Chuyển đổi xanh cho DN, đặc biệt các DN nhỏ và vừa là xu thế không thể đảo ngược. Nhưng làm thế nào để DN chuyển đổi xanh có thể chứng minh để vay được vốn, vừa có khả năng tăng trưởng cao trong tương lai?
Nhìn từ MyBank của Trung Quốc
Chúng ta hãy chú ý đến xu hướng tài chính xanh nhưng có yếu tố công nghệ. MyBank - một NH điện tử của Trung Quốc, họ sử dụng Fintech trong việc cung cấp tín dụng xanh cho các DN nhỏ và vừa.
Tại Trung Quốc, người nông dân ở nông thôn nghèo hơn ở thành thị, hiện tượng này khá tương đồng với Việt Nam. Đây cũng là nhóm khách hàng không có lịch sử tín dụng, nên không tra cứu được lịch sử tín dụng của họ trên hệ thống. Thêm nữa, đa phần nông dân có rào cản tâm lý không thích đi vay, cho rằng việc đi vay rất xấu hổ…
Tuy nhiên, sau khi điều tra MyBank đã phát hiện người nông dân ở nông thôn có thu nhập hàng năm ổn định, thậm chí có thể cho con đi học tại các thành phố lớn. Vấn đề là lâu nay chúng ta thiếu các giải pháp tài chính dành cho họ, vượt qua được rào cản lịch sử tín dụng.
Chính vì thế, MyBank tìm những dữ liệu trên thị trường thứ cấp để thay thế cho lịch sử tín dụng. Chẳng hạn những dữ liệu thứ cấp có sẵn như hợp đồng đất đai hay hồ sơ phân phối sản phẩm, hay các hóa đơn mua máy móc nông nghiệp… Và những thứ này có thể dự đoán được rủi ro cho sản phẩm làm ra của họ, từ đó đưa vào hồ sơ tín dụng cho khoản vay.
Về cách thức thực hiện, một người nông dân đăng ký trên ứng dụng của MyBank và đăng ký một khoản vay. Sau khi họ khoanh vùng khu vực sản xuất nông nghiệp trên ứng dụng, MyBank xử lý toàn bộ bằng công nghệ vệ tinh cũng như AI. Cụ thể, MyBank xử lý toàn bộ dữ liệu này thông qua một hệ thống có tên là Tomtit.
Tomtit sử dụng một công nghệ vệ tinh viễn thám và nhận dạng hình ảnh, giúp cho MyBank có thể ước tính về năng suất sản phẩm và đánh giá rủi ro của khoản vay đó. Công nghệ này cũng giúp phát hiện được toàn bộ khu vực diện tích cây trồng, và xác minh được loại cây trồng có đúng như là người dân đã đăng ký ở trong khoản vay hay không.
Đồng thời, công nghệ cập nhật thường xuyên tình trạng của khu vực trồng cây này, nhằm giảm xác suất vỡ nợ và nâng cao tính minh bạch của khoản vay. Trước khi sử dụng hệ thống công nghệ vệ tinh và AI này, MyBank sử dụng hệ thống drone (thiết bị bay thông minh không người lái) để kiểm tra khu vực trồng.
Với ứng dụng công nghệ vệ tinh và AI, đến cuối năm 2016, dịch vụ cho vay nông dân của MyBank mở rộng được đến 1.000 làng với 65 huyện thuộc 28 tỉnh của Trung Quốc. Các trang trại lợn hay trồng cây, nuôi đà điểu… đều có các khoản vay không cần thế chấp, trung bình vào khoảng 50.000 Nhân dân tệ (khoảng 180 triệu đồng) với một kế hoạch linh hoạt 6, 12 và 24 tháng.
Có thể nói, mô hình này của MyBank đã tạo ra một dòng doanh thu mới cho MyBank. Một số NH ở Trung Quốc đã mua lại bí quyết công nghệ này để ứng dụng trong việc mở rộng khả năng cho vay của họ đối với thị trường nông dân, nông thôn.
Đơn cử NH Quế Lâm, khi trả lời phỏng vấn vào năm 2020 nói rằng: “Mô hình NH truyền thống không hiệu quả với chi phí cao và quy trình quản lý rủi ro phức tạp. Do vậy chúng tôi khó có thể cung cấp các dịch vụ tài chính toàn diện cho các DN vừa và nhỏ, cho nông dân, còn ở nông thôn chỉ có thể phục vụ được một vài khách hàng quy mô lớn.
Từ khi dùng công nghệ NH kỹ thuật số của MyBank, đã giúp chúng tôi vượt qua các rào cản về chi phí, hiệu quả và rủi ro tài chính của DN vừa và nhỏ, cho phép chúng tôi phục vụ nhiều khách hàng hơn ở thị trường nông thôn”.
Đến lĩnh vực bảo hiểm
Một minh chứng khác đến từ một lĩnh vực bảo hiểm Hillridge - một Công ty công nghệ bảo hiểm của Australia vừa vào Việt Nam. Trong khoảng cuối năm 2023, tại Công ty Clickable có xây dựng cho Hillridge một báo cáo đánh giá xem tiềm năng của thị trường bảo hiểm chỉ số tại Việt Nam đang là bao nhiêu.
Bảo hiểm chỉ số là một loại bảo hiểm dựa trên chỉ số người nông dân, họ có thể được chi trả bảo hiểm ngay lập tức khi chỉ số có tham chiếu vượt ngưỡng. Và thế là Clickable ra được bảng để tính toán xem các nông dân tại ĐBSCL, gồm các nông dân đang trồng lúa hoặc các DN đang sản xuất lúa, xoài, sầu riêng, tôm và cam, đây là những sản phẩm hoàn toàn có thể được bảo vệ bởi bảo hiểm chỉ số. Hiện nay Clickable cũng đã ước lượng ra khoảng 40% tổng giá trị sản xuất tại ĐBSCL có thể được bảo vệ bằng bảo hiểm chỉ số.
Một thí dụ dễ hiểu hơn về công nghệ này. Một nông trại trồng cà phê tại Đắk Lắk mua mức bảo hiểm chỉ số lượng mưa là 816mm. Khi gặp vấn đề, họ sẽ được chi trả 240.000 đồng cho mỗi mm dưới ngưỡng mà họ kỳ vọng. Vào thời điểm khách hàng đòi quyền lợi bảo hiểm, lượng mưa xem được trên bảo hiểm chỉ số có tham số 800mm.
Như vậy người nông dân này đã được chi trả 240.000 đồng x 16mm, tương đương 3,84 triệu đồng ngay khi có sự chênh lệch của lượng mưa. Điều này rất quan trọng, vì ảnh hưởng của thời tiết, đặc biệt là thời tiết cực đoan đối với nông dân cực kỳ lớn.
Từ 2 thí dụ này, có thể nói công nghệ trở thành một chìa khóa, một đường tắt để giảm rủi ro khí hậu cho các DN, thậm chí còn có thể giúp tăng khả năng cạnh tranh của DN.
Có 3 con đường dẫn đến việc này: các ứng dụng công nghệ có thể giúp giảm rủi ro vật chất trong nhóm rủi ro khí hậu; giảm rủi ro vật chất, ổn định được sản xuất; không có nhiều thiệt hại vật chất khi có một hiện tượng thời tiết cực đoan hay thiên tai xảy ra.
Góc nhìn cho Việt Nam
Việt Nam hiện có 49 công ty khởi nghiệp (startup) công nghệ khí học, thu hút được khoảng 92,6 triệu USD từ năm 2015-2023. Nếu tính trung bình, mỗi công ty khởi nghiệp công nghệ khí hậu tại Việt Nam mới nhận được khoảng 2 triệu USD, và đây là một con số quá thấp so với thế giới.
Trong khi để giải quyết được bài toán công nghệ khí hậu, những startup có nhiều hàm lượng khoa công nghệ cần 5-25 triệu USD mới có thể đưa ra được một giải pháp mang tính đột phá. Các startup ở Việt Nam chỉ mới được cung cấp 2 triệu USD, nghĩa là chưa được một nửa số tiền họ cần để thực hiện được giải pháp này.
Khi trao đổi với các thành viên trong hệ sinh thái, một trong những kiến nghị chúng tôi đưa ra: Thứ nhất, các tổ chức tài chính phát triển (DFI) có thể đóng vai trò là nhà tài trợ mỏ neo. Bởi họ có nguồn vốn kiên nhẫn hơn, nguồn vốn chịu rủi ro cao hơn, họ có thể đứng ra bảo chứng cho các startup về khí hậu cũng như hỗ trợ kỹ thuật cho các startup về khí hậu, để startup có thể vượt qua được giai đoạn đầu.
Thứ hai cần “mở khóa” hệ thống tài chính để đón được các nhà đầu tư thiên thần, các nhà đầu tư giai đoạn đầu, các nhà đầu tư công nghệ sâu, để thúc đẩy bơm tiền cho các startup ở nhóm công nghệ khí hậu.
Và cũng có thể nhìn trong 5 năm tới đây, những xu hướng nhà đầu tư kỳ vọng sẽ được nhìn thấy nhiều hơn trong thị trường để có thể tài trợ nhiều hơn, bao gồm các nhóm hiệu quả năng lượng, nhóm công nghệ pin (Việt Nam đã có một số startup về công nghệ pin), nhóm MRV, có nghĩa là đo lường, kiểm đếm, xác minh kết quả giảm phát thải và nhóm carbon thu hồi từ đại dương.
Vậy còn NH nên tham gia như thế nào? Bởi khi thị trường thay đổi NH cũng sẽ cần phải thay đổi. Vào năm 2005, Tổng thư ký Liên hợp quốc Kofi Annan, đã kêu gọi giới tài chính và các giới nghiên cứu xem xét vai trò của ESG trong việc quản lý tài sản và các nghiên cứu về tài chính. Như vậy các DN, đặc biệt là các NH cần phải đón đầu xu hướng chuyển đổi xanh.
Có một vài cách các NH ở Việt Nam đã làm. Đó là việc nhận ra toàn bộ rủi ro liên quan đến khí hậu đã dần chuyển vào hoạt động NH của mình. Bởi hiện nay ngoài rủi ro khí hậu, các rủi ro từ môi trường, rủi ro quản trị khác các NH đang phải phơi nhiễm. Ở đây có 3 khía cạnh mà các NH có thể thực hiện.
Thứ nhất, đánh giá rủi ro ESG của các khách hàng và các dự án vay. Năm 2023, một số NH đã công bố các khung chấm điểm rủi ro môi trường và xã hội, do vậy kỳ vọng sẽ còn nhiều NH trong thời gian tới sẽ nhận ra được và quản lý được các rủi ro của mình dựa trên đánh giá ESG.
Thứ hai, phát triển sản phẩm tín dụng mới. Thứ ba là sử dụng tích hợp ESG vào quá trình quản lý các danh mục cho vay. Sau khi làm xong bước lõi, hãy tiếp tục với các bước đầu tư sao cho hiệu quả hơn vào trong các mục tiêu chuyển đổi xanh. Hiện một số NH đã từ chối cung cấp các khoản vay cho các ngành phát thải cao như ngành than.
Như vậy các NH hoàn toàn nhìn thấy được các lợi ích từ việc tích hợp ESG vào quá trình phân tích, đầu tư của chính mình. Các công nghệ như nói trên đã có ở Việt Nam. Đã có rất nhiều DN cung cấp các dịch vụ như vậy, hy vọng năm 2025 có thể quan sát được nhiều sự thay đổi hơn trong công cuộc này tại Việt Nam.
Có thể thấy dòng vốn chuyển đổi xanh không chỉ đến từ NH, mà mở rộng ra toàn bộ hệ thống tài chính, như dòng vốn từ quỹ đầu tư mạo hiểm, các nhà tài trợ tổ chức, các nhà tài trợ thể chế, các nhà đầu tư thiên thần, các tổ chức phát triển… Vấn đề là các tổ chức này cùng DN có thể làm việc với nhau như thế nào trong toàn bộ quá trình cung cấp vốn cho chuyển đổi xanh. Công nghệ là một công cụ mang tính kích hoạt.
Theo ThS. Lê Thị Thu Hà, Đại học Kinh tế TPHCM – Báo Sài Gòn Giải Phóng – Đầu tư tài chính