Câu chuyện "Trái dưa bổ tám" và nền kinh tế độc thân ở Hàn Quốc

Câu chuyện "Trái dưa bổ tám" và nền kinh tế độc thân ở Hàn Quốc

Admin - 04/11/2024 10:10 AM

    Park Ki-mook là nhân viên văn phòng và đang sống một mình trong một căn hộ ở thủ đô Seoul. Người đàn ông 40 tuổi kể với The Korea Herald rằng anh bắt đầu dọn ra sống một mình vào giữa những năm 2000. Lúc đó, anh phải mua cả một trái dưa hấu to. Thời gian trôi qua, các cửa hàng đã bổ trái dưa thành hai nửa, rồi bốn phần và thậm chí thành những lát nhỏ một phần tám.

    Giới trẻ sống một mình ở Hàn Quốc thường chọn mua sắm các bữa ăn sẵn tại các cửa hàng tiện lợi. Số hộ gia đình một người vượt quá 10 triệu vào tháng 3-2024. Ảnh: Newsis / Korea Times

    “Tôi xem chiến lược bán hàng như vậy là sự điều chỉnh hoàn hảo theo nhu cầu của hộ gia đình một người. Bởi những người như tôi phải chọn kích cỡ vừa đúng nhu cầu của mình, không thể mua cả trái dưa hấu, và sau đó phải nhìn phần lớn còn lại ôi thiu trong tủ lạnh”, anh Park nói.

    Anh Park đại diện cho phân khúc hộ gia đình độc thân đang phát triển nhanh chóng ở Hàn Quốc, góp phần làm tăng nhu cầu về hàng tạp hóa và thực phẩm được bán với suất nhỏ hơn trong những năm gần đây.

    Theo Cục Thống kê Hàn Quốc (Kostat), số lượng hộ gia đình một người tại xứ kim chi đang tăng liên tục kể từ năm 2015 khi chiếm 27,2% tổng số gia đình. Tỷ lệ này lần đầu tiên vượt qua 30% vào năm 2019, tăng lên 31,7% vào năm 2020, và đạt mức cao kỷ lục 34,5% vào năm 2023 với khoảng 9,93 triệu hộ. Tuy nhiên, nhật báo Dong-ah Ilbo dẫn số liệu Bộ Hành chính và An ninh Hàn Quốc là số hộ một người vượt 10 triệu vào tháng 3-2024, chiếm tỷ lệ 41,8%.

    Sự gia tăng như vậy xảy ra trong bối cảnh nhân khẩu học đang thay đổi, với ít người kết hôn hơn và nhiều người sống thọ hơn.

    “Xu hướng hộ độc thân sẽ tăng tốc”, Kostat chỉ ra rằng những người ở độ tuổi 20 chiếm tỷ lệ lớn nhất với 19,2% trong tổng số hộ một người vào năm 2023, tiếp theo là những người ở độ tuổi 70 với 18,6% và những người ở độ tuổi 30 ở tỷ lệ 17,3%.

    Với cơ cấu nhân khẩu học mới, các công ty bán lẻ đang giảm kích cỡ một loạt mặt hàng tạp hóa và thực phẩm bán ở các siêu thị và cửa hàng tiện lợi, như thịt, gạo, trái cây và rau quả, thậm chí cả pizza.

    Chuỗi cửa hàng giảm giá Lotte Mart cho biết doanh số bán các gói táo cắt lát, mỗi gói nặng 150 gam, đã tăng 70% vào năm 2023 so với một năm trước khi giới thiệu sản phẩm này. Lotte cũng cho biết doanh số bán dưa hấu được bán theo góc tư hay góc tám, trong thời gian từ ngày 1-5 đến 11-6, đã tăng gấp 5 lần so với cùng thời điểm năm ngoái.

    Việc cắt giảm kích cỡ các mặt hàng tạp hóa và thực phẩm cũng có thể nhận thấy rõ tại các cửa hàng tiện lợi, nơi những người thuộc hộ gia đình một hoặc hai người thường xuyên lui tới.

    GS25, chuỗi cửa hàng tiện lợi hàng đầu ở Hàn Quốc, nói doanh số trong nửa đầu năm 2024 của các loại salad trái cây trong ly hoặc hộp tăng 22,1% so với cùng kỳ năm ngoái. Doanh số bán các món ăn vặt gói nhỏ tăng 28,9% so với cùng kỳ trong nửa đầu năm nay.

    Đó là bức tranh mới về nền kinh tế Hàn Quốc chịu tác động của hộ gia đình một người. Tỷ lệ gia tăng của hộ một người cũng nói lên quan điểm và giá trị cuộc sống ở Hàn Quốc.

    Kinh tế dường như là một trong những nguyên nhân chính khiến mọi người chọn cuộc sống độc thân. Các khảo sát xã hội học ở Hàn Quốc cho thấy 42,6% hộ một người thừa nhận phải đối mặt với khó khăn lớn nhất là tìm kiếm bữa ăn có chất lượng. Các vấn đề về bệnh tật và tình huống khẩn cấp xếp thứ hai với tỷ lệ 37,6%, và tiếp đến là cảm giác cô đơn 23,3%. Gần 25% số hộ một người nói cảm thấy lo âu và 10% sợ đối mặt với tội phạm.

    Theo Ricky Hồ - Báo Kinh tế Sài Gòn

    Zalo
    Hotline