Người Việt Nam quá quen thuộc với những thương hiệu Hàn Quốc như Samsung, LG, Hyundai hay Lotte… nhưng có lẽ ít ai hay Tous les Jours, Paris Baguette – những chuỗi bánh có cái tên rất Pháp – cũng đến từ xứ sở kim chi.
Cuộc tìm đến Việt Nam
Thành lập năm 1997, Tous les Jours mở cửa hàng đầu tiên tại TPHCM vào năm 2007. Còn chuỗi Paris Baguette thành lập sớm hơn vào năm 1988, nhưng lại khai trương cửa hàng đầu tiên tại TPHCM năm 2011. Trong giai đoạn 2007-2011, rất hiếm có chuỗi cửa hàng chuyên về bánh hoặc thương hiệu nhượng quyền bánh tại Việt Nam.
Nhưng đây cũng là khoảng thời gian Chính phủ Hàn Quốc hạn chế cấp phép cho các công ty bánh lớn trong nước do thị trường của họ đã bão hòa và cũng để bảo vệ các tiệm bánh, hiệu bánh nhỏ hơn. Quyết định “đẩy thuyền ra biển lớn” của Chính phủ Hàn Quốc rốt cuộc tạo nên “đế chế” cộng gộp của cả Tous les Jours và Paris Baguette tại Hàn Quốc và nước ngoài lên đến hơn 5.700 tiệm bánh.
Tại Việt Nam, tính đến hiện tại, Tous les Jours có 40 cửa hàng tại TPHCM, Hà Nội và Hải Phòng, Paris Baguette có 10 cửa hàng tại TPHCM và Hà Nội, theo số liệu tổng hợp của Kinh tế Sài Gòn từ fanpage và trang web chính thức của hai chuỗi này.
Tương tự như Tous les Jours hay Paris Baguette, giới khởi nghiệp Hàn Quốc cũng tìm đến Việt Nam như một chân trời mới.
Dựa trên dữ liệu của trang LinkedIn, khảo sát trong năm 2023 của quỹ cổ phần tư nhân Asia Partners có trụ sở ở Singapore cho biết có 250 nhà sáng lập, đồng sáng lập và CEO Hàn Quốc đã mở văn phòng và hay chi nhánh tại Đông Nam Á. Trong số này, Việt Nam là lựa chọn đứng thứ hai với 21%, xếp sau Singapore với 38% và trên Indonesia 20%, bỏ xa các nước như Thái Lan 7%, Malaysia 6% và Campuchia 1%.
Tháng 8-2023, Bộ Các doanh nghiệp nhỏ và vừa cùng startup Hàn Quốc đã cho ra mắt chương trình “Startup Korea” với mục tiêu huy động 10.000 tỉ won (7,25 tỉ đô la thời điểm hiện tại) trong năm 2024 để tài trợ cho các hoạt động nội địa và mở rộng kinh doanh toàn cầu của các startup Hàn Quốc.
Tháng 11-2023, Trung tâm Khởi nghiệp Hàn Quốc (K-Startup Center) được thành lập trong một tòa nhà của Lotte ở quận Ba Đình, Hà Nội – trở thành điểm thứ tư sau Seatle ở Mỹ, Paris ở Pháp và Singapore K-Startup Center.
Một trung tâm tương tự cũng ra mắt tại Diamond Plaza ở quận 1, TPHCM. Tại đây, các startup Hàn Quốc được hỗ trợ một phần, phần lớn hoặc miễn phí tiền thuê mặt bằng, được chia sẻ thông tin về thị trường và cơ hội kinh doanh. Một khi đã đủ lớn, startup có thể chọn dọn ra riêng, nhưng vẫn nhận được hỗ trợ của các trung tâm – theo lời cô Phạm Thị Hương Thảo, Tổng giám đốc Công ty an ninh mạng F1Security của Hàn Quốc đang hoạt động tại Diamond Plaza.
“Các startup Hàn Quốc chọn Việt Nam là một trong những điểm đến đầu tiên trong chiến dịch mở rộng thị trường trên toàn cầu bởi “Chính sách hướng Nam” của Hàn Quốc. Không chỉ ưu đãi ở thị trường nội địa, các startup và cả các quỹ vốn mạo hiểm cũng được chính phủ hỗ trợ hoạt động ở nước ngoài”, theo lời anh Huỳnh Công Thắng, nhà sáng lập kiêm CEO Innolab Asia, một công ty Việt Nam có trụ sở tại TPHCM chuyên về tư vấn khởi nghiệp.
Vị CEO này nói với Kinh tế Sài Gòn rằng tháng 11 năm ngoái, Innolab Asia đã tổ chức chuyến đi gần sáu tuần cho các startup và các quỹ đầu tư Hàn Quốc gặp gỡ và tìm hiểu các cơ hội, mô hình đầu tư với các đối tác Việt Nam. Toàn bộ chi phí của chuyến đi do Chính phủ Hàn Quốc tài trợ.
Nhiều kỳ lân thất bại
Trong báo cáo kiểm toán năm 2023, Woowa Brothers – công ty mẹ của Baemin Vietnam – nói rằng họ đã chịu lỗ liên tiếp nhiều năm, sau khi không cạnh tranh nổi và mở rộng được thị phần tại Việt Nam dù đã “cắm sân” tại khoảng 10 tỉnh thành tại Việt Nam từ năm 2019.
Baemin đã thúc thủ trước hai đối thủ lớn là Grab và ShopeeFood với thị phần tương ứng là 45% và 41%, chịu sự bám đuổi của các đối thủ bằng vai như Be và Gojek. Trước đó, mảng bán lẻ trực tuyến của WBV Retail của Woowa phải chịu đóng cửa sớm hơn vào năm 2020, chỉ sau một năm ra mắt.
Tương tự, Viva Republica, nhà điều hành siêu ứng dụng tài chính Toss từ Hàn Quốc, cũng đã đóng cửa Toss Southeast Asia có trụ sở chính tại Singapore cuối năm 2023, chỉ một năm sau khi khai trương. Toss đã không thể lớn mạnh ở Đông Nam Á vì nhiều lý do.
Toss thâm nhập Việt Nam sớm hơn, từ năm 2019, với các dịch vụ cho vay các khoản nhỏ, thẻ thanh toán trả trước và dịch vụ đánh giá điểm tín dụng nhưng đã không thể giới thiệu các dịch vụ tài chính mới do không đáp ứng được với các quy định nghiêm ngặt của chính phủ và ngân hàng nhà nước. Tính đến năm 2022, các hoạt động của Toss tại Việt Nam đã ghi nhận mức thâm hụt 10,9 tỉ won (7,8 triệu đô la) và buộc phải đóng cửa một năm sau đó.
Năm 2023 là thời điểm khắc nghiệt với các kỳ lân nước ngoài, bởi mọi thứ “dễ đến dễ đi” và còn nhanh hơn chuyện Uber và WeWork tháo chạy khỏi Việt Nam và Đông Nam Á trước đó.
Chẳng hạn, tháng 5-2023 kỳ lân cho thuê xe tự lái Zoomcar đến từ Ấn Độ phải rời bỏ thị trường Việt Nam, sau hơn một năm hoạt động và đã đốt hơn 8 triệu đô la trong năm đầu tiên. Đến tháng 7-2023, đến lượt Atome – kỳ lân “mua trước trả sau” (Buy Now, Pay Later) đến từ Singapore – ngã gục chỉ sau một năm trụ trên thị trường.
Các chuyên gia về startup dự báo sức khỏe của các kỳ lân khách sạn giá rẻ nhắm vào tệp khách bình dân như OYO (từ Ấn Độ) và RedDoorz (hình thành ở Indonesia, nhưng đóng trụ sở chính ở Singapore) đang có những dấu hiệu xấu và có thể sẽ rút hoặc đã rút khỏi Việt Nam trong năm nay. Nhiều người lo ngại cho Gojek khi thị phần của hãng này đang bị các đối thủ như Grab và Be lấn lướt.
Nỗi lo ngại bao trùm?
Các quỹ đầu tư mạo hiểm Hàn Quốc và toàn cầu đầu tư mạnh vào các startup Việt Nam trong giai đoạn 2019-2021. Nhưng mọi sự đã thay đổi đáng kể sau đó. CEO David Kim của quỹ The Invention Lab nói rằng các quỹ đầu tư mạo hiểm Hàn Quốc cũng như các quỹ đầu tư mạo hiểm toàn cầu khác đã không còn đầu tư tích cực vào Việt Nam như trước.
“Hầu hết các khoản đầu tư của Hàn Quốc đều thua lỗ. Kể từ cuối tháng 7-2022, họ khá thận trọng trong việc đầu tư vào các công ty khởi nghiệp địa phương của Việt Nam”, Kim nói với tờ DealStreetAsia.
Các chuyên gia Hàn Quốc nói với KED Global rằng, so với các đối thủ trên thị trường Việt Nam, các kỳ lân như Baemin và Toss đã thất bại trong việc nội địa hóa các sản phẩm và dịch vụ nhằm phù hợp với người tiêu dùng địa phương. Nhiều startup Hàn Quốc đã nhanh chóng rời thị trường Việt Nam sau khi không tìm được nguồn lực địa phương đáng tin cậy để giúp họ giải quyết các vấn đề trong nước, từ pháp lý đến các quy định và thuế. Thu nhập thấp và sức mua thấp ở Việt Nam và các nước Đông Nam Á khiến các startup Hàn Quốc khó kiếm lợi nhuận, đặc biệt là trong lĩnh vực chăm sóc sức khỏe, thời trang và trò chơi.
Anh Huỳnh Công Thắng của Innolab Asia nói rằng Việt Nam được xem là thị trường mới nổi, chưa định hình. Vì thế, khó đoán được tâm tình của khách hàng người Việt Nam. Giá luôn là yếu tố chính quyết định việc mua sản phẩm hay dịch vụ, hơn là việc lựa chọn hay ủng hộ thương hiệu mình yêu thích. Hơn nữa thời “tiền dễ” (easy money) đã qua. Khi không còn nguồn tiền “để đốt” cho khuyến mãi do các quỹ ngừng đầu tư và đòi hỏi lộ trình tiến tới lợi nhuận, các startup hay kỳ lân buộc phải thay đổi đường lối. “Họ buộc phải rút khỏi thị trường bởi chiến lược sống còn ở những nơi khác”, nhà tư vấn khởi nghiệp nói.
Theo Rick Hồ - Báo Kinh tế Sài Gòn