sung quy định như tại Khoản 4a Điều 98 theo dự thảo là gượng ép, không đảm bảo kỹ thuật lập pháp, phá vỡ cấu trúc của luật.
Cũng theo VECOM, việc yêu cầu các sàn TMĐT kê khai thay, nộp thay Thuế TNCN cho người bán là chưa có tiền lệ ở các nước trong khu vực cũng như trên toàn thế giới. VECOM dẫn lại một khảo sát của Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) vào năm 2022, dự kiến, quy định kê khai, nộp thuế thay này đòi hỏi các sàn TMĐT phải đầu tư chi phí lên đến hàng chục tỷ đồng mỗi năm cho việc thực thi.
Cơ quan quản lý nói ngược
Tuy nhiên, trái với kiến nghị của VECOM, trong cuộc họp báo thường kỳ quý III của ngành tài chính, ông Đặng Ngọc Minh, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế, cho biết dự thảo Luật Quản lý thuế sửa đổi có đề xuất sàn TMĐT có trách nhiệm khai và nộp thuế thay người bán hàng trên sàn.
Đây là giải pháp nhằm tăng cường hiệu lực, hiệu quả quản lý thuế. Lãnh đạo cơ quan thuế cũng cho biết các nhà cung cấp nước ngoài không hiện diện tại Việt Nam đã khai, nộp thay người bán qua cổng thông tin điện tử do ngành thuế quản lý. Hiện 108 nhà cung cấp nước ngoài như Google, Facebook... thực hiện.
Tính đến giữa tháng 8, các tập đoàn này đã nộp hơn 6.234 tỷ đồng, tăng 24% so với cùng kỳ năm ngoái. Theo ông Minh, việc áp dụng với doanh nghiệp trong nước nhằm đảm bảo công bằng. Nhà cung cấp nước ngoài làm được, không lý do gì, sàn TMĐT trong nước không thể khai, nộp thay. Chưa kể, về kỹ thuật các sàn hoàn toàn có thể thực hiện được việc cung cấp này.
Qua phỏng vấn sàn TMĐT trong nước, giám đốc các doanh nghiệp này đều khẳng định nếu chính sách được ban hành, họ có thể thực hiện được việc khai, nộp thay cá nhân bán hàng trên sàn.
Thông qua 2 luồng thông tin trên có thể thấy sự mâu thuẫn, bất đồng trong quan điểm, nhất là quy định sàn TMĐT kê khai, nộp thuế thay người bán. Trong khi VECOM là đại diện tiếng nói của doanh nghiệp lại cho rằng nên loại bỏ đề xuất sàn TMĐT khai và nộp thuế thay cho người kinh doanh vì có những mâu thuẫn với Luật thuế TNCN và Luật thuế GTGT.
Câu hỏi đặt ra là vì sao ngành thuế lại không nhìn ra sự mâu thuẫn này để rồi vẫn đưa đề xuất nói trên vào dự thảo. Chưa kể trong khi ngành thuế cho biết qua phỏng vấn sàn thì họ khẳng định có thể thực hiện, vậy tại sao VECOM vẫn có ý kiến? Phải chăng vì lo ngại các doanh nghiệp sẽ tốn thêm hàng tỷ đồng mỗi năm cho việc thực thi.
Thêm nữa, phía hiệp hội cho rằng việc kê khai và nộp thuế thay cho người bán là chưa có tiền lệ, nhưng ngành thuế lại cho rằng nhà cung cấp nước ngoài không hiện diện tại Việt Nam đã khai, nộp thay người bán qua cổng thông tin điện tử do ngành thuế quản lý nên các sàn TMĐT trong nước không có lý do gì không thể.
Không thể “đến hẹn lại bàn”
Trên thực tế, mâu thuẫn không chỉ đến từ phía các cơ quan quản lý và doanh nghiệp mà tại nhiều diễn đàn của những người kinh doanh qua các sàn TMĐT cũng đang tồn tại 2 luồng ý kiến.
Nhiều người cho rằng nên để sàn kê khai, nộp thuế thay người bán vì các thông tin sàn đều nắm và người bán đỡ phải thực hiện nhiều thủ tục khai, nộp thuế. Nhưng cũng có lo ngại khi các sàn kê khai, làm thay sẽ phát sinh thêm chi phí và chi phí ấy đương nhiên sẽ bị đẩy qua cho các nhà bán hàng. Trong khi bản thân họ đang ngày càng phải chịu nhiều loại phí khi kinh doanh trên các sàn.
Theo số liệu thống kê, khoảng 5 năm trở lại đây tốc độ tăng trưởng TMĐT Việt Nam duy trì ở mức 20-25%. Năm 2023, theo thống kê của Bộ Công Thương, quy mô thị trường TMĐT bán lẻ đã đạt mức 20,5 tỷ USD, chiếm 8% tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng toàn quốc.
Tỷ lệ này đang được dự đoán đạt 10% vào năm 2025. Song hành với sự tăng trưởng của TMĐT câu chuyện tránh thất thu thuế cũng được nói đến nhiều trong những năm gần đây. Mặc dù số thuế thu được đang ngày một tăng nhưng việc thu đúng, thu đủ đảm bảo công bằng trong kinh doanh vẫn còn là thách thức không nhỏ với ngành thuế
Thỉnh thoảng, những thông tin liên quan đến việc truy thu, phạt số tiền lớn những cá nhân, tổ chức kinh doanh qua sàn TMĐT được truyền thông nhắc đến thì câu chuyện lại nóng lên, người kinh doanh lại tất tả lo lắng, nhưng sau đó mọi chuyện lại có vẻ lắng lại.
Ngay cả đề xuất sàn TMĐT khai, nộp thuế thay người bán cũng không phải thời điểm này mới được nhắc tới mà đã từng nóng lên trong giai đoạn giữa năm 2022, nhưng rồi cũng chưa thể thực thi.
Liệu lần này câu chuyện thu thuế người kinh doanh qua sàn TMĐT có được siết chặt hơn qua Luật Quản lý thuế sửa đổi hay không đang là câu hỏi rất được quan tâm. Vẫn biết quản lý thuế TMĐT là bài toán khó nhưng đã đến lúc cần có lời giải chứ không thể mãi loay hoay.
Với sự phát triển mạnh mẽ của hoạt động TMĐT trong những năm gần đây, việc thay đổi phương thức quản lý thuế là đương nhiên. Song, các giải pháp, đề xuất cần được cân nhắc kỹ lưỡng. Do vậy, Bộ Tài chính sẽ tiếp tục lắng nghe ý kiến doanh nghiệp để có đề xuất điều chỉnh phù hợp.
Theo Đức Mạnh – Báo Sài Gòn Giải Phóng – Đầu tư tài chính